Gia Lai: Phẫu thuật mắt mang lại ánh sáng cho người mù nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đúng như lịch trình đã chuẩn bị từ trước, sáng 13-11, hàng trăm người bệnh bị mù do đục thủy tinh thể và thân nhân từ các địa phương trong, ngoài tỉnh đã đón những chuyến xe sớm nhất đến Trung tâm Y tế TP. Pleiku để được các bác sĩ tình nguyện tỉnh Kiên Giang và TP. Hồ Chí Minh khám, phẫu thuật mang lại ánh sáng.

7 giờ là thời điểm đón tiếp bệnh nhân đến phẫu thuật, nhưng từ rất sớm các gia đình có người thân bị mù do đục thủy tinh thể ở các địa phương trong tỉnh đã đến, xếp chật kín các lối đi từ nơi đón tiếp đến phòng đợi trước khi được phẫu thuật.

Từ sớm bệnh nhân ở các nơi đã có mặt tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku. Ảnh: Nguyễn Giác
Đến từ rất sớm và cũng là bệnh nhân được các bác sĩ phẫu thuật đầu tiên, không một chút mệt mỏi sau ca mổ, ông Phan Thương- 79 tuổi, tổ 3 xã Ia Nhin (Chư Pah) cảm động nói: Chờ đợi khá lâu nhưng thời gian mổ chưa đến 15 phút, trong lúc mổ các bác sĩ rất tận tình, vui vẻ, khi về còn cho thuốc và dặn dò rất chu đáo. Mắt sẽ sáng lại, chúng tôi cảm ơn các bác sĩ nhiều lắm!.

Đùm túm giỏ xách, bên cạnh là người mẹ mù, chị Thách- Làng Ngol, xã Hneng (huyện Đak Đoa) nói trong vui mừng: Từ sớm tôi đã có ở bệnh viện để chờ mổ mắt cho mẹ. Được các bác sĩ nhận hồ sơ, hướng dẫn đưa mẹ vào phòng để mổ cho mắt sáng lại, mẹ và tôi mừng lắm...

Đặc biệt, trong gần 200 hồ sơ được chỉ định mổ đợt này thì có khoảng 20 trường hợp là bệnh nhân đến từ các xã vùng sâu của tỉnh Kon Tum. Bà Nguyễn Thị Hơn- sinh hoạt tại nhà thờ Kon Hring (Kon Tum) người đứng ra tổ chức cho những bệnh nhân bị mù đến khám, phẫu thuật cho biết: Biết ở Gia Lai có bác sĩ giỏi về phẫu thuật mắt cho người mù nghèo, chúng tôi vội liên lạc thì được các bác sĩ ở đây đồng ý. Do thời gian quá gấp nên tôi chỉ đưa được 15 người bị mù là gia đình khó khăn tại các huyện, trong đó có 5 người ở tận xã Đak Pờ Si, huyện Đak Hà cách TP. Kon Tum 50 cây số. Mong tỉnh Gia Lai, thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều đợt khám, chữa bệnh hơn nữa cho người dân nghèo ở các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Kiểm tra, lập hồ sơ bệnh án chuẩn bị cho ca mổ. Ảnh: Nguyễn Giác
Để kịp mổ cho những bệnh nhân chờ đợi từ sáng sớm, cả giờ ăn trưa các bác sĩ trong nhóm tình nguyện cũng thay phiên nhau ăn, không để bàn mổ trống khi người bệnh đang chờ.

Bác sĩ Trần Hoa Sen- Chủ nhiệm chương trình Mang lại ánh sáng cho bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang và cũng là người trực tiếp thực hiện các ca phẫu thuật bằng phương pháp Phaco cho biết: Tiếp với đợt phẫu thuật trước cũng tại Gia Lai, đợt này đoàn chúng tôi đi gần 30 người trong đó có 6 bác sĩ giỏi về chuyên khoa mắt. Dù khá mệt nhưng ai cũng quen vì chúng tôi thường xuyên di chuyển đến các địa phương trong và ngoài nước như: Lào, Campuchia để mang lại niềm vui cho bà con, những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.

Sau 12 tiếng làm việc tích cực của nhóm bác sĩ, bệnh nhân thứ 180 rời khỏi phòng mổ với sự vui mừng của gia đình và người thân.

Trước đó, đoàn các bác sĩ tình nguyện đã phối hợp Trung tâm y tế huyện Đức Cơ để mổ và mang lại ánh sáng cho 50 bệnh nhân tại đây. Đồng thời cùng với đơn vị Báo Sài Gòn Giải Phóng trao tặng 25 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo và 50 xuất quà cho người nghèo tại huyện biên giới của tỉnh. 

Sau 2 ngày làm việc, đoàn các bác sĩ tình nguyện đã phẫu thuật cho 230 người bị mù do đục thủy tinh thể, ít hơn số bệnh nhân dự kiến ban đầu là 300 người bởi không còn bệnh nhân. Toàn bộ kinh phí phẫu thuật (1,5 triệu đồng/bệnh nhân) được Hội bảo trợ người nghèo của tỉnh Kiên Giang tài trợ.

Đây là hoạt động mang đậm tính nhân văn được triển khai tại tỉnh Gia Lai từ nhiều năm qua và tiếp tục trong thời gian đến nhằm mang lại sức khỏe cho bà con vùng sâu còn nhiều khó khăn của tỉnh.

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm