Chỉ tiêu xuất khẩu đạt 160 triệu USD năm nay có thể đạt được, dẫu vậy, để hướng tới giá trị xuất khẩu đạt cao hơn, Gia Lai cần có thêm những sản phẩm xuất khẩu từ lĩnh vực công nghiệp.
Thế mạnh về thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh đã được chú trọng để khai thác hiệu quả trong nhiều năm qua. Hiện toàn tỉnh có khoảng 76-79 ngàn ha cà phê, cao su trên 70 ngàn ha, hồ tiêu trên dưới 6 ngàn ha… Đây là những cây trồng- hàng hóa chủ lực của Gia Lai trên thị trường trong và ngoài nước. Mỗi năm, từ việc xuất khẩu những sản phẩm này đã thu về hàng chục triệu USD.
Thu hoạch cà phê |
Theo thông tin từ Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng cà phê đạt trên 26 ngàn tấn trong 10 tháng qua, đạt giá trị gần 40 triệu USD. Các đơn vị đạt kim ngạch xuất khẩu cao là Công ty Louis Dreyfus: Thực hiện xuất khẩu 19.000 tấn, Công ty TNHH Trung Hiếu xuất khẩu trên 3.600 tấn. Với kết quả này, riêng mặt hàng cà phê có thể đạt kim ngạch xuất khẩu khá cao trong năm nay, chiếm khoảng1/4 chỉ tiêu về xuất khẩu của tỉnh (160 triệu USD)…
Hiện giá cà phê nhân xô trên thị trường Tây Nguyên dao động từ 34 ngàn đồng đến 35 ngàn đồng/kg giúp cho người trồng cà phê ở khu vực này hào hứng để cải tạo những vườn cà phê già cỗi. Đây là một trong những hướng đi vững chắc để sản lượng cà phê tiếp tục giữ mức tăng hàng năm, hoặc phải ổn định trong những năm tới khi nhiều diện tích cà phê ở Tây Nguyên đang trong giai đoạn kiến thiết, cải tạo. Với điều kiện thuận lợi trên, trong nhiều năm tới, cà phê vẫn là một trong những mặt hàng chủ lực, đóng góp giá trị khá lớn trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Mủ cao su là mặt hàng có đóng góp lớn trong kim ngạch xuất khẩu. Tính từ đầu năm đến nay, hệ thống các công ty cao su của Binh đoàn 15; các công ty cao su ở Chư Prông, Chư Sê, Chư Pah… xuất khẩu đạt gần 16 ngàn tấn, thu khoảng 47 triệu USD. Chỉ tiêu xuất khẩu này so với kế hoạch đạt 52,41%, tăng 77,6% về giá trị kim ngạch là do giá tăng cao. Cùng với quá trình trồng mới hàng chục ngàn ha cao su ở tỉnh ta, trên cả chục ngàn ha cao su tiểu điền đã, đang chuẩn bị đưa vào khai thác cũng nâng kim ngạch xuất khẩu về mặt hàng này lên đáng kể trong những năm tới. Theo dự báo, Trung Quốc sẽ là thị trường đứng đầu thế giới về tiêu thụ loại nguyên liệu này. Và nhiều khả năng, giá cao su trên thị trường thế giới sẽ có mức tăng đáng kể do hạn chế về nguồn cung. Điều kiện thuận lợi này đang được Chính phủ cũng như tỉnh Gia Lai đón đầu bằng nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển các vùng chuyên canh cao su trên địa bàn.
Ngoài ra, hai mặt hàng khác là gỗ tinh chế (đạt trên 13 triệu USD) và mì lát (xuất khẩu hơn 56 ngàn tấn). Nếu tính lâu dài, hai mặt hàng này khó có những đóng góp lớn bởi tài nguyên rừng có hạn, diện tích rừng trồng chưa cung ứng đủ nhu cầu, các nhà chuyên môn khuyến cáo không nên tăng diện tích cây mì… Có thể, hai mặt hàng này nên xếp vào kế hoạch ngắn hạn trong chiến lược xuất khẩu của tỉnh…
Tính từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 146 triệu USD, tăng khoảng 51% so với cùng kỳ năm 2009. Đây là kết quả khả quan trong thời điểm khủng hoảng kinh tế dẫu có nhiều tín hiệu lạc quan nhưng chưa dứt hẳn ở tầm thế giới và khu vực châu Á. Và mục tiêu xuất khẩu đạt 160 triệu USD trong năm nay có khả năng đạt được.
Nhưng để tăng nhanh giá trị kim ngạch xuất khẩu không thể chỉ dựa vào những mặt hàng trên. Trong khoảng chục năm trở lại đây, bằng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư, tỉnh ta đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, thăm dò, đầu tư… Ngoài Khu Công nghiệp Trà Đa, các khu công nghiệp khác cũng đang trong giai đoạn khởi động, thu hút. Song, các nhà đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao vẫn còn quá ít. Nhiều nhà đầu tư về lĩnh vực này sau khi đến thăm dò không hiểu vì lý do gì đã chọn một điểm đến khác. “Địa hạt” cần đầu tư này xem ra vẫn còn trống khá nhiều. Do đó, chính quyền và các sở, ngành liên quan cần có chiến lược dài hơi để hiện thực hóa nhanh hơn những chỉ tiêu về xuất khẩu hàng năm. Đây cũng là một trong những hướng đi thích hợp trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh
Hạnh Nguyên