(GLO)- Nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai, cướp đi sinh mạng của nhiều em nhỏ trong thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thiếu quan tâm, quản lý, giáo dục đúng mức của gia đình và xã hội đối với các em nhỏ về vấn đề này.
Chỉ trong chốc lát, quyền sống của các em bị tước đoạt, “người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh”, sự mất mát của các em cũng để lại nỗi đau vô bờ bến cho những người ở lại.
Những cái chết thương tâm
Đã hơn một tuần kể từ khi xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm làm 4 em học sinh lớp 7A- trường THCS Lê Lợi (xã Ia Dơk- Đức Cơ- Gia Lai) thiệt mạng nhưng dư luận dường như vẫn chưa nguôi ngoai, thôi bàn tán. Chỉ trong chốc lát, sinh mạng của 4 em học sinh đã thuộc về tay tử thần sau trò chơi tắm mát ngày hè.
Ảnh: Lê Hòa |
… Chiều 7-5, 14 em học sinh lớp 7A và 7B, trường THCS Lê Lợi rủ nhau tụ tập học nhóm để lo ôn luyện cho kỳ thi cuối năm. Trời nắng nóng, 8 em lớp 7A rủ nhau xuống hồ Dơk Lăh (xã Ia Dơk- huyện Đức Cơ) để tắm mát. Hồ nước sâu, xung quang lại vắng vẻ, các em rủ nhau bơi ra xa cách bờ tận 10m nên mới xảy ra vụ tai nạn thương tâm trên. May mắn trong nhóm có em Rơ Châm Keng bơi giỏi đã kịp đưa 3 bạn nam vào bờ, còn 4 bạn nữ đã mãi mãi ở lại dưới làn nước trong xanh nhưng quá nghiệt ngã ấy. Vậy là, thầy và trò lớp 7A- chỉ sau một buổi chiều đã mất đi 4 học trò, 4 người bạn bao ngày gắn bó.
Những cái tên Nguyễn Thị Phương, Lê Thị Thủy, Hoàng Thị Thanh, Đỗ Thị Phương sẽ không bao giờ còn được gọi tên để kiểm tra bài cũ, cũng sẽ chẳng còn tiếng cười đùa của các em với đám bạn vô tư nơi sân trường vốn đã quá đỗi thân thuộc bao ngày… Bạn bè của các em, chẳng bao lâu nữa sẽ là học sinh lớp 8, rồi lớp 9 nhưng các em thì mãi mãi là học sinh của lớp 7A ấy.
Trước đó không lâu, tại thôn Ia Mua (xã Bàu Cạn- huyện Chư Prông- Gia Lai) cũng xảy ra vụ đuối nước làm 2 em học sinh tiểu học thiệt mạng.
Trưa ngày 16-2, sau khi đi học về, 2 em Trần Đức Khánh và Nguyễn Văn Thiên (học sinh lớp 4D- trường Tiểu học Lê Hồng Phong, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) rủ nhau ra hồ Hoàng Ân (thôn Ia Mua- xã Bàu Cạn) chơi. Thấy thuyền đánh cá của người dân úp trên bờ, 2 em rủ nhau đẩy xuống nước và lên thuyền bơi ra hồ chơi. Chẳng may thuyền lật, 2 em lại không biết bơi nên cả 2 đã bị chết đuối. Đau lòng hơn, Khánh và Thiên đều là anh em họ của nhau.
Giữa tháng 7-2011, một vụ tai nạn đuối nước nghiêm trọng xảy ra tại địa bàn thôn Hiệp An- xã Cư An- huyện Đak Pơ cướp đi sinh mạng của 3 em nhỏ, gồm: Võ Hoàng Gia, Đỗ Trung Nam (học sinh trường Tiểu học Trần Quốc Toản) và em Huỳnh Tuấn Kiệt (học sinh trường Tiểu học Lê Quý Đôn). Trời nắng nóng, 3 em trên đến nhà một người bạn có ao rủ tắm cùng cho vui. Bạn chủ nhà không biết bơi nên chỉ ở trên bờ. Hồ nước sâu nên 3 em gặp nạn. Khi thấy xảy ra chuyện chẳng lành, người bạn này đã nhanh chân chạy đi gọi người lớn đến ứng cứu nhưng không kịp…
Trách nhiệm của cộng đồng
Nỗi đau đối với các em và gia đình, xã hội đã quá rõ. Có ai ngờ, cái ao nhà, hồ nước, dòng suối, con sông vốn hiền hòa và gắn bó với đời sống làm ăn, sinh hoạt ấy lại có ngày đem đến tai họa cho những đứa trẻ.
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, chỉ tính riêng trong năm 2011, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có 150 trường hợp bị tai nạn đuối nước, làm chết 2 người. Trong đó, độ tuổi gặp tai nạn nhiều nhất là từ 5-14 tuổi (94 trường hợp), tiếp đó là độ tuổi từ 15-19 tuổi với 46 trường hợp. Ngoài ra, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh cũng đã ghi nhận 39 trường hợp bị tai nạn đuối nước, bị chết 2 trường hợp. “Tuy vậy, đây chỉ là một con số rất đáng khiêm tốn so với thực tế. Chúng tôi chỉ cập nhật và thống kê số liệu trên cơ sở việc báo cáo của chính quyền địa phương nên chắc chắn sẽ thiếu sót rất nhiều”- Bà A Thị Hải Vân- Phó Khoa Vệ sinh, phụ trách mảng Vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp và phòng chống tai nạn thương tích- Trung tâm Y tết dự phòng tỉnh Gia Lai, thừa nhận.
Điều đáng nói, công tác tuyên truyền, giáo dục cho các em nhỏ về các vấn đề liên quan đến đuối nước hầu như đều chỉ trông chờ vào sự giáo dục phổ thông trong chương trình học của các trường, sự can thiệp của ngành chức năng chuyên môn địa phương gần như chưa có gì. “Đặc thù của địa phương có nhiều sông, suối, ao hồ, đây lại là những nơi rất vắng vẻ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa trong khi bơi lội là một thú vui trẻ con rất thích, có khi bị cha mẹ dặn dò, nghiêm cấm song nhiều em vẫn tụ tập rủ nhau trốn gia đình bơi lội nên rất dễ xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm.
Khi gặp nạn, các em do không biết cách cứu nhau nên nhiều khi em nọ lại kéo thêm em kia, thành thử hậu quả lại thêm nặng nề. Thực tế đã rõ là vậy, song các chương trình can thiệp nhằm giáo dục cho các em các kỹ năng, phòng chống tai nạn đuối nước lại chưa có gì”- Bà Hải Vân cho biết thêm.
“Chúng tôi nhiều lần tham gia hội thảo, tham quan học tập mô hình phòng chống tai nạn thương tích, trong đó có tai nạn đuối nước ở trẻ em của nhiều địa phương khác như Thừa Thiên Huế... Nhiều tỉnh, thành xây dựng những chương trình hành động, tuyên truyền rất thiết thực và sinh động qua những câu chuyện bằng hình ảnh và lời thoại nhằm cung cấp, chuyển tải những thông điệp phòng, chống tai nạn cho các em một cách ngắn gọn, dễ hiểu tại các buổi hoạt động ngoại khóa trong nhà trường. Trong khi ở mình lại chưa có gì, mặc dù cơ quan chuyên môn đã nhiều lần kiến nghị…”- Bà Hải Vân, giải bày.
Xét về góc độ gia đình, nơi gắn bó sát sao với các em nhất lại còn rất nhiều hạn chế trong việc dành sự quan tâm, giáo dục cho các em những kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước. Dù biết, bơi lội là “món khoái khẩu” của đa số các em nhỏ song để tránh nguy cơ xấu xảy ra với các con, nhiều gia đình chỉ dừng ở việc cấm đoán không cho con trẻ la cà, bơi lội gần sông suối.
Việc cấm đoán của gia đình nhiều khi không thể bảo đảm chắc chắn rằng các em nhỏ sẽ tuân thủ, chưa muốn nói càng cấm các em lại càng tò mò hơn. Có nơi chủ động tạo điều kiện cho con tập bơi thì bố mẹ lại chưa có điều kiện, kỹ năng cần thiết để hỗ trợ cho các em kiến thức cứu mình và cứu người khi gặp nạn… Những việc làm trên tuy cần nhưng rõ ràng là chưa thể đủ để có thể đảm bảo an toàn cho các em trước những nguy cơ đuối nước.
Thiết nghĩ, ngành chức năng địa phương cần sớm có sự quan tâm tới vấn đề phòng chống tai nạn đuối nước nói riêng, tai nạn thương tích nói chung đối với trẻ em, nhằm hạn chế tình trạng tai nạn đuối nước. Và hơn hết, sự quan tâm, nhắc nhở sâu sát của mỗi gia đình và cộng đồng đối với các em nhỏ, nhất là tại các vùng có nhiều ao hồ, sông suối là biện pháp gần nhất để bảo vệ các em khỏi những tai nạn thương tâm có thể xảy ra.
Lê Hòa