Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai: Tăng cường quản lý quy hoạch và sản xuất chanh dây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chanh dây được nhập nội và trồng ở Gia Lai từ năm 2012, là cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên ở nhiều địa phương trong tỉnh, sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ nông dân.
 

Tư vấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn. Ảnh: L.T
Tư vấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn. Ảnh: L.T

Tuy nhiên qua rà soát, diện tích chanh dây toàn tỉnh hiện có gần 3.000 ha, trong đó có gần 2.250 ha đã cho thu hoạch, lượng sản phẩm vượt khả năng thu mua của các doanh nghiệp, dẫn đến “khủng hoảng thừa”, rớt giá sâu và hiện chỉ còn khoảng 4.000 đến 5.000 đồng/kg...

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh có Công văn số 2828/UBND-NL yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân tập trung đầu tư thâm canh diện tích chanh dây hiện có nhằm nâng cao năng suất, đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm; không mở rộng diện tích và chạy theo phong trào để tránh rủi ro, gây thiệt hại về kinh tế. Đặc biệt, nghiêm cấm việc chặt phá cây trồng có giá trị kinh tế (cà phê, cao su, điều) chuyển sang trồng chanh dây.

Chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp, mời Công ty cổ phần Nafoods Group rà soát, đề xuất quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu chanh dây tại địa phương (đưa vào nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030). Tăng cường quản lý sản xuất và kinh doanh cây giống, khuyến cáo người dân sử dụng giống tốt và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng. Đồng thời, chủ động kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời tình trạng người dân tự phát, đưa giống cây không rõ nguồn gốc vào sản xuất, xử lý nghiêm đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm...

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Nafoods Group căn cứ vào khả năng sản xuất, thu mua, chế biến của doanh nghiệp để phối hợp với các địa phương rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu của Công ty. Chủ động bàn bạc với chính quyền địa phương về phương thức liên kết, đầu tư cho nông dân vay vốn, vật tư phân bón để sản xuất, cung ứng giống chất lượng, cam kết bảo lãnh năng suất tối thiểu (đối với cây giống do công ty cung ứng cho người dân); hợp đồng cam kết thu mua, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo lợi ích hài hòa hợp lý giữa người trồng với công ty; tập huấn về quy trình kỹ thuật thâm canh theo hướng sản xuất hữu cơ, bền vững, công tác phòng, chống các loại bệnh hại nguy hiểm...

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng quy trình kỹ thuật, hướng dẫn các địa phương kiểm soát chặt chẽ tình hình sâu bệnh hại cây chanh dây, đảm bảo hiệu quả sản xuất. Đẩy mạnh khuyến nông, phổ biến quy trình thâm canh chanh dây theo hướng hữu cơ, bền vững theo quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, xây dựng mô hình điểm để hướng dẫn người dân phát triển sản xuất bền vững...

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan tăng cường phát triển dịch vụ tư vấn, quảng bá, giới thiệu sản phẩm chanh dây trên địa bàn tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất thực hiện các đề tài khoa học về sản xuất chanh dây bền vững theo hướng sản xuất hữu cơ, theo chuỗi giá trị, phổ biến và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả...

Lương Thanh

Có thể bạn quan tâm