Thung lũng Ayun Pa- vùng mía màu mỡ nhất Tây Nguyên cứ sau Tết là diễn ra cảnh các nhà máy đường trong khu vực nhảy vào xâu xé giành giật vùng nguyên liệu của Nhà máy Đường Ayun Pa.
Các nhà máy đường “đánh chiếm” nhau
Trên địa bàn các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên hiện có 7 nhà máy đường: Quảng Ngãi, Bình Định, An Khê, Kon Tum, Phú Yên, Cam Ranh và Nhà máy Đường Ayun Pa. Việc phân chia ranh giới khu vực vùng nguyên liệu đã được các bên “hội đàm” với nhau từ đầu vụ để các nhà máy đầu tư cho nông dân và bao tiêu sản phẩm. Nhưng không ít nhà máy đang thực hiện phương châm “sân nhà” ép giá để phá giá “sân khách”- nhằm tranh mua, xâu xé vùng nguyên liệu của nhau. Và để thực hiện được việc đó họ thông qua đội ngũ “cò” mía và có chế độ thưởng cho các cò khi “đánh chiếm” được nhiều xe mía về cho mình.
Thu hoạch mía. Ảnh: Đức Phương |
Để tranh mua mía, các nhà máy kia sẵn sàng mua mía tại ruộng giá cao hơn của Nhà máy Đường Ayun Pa khoảng vài giá (tức vài chục ngàn đồng/tấn) và khi cân mía nhập họ tính thêm cho 300.000 đồng/tấn tiền chi phí vận chuyển. “Cánh buôn chúng tôi lời là nhờ vào tiền vận chuyển này. Chỉ cần ngã giá xong, là chủ mía nhận ngay một cục “tiền tươi thóc thật”; phần còn lại chúng tôi lo hết”.
Từ đây hình dung ra cứ mỗi xe mía trung bình chở 30 tấn vượt 150 cây số từ Ayun Pa lên Nhà máy Đường Kon Tum, “cò” mía thu về 9 triệu đồng tiền vận chuyển, trừ chi phí xăng dầu, “lộ phí” đường sá khoảng 3 triệu đồng, thì còn lãi đến 6 triệu đồng/xe- quả là một khoản lời béo bở!.
Cũng vì thế mà đội ngũ “cò” mía ngày càng đông. Có đợt lên tới gần chục “lái mía” hầu hết họ đều trú ở thị xã Ayun Pa, có tiền, có xe tải lớn và có luôn cả kinh nghiệm giành giật mía với Nhà máy Đường Ayun Pa để kiếm lời. Trong tay họ luôn có một đội “phu chặt mía” chiêu mộ từ vùng Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) và Tây Sơn (tỉnh Bình Định) nuôi ăn, nằm chờ chặt mía khi có lệnh.
Những năm qua, giữa Nhà máy Đường Ayun Pa và chủ mía đều ký kết hợp đồng đầu tư và bán mía từ đầu vụ. Ông Đào Chí Hiếu-Trưởng phòng Nguyên liệu Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai cho biết: “Hơn 3.000 hộ trồng mía trong vùng nguyên liệu của nhà máy đã ký kết hợp đồng bán mía từ đầu vụ với diện tích hơn 5.200 ha”.
Để thu mua, nhà máy phải lên lịch chặt mía tuần tự cho nông dân dựa vào năng lực ép của nhà máy, vụ này công suất 2.500 tấn mía cây/ngày; tương ứng với hơn 35 ha mía/ngày được tiêu thụ. Như vậy, chủ mía vẫn phải đợi nhà máy “ém hàng” để duy trì sản xuất trong suốt vụ ép kéo dài gần 5 tháng. Song trước sự thúc bách của cơn lốc mía cháy liên tiếp đe dọa và lợi nhuận mà các “cò” mía câu kéo khiến không ít chủ mía âm thầm phá bỏ hợp đồng để bán mía cho thương lái chở ra ngoài tỉnh.
Ông Cáp Thành Dũng- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai đưa ra bằng chứng: Trong 2 tháng đầu vụ ép năm nay đã có chừng 300 xe mía chở bán ra ngoài vùng nguyên liệu với khoảng 10.000 tấn mía, chủ yếu là chở đi Kon Tum và Bình Định. Đáng chú ý, qua kiểm soát chúng tôi phát hiện Nhà máy Đường Cam Ranh (Khánh Hòa) các năm trước không tham gia thì năm nay cũng đã giành mua của chúng tôi 50 xe mía, khoảng 150 tấn… Còn năm ngoái, riêng Công ty cổ phần Đường Bình Định đã tranh mua của Ayun Pa 200 xe mía (6.000 tấn) và Công ty cổ phần Đường Kon Tum đã tranh mua đến 900 xe (27.000 tấn).
Việc vận chuyển phải thực hiện vào lúc chập tối hoặc nửa đêm để khỏi bị Công an và chính quyền địa phương cũng như phía Nhà máy Đường ngăn cản.
Nhà máy thiếu nguyên liệu
Gần đây, một loạt nhà máy đường ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên ồ ạt đua nhau nâng công suất, nhưng không đi đôi với phát triển vùng nguyên liệu nên thiếu hụt nguyên liệu về cuối vụ. Để duy trì sản xuất, buộc phải dẫn đến “cuộc chiến” giành nguyên liệu.
Dây chuyền sản xuất của Nhà máy Đường Ayun Pa. Ảnh: Đức Phương |
Thiếu hụt mía trầm trọng cho vụ ép dự kiến kéo dài 4 tháng đã khiến các nhà máy đường trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên thường cho người, xe lấn sang các vùng nguyên liệu lân cận. Đáng nói hơn là Nhà máy Đường Ayun Pa dù đã chủ động được vùng nguyên liệu 5.200 ha (năng suất 60 tấn/ha) chạy đủ trong vòng 120 ngày (4 tháng); nhưng trên thực tế luôn bị các nhà máy khác trong khu vực tranh mua mía khiến cuối vụ lâm vào cảnh thiếu hụt nguyên liệu.
Còn Nhà máy Đường An Khê dù nằm giữa vùng nguyên liệu mía rộng đến 19.000 ha, nhưng phải chịu cảnh chia năm xẻ bảy vùng nguyên liệu với các nhà máy đường đến từ các tỉnh lân cận nên vẫn thường xuyên thiếu mía.
Ở một khía cạnh khác, do giá đường trên thị trường vài năm nay về cuối vụ ép thường tăng cao nên nhà máy nào duy trì được sản xuất kéo dài sẽ thu lợi lớn. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến các nhà máy đường “ghim hàng” lên lịch thu mua nguyên liệu trong vùng cầm chừng để duy trì hoạt động và tranh mua nguyên liệu của nhau nhằm “triệt hạ” đối phương để cuối vụ thu lợi lớn.
Cách làm ăn chụp giật, thiếu bền vững này đã khiến cho vùng nguyên liệu màu mỡ của Gia Lai năm nào cũng diễn ra tình trạng tranh mua-tranh bán, đốt mía, tạo tâm lý hoang mang, xáo trộn, làm mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Đức Phương