Pháp luật

Gia Lai: Tập trung tuyên truyền 3 nội dung về trật tự, an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 6-2, Ban An toàn giao thông tỉnh ban hành Công văn số 08/BATGT-VP đề nghị các cơ quan thành viên của Ban; UBND các địa phương triển khai tuyên truyền, giáo dục, vận động chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) với 3 nội dung và 4 hình thức trọng tâm.

Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, thời gian qua, việc chấp hành pháp luật giao thông đường bộ của một bộ phận người tham gia giao thông, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chưa có chuyển biến mạnh mẽ.

Hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng; qua phân tích TNGT của cơ quan chức năng cho thấy, hàng năm có trên 90% các vụ TNGT là do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông.

Gia Lai đa dạng hình thức tuyên truyền về an toàn giao thông, trong đó có tuyên truyền thông qua các hội thi, hội diễn. Ảnh: Hà Duy

Để bảo đảm TTATGT, kiềm chế và kéo giảm TNGT thời gian tới, Ban ATGT tỉnh đề nghị các cơ quan thành viên của Ban; UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung tuyên truyền, phổ biến 3 nội dung gồm: các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo của Trung ương và địa phương về bảo đảm TTATGT, Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26-12-2024 của Chính phủ, kiến thức, kỹ năng lái xe mô tô, xe gắn máy an toàn.

Thực hiện "Đã uống rượu bia, không lái xe", đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện, đi đúng phần đường, làn đường, không phóng nhanh, vượt ẩu, đua xe trái phép, không điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe; cảnh báo các nguy cơ, nguyên nhân, hậu quả nghiêm trọng của TNGT, các biện pháp phòng tránh.

4 hình thức trọng tâm, gồm: tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực tiếp qua sinh hoạt cơ quan, khu dân cư, đoàn thể, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, bằng các hình ảnh trực quan như pa nô, áp phích, băng rôn, biểu ngữ, thông qua các hoạt động tập huấn, hội thi, hội diễn; biên soạn tài liệu, cẩm nang, tờ gấp tuyên truyền bằng 3 thứ tiếng Việt, Jrai, Bahnar có hình ảnh minh họa rõ ràng, dễ hiểu.

Lập danh sách để tuyên truyền, giáo dục, vận động cá biệt đối với thanh thiếu niên có sử dụng xe mô tô độ chế, không đảm bảo an toàn kỹ thuật, thường xuyên vi phạm TTATGT; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ATGT ở cơ sở, phát huy vai trò của trưởng thôn, già làng, chức sắc tôn giáo, người có uy tín để tuyên truyền, vận động người dân không giao xe cho người chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô, xe gắn máy.

Có thể bạn quan tâm