Kinh tế

Gia Lai: Nhiều mặt hàng “tát nước theo mưa”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo lệ, sau Tết Nguyên đán khoảng vài tuần, giá cả thị trường sẽ dần ổn định. Song năm nay, nhìn chung các mặt hàng thiết yếu vẫn ở mức giá tăng cũ, thậm chí rau củ quả, gạo, thịt, cá… còn rục rịch tăng thêm. Các loại hình dịch vụ liên quan cũng bắt đầu có sự điều chỉnh về giá. Lý do được đưa ra là do Nhà nước điều chỉnh tỷ giá và tăng giá xăng dầu. Mặc dù đã tiên liệu trước sẽ có một cơn “bão giá” mới nhưng đời sống cũng như tâm lý người dân không khỏi lo lắng.
Nếu tại các hệ thống Siêu thị Co.op Mart, Vinatex (TP. Pleiku, Gia Lai), giá thịt, cá, các loại rau củ… vẫn ở mức cũ thì ngoài thị trường lại quá… nhạy cảm. Hầu hết các mặt hàng đã bắt đầu tăng giá.
Các loại rau như cải, bồ ngót, rau muống… từ Tết có giá khoảng 4.000 đồng/bó nay đã tăng thêm 500 đồng-1.000 đồng/bó; xà lách từ 8.000 đồng/kg hiện có giá khoảng 10.000 đồng/kg; giá cá thu hiện 130.000 đồng/kg (tuy không bằng giá thời điểm “đỉnh” trong dịp Tết Nguyên đán là 300.000 đồng/kg nhưng so với ngày thường cũng đã tăng đáng kể); mực ống hiện là 130.000 đồng/kg; cá ngừ 50.000 đồng/kg…
Rau, củ quả… là mặt hàng “mạnh dạn” tăng giá nhất. Ảnh: Hà Duy
Khi khách hàng thắc mắc, chị Liên- một tiểu thương ở Trung tâm Thương mại (TP. Pleiku) phân trần: “Xăng tăng giá rồi mà em. Tụi chị nhập hàng giá cũng đã cao hơn rồi. Nếu giữ nguyên giá cũ thì sao sống được?!”. Ngay cả các dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố, giá cả cũng được đẩy lên từ 10% đến 25% so với bình thường….
So với các mặt hàng khác thì sữa là sản phẩm được ghi nhận là có sự tăng giá rõ rệt và… “khủng” nhất. Khảo sát riêng của chúng tôi tại các tiệm chuyên cung cấp các loại sữa bột cho trẻ em thì các sản phẩm này đã bắt đầu tăng giá với nhiều mức khác nhau, thậm chí có loại tăng tới gần 100.000 đồng/hộp dù rằng tới ngày 1-3, giá sữa mới chính thức tăng.
Theo đó, sữa Ensure Gold tăng 87.000 đồng so với giá cũ với gần 560.000 đồng/hộp; Pedia Sure loại 900g tăng hơn 60.000 đồng/hộp, hiện có giá 482.000 đồng/hộp; sữa Friso 1 của Dutch Lady hiện được bán với giá 395.000 đồng/hộp, trong khi giá trước khi được phép tăng là 261.000 đồng/hộp, Friso 2 loại 900g 390.000 đồng/hộp, tăng tới… 132.000 đồng/hộp… Nhìn chung, các hãng sữa đã điều chỉnh tăng giá từ 5% đến 15%, có loại tăng tới 25%.
“Tôi khá bất ngờ khi đi mua sữa, bởi mới hồi đầu năm, hộp Ensure giá mới gần 500.000 đồng/hộp, giờ đi mua lại đã cao hơn tới… 70.000 đồng/hộp. Khủng khiếp!”- chị Liên (phường Diên Hồng)- một khách hàng ta thán. Tất nhiên, sự điều chỉnh tỷ giá của ngân hàng cộng với việc xăng dầu tăng giá khiến các mặt hàng nhập khẩu, trong đó có sữa tăng giá theo là điều khó tránh khỏi. Song nhiều ý kiến cho rằng, ngoài các lý do trên, không  loại trừ có cả việc “tát nước theo mưa” từ các nhà sản xuất đến cung ứng phân phối.
Một trong những mặt hàng đang “bốc hỏa” với giá cả là vật liệu xây dựng khi mùa xây dựng đang bắt đầu. Theo đó, giá thép đã tăng từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/tấn (các loại thép từ phi 10 đến phi 20 có giá dao động từ 130.000 đồng đến 515.000 đồng/cây); xi măng tăng 5-6% (như xi măng Nghi Sơn hiện có giá 1.360.000 đồng/tấn). Điều này làm các nhà thầu các công trình lớn, các công trình sử dụng các nguồn vốn khác nhau, công trình hợp đồng trọn gói phải đau đầu.
Ngành dịch vụ vận tải, đơn vị chịu sự chi phối của xăng dầu cũng đã có những điều chỉnh về giá cước. Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp vận tải, với giá xăng dầu hiện nay, phải tăng ít nhất 16%-20% giá cước mới có thể bù được tiền xăng phụ trội.
Ông Phạm Văn Quý- Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch và Thương mại Quý cho biết: “Giá xăng dầu tăng, tất nhiên Công ty cũng phải điều chỉnh giá sao cho hợp lý. Ví dụ với dịch vụ taxi, 0,7 km đầu chúng tôi tính 10.000 đồng thì nay tăng lên 12.000 đồng, tức tăng khoảng 20% nhưng nhìn mặt bằng chung thì giá vẫn rẻ hơn so với một số hãng khác”.
Các hãng Taxi như Mai Linh, Hùng Nhân… cũng đã có những điều chỉnh riêng. 20% là mức giá tăng thêm mà các doanh nghiệp vận tải đường dài thống nhất. Theo đó, giá vé xe Thuận Hưng tuyến Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh hiện là 240.000 đồng/người/giường nằm và 180.000 đồng/người/ghế ngồi; tuyến Gia Lai- Hà Nội là 530.000 đồng/người/giường nằm. Hoàn Cầu có giá vé tuyến Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh là 200.000 đồng/người/ghế ngồi…
Theo quy định, các doanh nghiệp vận tải được quyền tự quyết định giá cước cho đơn vị mình. Song các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ việc tăng giá của các doanh nghiệp dịch vụ vận tải nhằm tránh tình trạng “thừa nước đục thả câu”, “tát nước theo mưa” khi giá xăng dầu tăng lên theo điều chỉnh của Chính phủ.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm