Kinh tế

Gia Lai: Nông dân lao đao với giá mì giống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với đặc tính dễ trồng, vốn đầu tư ít, phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số, cây mì đã trở thành một loại cây hàng hóa không thể thiếu trong mỗi vụ sản xuất.
Khi cây mì lên ngôi
Vụ mì 2009-2010 được xem là thắng lợi lớn nhất từ trước đến nay đối với người nông dân trong tỉnh. Mặc dù mưa lũ làm phần lớn diện tích mì bị ngập úng và hư hại, nhưng giá mì vẫn được các nhà máy chế biến thu mua ở mức cao: Mì tươi 1.500 đồng/kg, mì khô trên 3.000 đồng/kg (tăng gấp 3 lần so với những vụ trước). Nhờ vậy, cây mì đã mang lại nguồn thu đáng kể cho người nông dân.
Chuẩn bị hom giống. Ảnh: Nguyễn Diệp
Nối tiếp thành công này, vụ mùa 2010, các địa phương sẽ xuống giống 35.400 ha mì. Cho đến thời điểm này, tận dụng những cơn mưa đầu mùa, nông dân nhiều huyện đã xuống giống được trên 23.046 ha mì sớm hơn dự định. Vì theo kinh nghiệm, cây mì trồng sớm thường cho năng suất và sản lượng cao hơn so với những đợt trồng sau. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài cùng với lượng mưa ít ỏi trong thời gian qua đã làm gần 2.000 ha mì tại các huyện Đak Đoa (1.333 ha), Mang Yang (400 ha)... không thể mọc nổi, bị mối ăn từ dưới lòng đất… khiến nhiều nông dân khốn đốn khi tìm mua mì giống để trồng lại.
Sốt giá mì giống
Từ chỗ chỉ có 500-700 đồng/cây, nay mì giống đã tăng vọt lên 1.200 đồng đến 1.500 đồng/cây, nhưng vẫn không có giống mì để bán, một số thương lái mua giống mì từ các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh về phân phối thành bó… (một bó khoảng 20 cây), rồi đem bán với giá 22.000 đồng đến 25.000 đồng/bó.
Đang chặt những hom mì giống vừa mua được để chuẩn bị trồng lại đợt 2, chị Lê Thị Hạnh- thôn 2 xã Ayun (huyện Mang Yang) cho hay: Cũng như mọi năm, nông dân thường tận dụng những cơn mưa đầu mùa để trồng mì. Năm nay thì  mọi thứ đã thay đổi không thể lường trước được, mưa ít và nắng nóng khiến hàng trăm ha mì của người dân không thể ngoi lên mặt đất. Trong đợt xuống giống vừa qua, gia đình tôi mất trắng 2 ha. Tổng hai đợt mua giống cây mất đứt gần 10 triệu đồng. Không biết sau này có thu lại được hay không. 
Nguyên nhân của tình trạng giống mì khan hiếm với mức giá cao như hiện nay là do nắng nóng kéo dài như đã nói ở trên. Bên cạnh đó, từ những đợt bão lũ năm 2009. Hàng ngàn ha mì bị ngập úng, thối… buộc nông dân phải nhổ sớm nên công tác bảo quản cây giống ít nhiều bị ảnh hưởng.
Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm