Pháp luật

Tin tức

Gia Lai: Nhân viên bảo vệ Nông trường Cao su Kdang lạm quyền?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kdang là một trong những xã của huyện Đak Đoa (Gia Lai) có mô hình trồng cao su tiểu điền khá sớm và đang phát triển mạnh. Toàn xã hiện có hơn 518 ha cao su tiểu điền, trong đó 200 ha trong diện khai thác.
Theo phản ánh của người dân, trong khi họ vận chuyển đi tiêu thụ mủ cao su thì bị lực lượng bảo vệ của Nông trường Cao su Kdang, Đội cơ động của Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang cấm cản, tịch thu sản phẩm... Những ngày qua, Ban Nhân dân thôn Cầu Vàng (xã Kdang, huyện Đak Đoa) thường xuyên nhận được đơn thư phản ánh của người dân làm nghề buôn bán mủ cao su (kể cả người có hợp đồng khai thác, chăm sóc, bảo vệ, vận chuyển và bán mủ cao su, vườn cây tư nhân) về tình trạng trên.
Người dân trình báo việc bị lực lượng bảo vệ bắt mủ, thu xe máy với trưởng thôn. Ảnh: Lê Nam
Đơn của bà Đặng Thị Mỹ Lộc gửi Ban Nhân dân thôn Cầu Vàng phản ánh: Ngày 2-9, trên đường đi làm rẫy, bà có ghé vào làng mua một số mủ cao su của đồng bào dân tộc thiểu số, khi trên đường vận chuyển về nhà thì bị một số thanh niên ép xe bà ngã xuống đường sau đó lấy số mủ cao su trên, lấy cân và cả chìa khóa xe máy. Trao đổi với chúng tôi, bà Lộc bức xúc: “Từ đầu năm đến nay đã hơn 3 lần tôi bị chặn xe, bị tịch thu mủ cao su. Theo tôi biết, mủ cao su không phải là hàng quốc cấm, do đó việc tôi không vào vườn cây cao su của Nông trường trộm mủ mà chỉ mua lại của bà con dân tộc thiểu số thì làm sao lực lượng bảo vệ của Nông trường có quyền chặn xe thu mủ của tôi. Ngoài ra, lực lượng này không đủ thẩm quyền buộc dừng xe khi người tham gia giao thông đang lưu thông trên đường nếu không có sự phối hợp của Công an”.  
Không những thế, lực lượng này còn vào cả nhà dân để thu mủ, thu xe máy. Ông Đỗ Ngọc Tâm- thôn Cầu Vàng bức xúc cho biết: “Vào ngày 31-8-2011, khi vợ tôi vừa chở mủ cao su từ xã Hải Yang về đến nhà thì có 2 người (lúc đầu chưa rõ là ai) vào nhà dùng bình xịt hơi cay hù dọa và lấy đi 25 kg mủ cao su, 1 chiếc cân và xe máy của gia đình. Trước đó, gia đình có làm hợp đồng khai thác, chăm sóc, bảo vệ, vận chuyển và bán mủ cao su với ông Đặng Hoàng Huy (thôn 3, xã Hải Yang) và được phép vận chuyển mủ. Khi tôi điện thoại hỏi Công an xã họ bảo không biết. Cuối cùng tôi đến Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang hỏi thì mới hay là người của Công ty bắt với lý do chở mủ cao su đi “trật tuyến đường”.
Ông Đặng Ngọc Dũng- Trưởng thôn Cầu Vàng cho biết: “Vấn đề này người dân đã nhiều lần phản ánh với Ban Nhân dân thôn. Chúng tôi cũng đã phản ánh tình trạng này lên cấp trên nhưng mọi việc vẫn không được giải quyết dứt điểm. Lực lượng này khi vào nhà dân thu mủ họ không hề phối hợp với thôn và sau khi thu mủ thì lại không hề có biên bản tịch thu, giấy tờ khám xét hay giải thích gì với người dân nên một bộ phận người dân hết sức bất bình trước những việc làm trên. Ngoài ra, việc ép dừng xe rất dễ gây tai nạn giao thông”. 
Trao đổi với chúng tôi về việc người dân bị lực lượng bảo vệ chặn xe thu mủ cao su trong thời gian qua trên địa bàn xã, ông Lê Anh Vũ- Phó Trưởng Công an xã Kdang cho hay: “Thời gian gần đây, Công an xã có nhận được phản ánh của một số trưởng thôn về tình trạng trên. Mặc dù Công an xã với Nông trường Cao su Kdang có ký kết phối hợp nhằm đảm bảo an ninh- trật tự trên địa bàn nhưng việc lực lượng bảo vệ của Nông trường Cao su Kdang, Đội Cơ động của Công ty chặn xe của người dân, tịch thu mủ cao su, chúng tôi chưa hề được thông báo phối hợp. Theo nguyên tắc, lực lượng này không được phép dừng xe và khám xét nhà dân khi không có mặt của chính quyền địa phương”.
Đề nghị cơ quan chức năng cần sớm điều tra làm rõ và có hướng xử lý thỏa đáng tình trạng trên. Mặt khác người dân cũng cần tự giác không trộm cắp và tiêu thụ mủ cao su không rõ nguồn gốc, đồng thời phát hiện, tố giác kẻ trộm cho chính quyền xử lý, góp phần ổn định trật tự xã hội ở thôn làng... 
Lê Nam

Có thể bạn quan tâm