Gia Lai: Nhiều người dân được giải cứu do bị lũ cô lập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Như Báo Gia Lai đã thông tin, ngày 7-11 Thủy điện An Khê-Ka Nak bất ngờ thông báo xả lũ làm nhiều nơi tại khu vực thị xã Ayun Pa ngập chìm trong nước. Đến sáng 8-11, nước lũ đã rút sâu so với thời điểm đạt đỉnh vào 22 giờ, ngày 7-11 khi nước dâng cao, dòng chảy mạnh làm ngập các vùng thấp thuộc địa bàn huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa.

Mực nước lũ lúc 10 giờ ngày 7-11 đang dâng cao ở mức báo động 3. Ảnh: Nguyễn Giác

Thiệt hại hoa màu sau lũ đang được thống kê. Riêng trong dòng nước lũ vào tối qua, nhiều người dân được lực lượng tìm cách giải cứu khỏi vùng bị nước lũ cô lập và có nguy cơ bị nước cuốn trôi.

Dù nhận được thông tin thủy điện An Khê-Ka Nak khá muộn, tuy nhiên các ban phòng-chống lụt bão tại các địa phương nơi dòng sông Ba đi qua đều đã chủ động nhanh chóng thông báo đến từng xã, khu dân cư kể cả huy động người thân tìm cách liên lạc với người thân đang canh tác ở xa để có được phương án ứng phó khi lũ bắt đầu tràn về. Chính vì lượng mưa nhỏ cùng với đó mực nước ở sông Ba vẫn chưa thấy dâng lên do vậy, sau khi nhận được thông báo vào trưa 7-11, nhưng hàng chục hộ dân bỏ qua lời cảnh báo kêu gọi chủ động di dời tài sản đồng thời ra khỏi khu vực có nguy cơ ngập.

 

Nước lũ đo được tại chân cầu Bến Mộng. Ảnh: Nguyễn Giác

Đến 17 giờ, ngày 7-11, nước bắt đầu cuồn cuộn đổ về sông Ba đoạn qua thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa, người dân vẫn cứ chậm rãi, khi thấy nước dâng cao ngập đến chân thì 30 người dân từ tỉnh Bình Định lên trồng dưa hấu tại khu vực bãi bồi nằm cạnh sông Ba, thuộc địa phận xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa mới cuốn lên, tìm cách gọi điện về người thân ở bờ sông cầu cứu. Nhận được tin, tức thời, Ban Chỉ huy phòng-chống lụt bão thị xã Ayun Pa đang túc trực tại các khu vực nhanh chóng xác minh đồng thời phối hợp cùng lực lượng tìm kiếm cứu nạn trực thuộc Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Ayun Pa chỉ huy lực lượng có kinh nghiệm và vận chuyển xuồng máy đến khu vực sông Ba để cứu dân.

Ông Mai Thế Phụng- Trưởng phòng Kinh tế, Phó can Chỉ huy phòng-chống lụt bão thị xã Ayun Pa trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ người dân bị mắc kẹt trên bãi bồi giữa sông Ba nhớ lại: Khi mọi người trong Ban đang thị sát khu vực dân cư dọc sông Ba để nắm tình hình thì bất ngờ lãnh đạo huyện nhận được thông tin có nhiều người dân tại xã Ia Rtô đang mắc kẹt giữa sông không thể thoát được nước lũ, lúc này mọi người nhanh chóng chỉ đạo và tìm cách tiếp cận hiện trường để có phương án giải cứu dân khỏi vùng nước lũ.

 

Nước lũ vẫn đang ở mức cao vào sáng ngày 8-11. Ảnh: Nguyễn Giác

Sau khi triển khai lực lượng, bàn phương án cứu dân như mặc áo phao, mang dây thừng bơi đến bãi bồi, nhưng phương án này đều không khả thi bởi dòng nước chảy xiết, các vật cản là cành củi, cây mục không rõ ở đâu trôi trên sông rất nhiều, vị trí người dân mắc kẹt cách khá xa và không thuận lợi nên đưa xuồng máy cũng không được. Đến 21 giờ, lúc này nước sông Ba dâng lên báo động 3, khu vực tại chân cầu Bến Mộng nhiều nơi bị ngập, đường đi quanh bờ đập ngập cao gần cả mét, riêng bãi bồi nơi người dân đứng đã ngập gần nửa mét thuận lợi cho xuồng di chuyển, được người dân chỉ đường lực lượng cứu hộ từ từ đo đường trong đêm tối để tiếp cận. Sau 4 lượt, lực lượng cứu hộ đã đưa được tổng cộng 27 người vào bờ an toàn, toàn bộ hoa màu bị ngập chìm trong nước. Trong chuyến xuồng máy cập bờ đầu tiên, người dân ai ai cũng vui mừng, có chị rơi nước mắt vì không biết mình có chuyện gì nếu không được các anh bộ đội đến cứu đưa khỏi vùng nước lũ kịp thời.

Đây là bài học cho những người dân địa phương, vì những người bị mắc kẹt trên sông đã bỏ qua lời cảnh báo của chính quyền và ngành chức năng khi đã ra thông báo nhiều lần nhưng họ vẫn không quan tâm- ông Phụng nói.

 

Rác và củi ứ đọng tại khu vực Nhà máy nước thị xã Ayun Pa. Ảnh: Nguyễn Giác

Cùng trên địa bàn thị xã Ayun Pa, tại khu vực phường Đoàn Kết có 9 người dân đi rẫy bị mắt kẹt trong đêm và được lực lượng dân quân tại địa phương đưa xuồng di chuyển vào bờ an toàn.

Về phía khu vực huyện Ia Pa, nơi có các xã Ia Trôk và Ia Broăi là các nơi bị ảnh hưởng nặng sau khi lũ rút. Ông Lữ Phúc Phong-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT của huyện cho biết: Đến sáng 8-11, một số vùng trên địa bàn huyện vẫn đang bị ngập nước, thiệt hại về hoa màu tài sản của dân trong vùng ngập đang được thống kê, tuy nhiên mức thiệt hại là không lớn bởi nước lũ về đợt này không bằng tháng trước, mặt khác hoa màu của người dân phần lớn đã thu hoạch xong. Trên địa bàn vào tối 7-11 có một số hộ dân tại buôn Jư Ma Huốc và Jư Ma Hoét bị cô lập không đi lại được, tuy nhiên người dân đã có sự chủ động sau khi nhận được thông báo nên tìm cho mình nơi trú lũ hợp lý, đến sáng 8-11, người dân tại khu vực này đã đi lại bình thường.

Các bộ phận thường trực của Ban phòng-chống lụt bão tại các địa phương vẫn đang tích cực nắm bắt thông tin để có biện pháp hỗ trợ người dân thiệt hại sau lũ. Đồng thời, các đơn vị tiếp tục cập nhật để có được thông tin chính xác từ cơn siêu bão đang hoành hành ở biển Đông để có biện pháp phòng-chống chủ động khi cơn bão này đổ vào Việt Nam.

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm