Kinh tế

Gia Lai: Nhiều doanh nghiệp vướng vấn đề đất đai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp năm 2011 do UBND tỉnh tổ chức mới đây, nhiều vướng mắc được các doanh nghiệp nêu ra đề nghị tỉnh tháo gỡ. Nhưng “nóng” nhất là vấn đề liên quan đến giao đất và tình trạng xâm canh tại các nông-lâm trường trồng cao su…

Ảnh: Đ.T
Vấn đề đất đai luôn là đề tài nhạy cảm, đặc biệt là đối với các dự án trồng cao su-cây trồng mang lại giá trị lợi nhuận cao hiện nay. Nhiều sự việc đã tồn tại khá lâu nhưng vẫn chưa thể giải quyết một cách ổn thỏa. Tại Hội nghị, ông Thái Hồng Nhân- Giám đốc Công ty Kinh doanh Hàng xuất khẩu Quang Đức kiến nghị: Từ năm 2007, Công ty luôn gặp nhiều vướng mắc về đất đai ở khu vực xã Ia Vê (huyện Chư Prông). Công ty đã tổ chức đền bù 1,4 tỷ đồng cho 34 hộ để giải phóng mặt bằng (mặc dù những hộ này chiếm dụng, khai phá đất lâm nghiệp trái phép khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép và có cá nhân đã bị xử lý hình sự). Tuy nhiên, sau khi nhận tiền hỗ trợ và tiền đền bù hoa màu trên đất, nhiều hộ lại không thực hiện cam kết giao đất (trên 112 ha) cho Công ty. Thậm chí, một số cá nhân còn xúi giục người dân tại địa bàn vào cản trở, nhổ phá hoặc đốt vườn cây mà Công ty đã và đang trồng trên những diện tích lân cận, gây thiệt hại cho đơn vị trong quá trình triển khai dự án, đồng thời làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý những công nhân đang công tác tại đây… Công ty cũng đã gửi nhiều văn bản đến các ban ngành, cơ quan chức năng nhờ can thiệp nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Cũng liên quan đến vấn đề giao đất trồng cao su, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê đề nghị: Tỉnh cấp bổ sung thêm đất để trồng cao su. Theo lãnh đạo Công ty, khi triển khai dự án trồng cao su ở khu vực xã Ia Lâu, Ia Mơr (huyện Chư Prông), tỉnh đã cấp 3.630 ha. Tuy nhiên trong thực tế, diện tích này bị thu hẹp do phải bố trí đất cho khu tái định cư của công trình thủy lợi Ia Mơr.

Theo ông Phùng Ngọc Mỹ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Tỉnh đã có quy định rất rõ ràng về vấn đề lập dự án và thực hiện các quy trình theo pháp luật. Vướng mắc này là do người dân xâm canh lấn chiếm. Tỉnh đã giao cho doanh nghiệp phối hợp cùng các địa phương họp dân để có sự đồng thuận giữa người dân, chính quyền địa phương trước khi triển khai dự án… Tuy nhiên, một số doanh nghiệp làm chưa triệt để nên để xảy ra tình trạng dân xâm canh, chiếm đất của doanh nghiệp. Tỉnh cũng yêu cầu doanh nghiệp trong thời gian tới làm tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân hiểu biết và thực hiện về chủ trương của Chính phủ cũng như của tỉnh về việc chuyển rừng nghèo sang trồng cao su.

Một số doanh nghiệp đề nghị tỉnh cho thuê đất để phát triển vùng nguyên liệu, như Công ty cổ phần Nhiệt điện-Mía đường Ayun Pa, Công ty cổ phần Việt Á… Hiện nhà máy mía đường Ayun Pa có công suất trên 2.500 tấn/ngày, trong tương lai để phát triển bền vững, tạo thế cạnh tranh trên thị trường, nhà máy phải nâng công suất lên 6.000 tấn/ngày, trong khi vùng nguyên liệu hiện tại chỉ khoảng 7.000 ha. Để đảm bảo ổn định sản xuất, chủ động vùng nguyên liệu mía, Công ty đề nghị tỉnh bố trí cho thuê từ 1.000 ha đến 2.000 ha để trồng mía. Tại Hội nghị, ông Phạm Thế Dũng- Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Công ty nên làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, nghiên cứu phương án phát triển vùng nguyên liệu sang các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa để có cơ sở thực hiện.

Ngoài ra, một số kiến nghị của các doanh nghiệp đã được các sở ngành giải đáp, cam kết thực hiện như: Cấm xe có tải trọng lớn lưu thông trên quốc lộ 19, đoạn đường Lê Duẩn, phường Thắng Lợi (TP. Pleiku); vấn đề miễn giảm 30% thuế GTGT trong năm 2005, 2006; vấn đề khó khăn trong tuyển dụng lao động người dân tộc địa phương do không có chứng minh thư, không có giấy khai sinh, không hộ khẩu hay việc giao chỉ tiêu kế hoạch khai thác rừng tự nhiên hàng năm ổn định, theo phương án đã được phê duyệt.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm