Kinh tế

Gia Lai: “Sốt” giá hồ tiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
So với đầu vụ thu hoạch, giá hồ tiêu hiện nay đã tăng lên 20.000 đồng/kg. Hiện tại, giá hồ tiêu các thương lái mua tại vùng chuyên canh hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) có nơi lên đến 60.000 đồng/kg và vẫn đang có chiều hướng tiếp tục tăng.
Gia Lai hiện có khoảng hơn 5.000 ha hồ tiêu đã cho thu hoạch. Vụ tiêu năm nay giá cả tăng cao, nhất là hơn 1 tháng qua, giá hồ tiêu trên địa bàn liên tục “sốt”. Điều này đã làm cho nhiều nông dân trồng hồ tiêu Gia Lai “trúng lớn”.
Tại Chư Sê, năng suất bình quân đạt 6-7 tấn/ha. Với giá tiêu 60 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí, nông dân lãi hơn một nửa. Ông Huỳnh Thẩm, ở thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh cho biết: “Năm nay, gia đình tôi thu hoạch được 8 tấn hồ tiêu. Vì chưa cần tiền nên tôi không bán với giá thấp như đầu vụ thu hoạch. Khi giá lên 60.000 đồng/kg, tôi mới bán. Năm nay, tiêu mất mùa và bị thiệt hại nặng do cơn bão số 9. Nhưng nếu trừ chi phí, tôi vẫn còn lãi khoảng 300 triệu đồng”.
Thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Đức Thụy
Đối với nhiều hộ dân trồng hồ tiêu, nhờ khâu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên năng suất có thể đạt đến 10 tấn/ha. Nhiều hộ dân ở các huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đak Đoa có thể thu được 1-2 tỷ đồng trong vụ tiêu năm nay.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Phước Bính- Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê thì: “Năm nay, do sâu bệnh, nhất là bị ảnh hưởng của bão số 9 nên vùng chuyên canh hồ tiêu Chư Sê và các huyện giảm sản lượng khoảng 30%. Riêng vùng tiêu Chư Sê, sản lượng ước đạt khoảng 11.000-12.000 tấn. Sản lượng tiêu của cả nước ước đạt khoảng 90.000 tấn trong khi nhu cầu tiêu thụ tiêu của thế giới vào khoảng 300.000 tấn. Đó là một trong những nguyên nhân khiến giá hồ tiêu trong nước tăng cao”.
Đối với một số hộ gia đình có điều kiện về kinh tế, việc giá hồ tiêu diễn biến như hiện nay là niềm vui rất lớn. Vì trong kho vẫn còn nguyên số hồ tiêu vừa thu hoạch và đang đợi giá lên để bán. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có hàng ngàn hộ gia đình nông dân vẫn không thể nở nụ cười khi giá tiêu tăng cao. Anh Lê Văn Dũng- nông dân trồng tiêu xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh) tiếc nuối: “Gia đình tôi trồng được 1,5 ha hồ tiêu. Vụ mùa năm nay, do ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết nên tiêu mất mùa, chỉ thu được khoảng hơn 6 tấn. Cơn bão số 9 năm ngoái đã làm cho vườn tiêu bị gãy đổ khá nhiều nên  tất cả vốn liếng, thậm chí phải đi vay mượn để đầu tư vào vườn tiêu. Sau khi thu hoạch xong, vì nợ nần đến hạn phải trả và cần tiền để cho 5 đứa con ăn học, gia đình phải bán với giá chỉ 40.000 đồng/kg”.
Cũng như gia đình anh Dũng, gia đình chị Lê Thị Thu Sương, xã Ia Hrú (huyện Chư Pưh) trồng được 1.500 trụ tiêu. Cơn bão số 9 đã làm cho vườn tiêu của chị bị ngã hết 200 trụ. Để phục hồi lại những trụ tiêu bị ngã, chị phải đi vay mượn 20 triệu đồng. Vụ tiêu năm nay do mất mùa, chị thu hoạch được khoảng 4 tấn. Nhưng vì cần tiền để chi trả nợ nần và chi phí đầu tư cho vụ sau cũng như phải nuôi 6 con đang ăn học nên chị đã bán ngay sau khi thu hoạch với giá rất thấp.
Cũng theo ông Hoàng Phước Bính, hiện nay, giá hồ tiêu đang ở mức cao và có khả năng còn cao hơn nữa. Tuy nhiên, tại vùng chuyên canh hồ tiêu Chư Sê, lượng hồ tiêu còn lại trong dân là không nhiều. Phần lớn nông dân ở đây canh tác cả hai loại cây trồng là cà phê và tiêu; vì cà phê mất mùa, giá cả lại thấp nên nông dân phải bán hồ tiêu để chi phí và tái đầu tư.
Vụ trước, thị trường hồ tiêu có nhiều biến động lớn, diễn biến phức tạp. Sau khi giá tăng cao ngất ngưởng trên 60 triệu đồng/tấn, tới đầu năm 2009 lại rớt giá xuống còn khoảng 30 triệu đồng/tấn khiến nhiều nông dân lao đao. Tuy nhiên, do thời tiết bất thường gây hại, sản lượng hồ tiêu sụt giảm khiến giá tiêu lại tăng lên gần gấp đôi như hiện nay. Giá hồ tiêu liên tục biến động đã làm cho nhiều nông dân đang còn thiếu vốn đầu tư chịu nhiều thiệt thòi. Họ phải bán tiêu với giá thấp do áp lực của nợ nần và cần chi phí để tái đầu tư.
Thu Nga

Có thể bạn quan tâm