(GLO)- Thay vì đợi cà phê chín đều đạt chất lượng mới thu hoạch, thì nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Ia Sao và Ia Yok, huyện Ia Grai lại chọn cách hái quả xanh, việc làm này dù biết là “bất đắc dĩ” nhưng các “đạo chích” thường xuyên lui tới vườn cây làm nông dân ngày đêm lo lắng.
Cùng thời điểm này năm trước giá cà phê nhân hạ thấp chỉ ở mức 35.000 đồng/kg, thì nay giá cà phê có nhích lên nhiều 41.000-42.000 đồng/kg, giá cà tươi đang được các thương lái trên địa bàn mua vào ở mức từ 7.500 - 7.800 đồng/kg. Bên cạnh việc vui mừng khi giá cà phê tăng cao, thì điều khiến các hộ nông dân lo ngại là nguy cơ vườn cây thành quả của một năm chăm bón sẽ có nguy cơ “không cánh mà bay”, do vậy câu thành ngữ “xanh nhà hơn già đồng” được các hộ nông dân áp dụng triệt để, dù lượng quả chín trong tổng diện tích chiếm chưa đến 50%.
Lượng quả xanh chiếm trên 50% nhưng vẫn được các lái thương mua và phơi khô. Ảnh: Nguyễn Giác |
Lúc này, trên tuyến đường vào địa bàn xã Ia Sao và Ia Yok, ở hai bên đường nhiều hộ dân đã đưa cà phê vừa hái về phơi đầy trên sân. Tại nhà anh Trần Văn Hiền (Ia Sao) chủ của 5 hecta cà phê đang cho phơi hàng chục tấn cà đang xanh quả. Giải thích cho tình trạng cà phê xanh quá nữa đang phơi, anh Hiền nói “cà phê nhà chín nên mới thu hoạch, chứ không phải cà xanh”. Trong khi theo quan sát, số cà phê hộ này đã hái chỉ chín tầm 50%.
Cũng như anh Hiền, anh Đào Văn Trụ có 6 hecta cà phê, trong đó 3 hecta cà phê vối, 3 hecta cà phê chè và trong vườn cà phê của anh đang có khoảng 50 người đang thu hoạch. Năm nay cà phê được mùa, sản lượng cà phê tươi ước đạt 140 tấn, còn chuyện hái xanh thay vì đợi chín sẽ rất cực công và tránh chuyện cà phê bị mất trộm, hái xanh còn hơn mất trắng mà - anh Trụ nói.
Bằng thời điểm này năm trước, ở khu vực hai xã Ia Sao, Ia Yok thường xuyên xảy ra nạn trộm cắp cà phê. Không chỉ đám thanh thiếu niên thiếu tiền chơi điện tử nên tính chuyện trộm vài ba bao, có cả trường hợp đem cả bạt, màn đi để hái, tuy nhiên đó là chuyện của năm trước nên ảnh hưởng đến tâm lý của người dân.
Theo ông Hoàng Quốc Việt, Phó trưởng Công an xã Ia Sao cho biết: do tình hình trộm cắp cà phê năm ngoái diễn ra khá phức tạp, nên chính quyền phối hợp tổ chức các tổ tự quản để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ địa bàn. Trong quá trình tuần tra, chúng tôi đã tổ chức nắm, bắt các đối tượng thanh thiếu niên hư hỏng, tiến hành tuyên truyền giáo dục, đồng thời tiến hành theo dõi, rà soát các đối tượng lạ mặt xuất hiện trên địa bàn.
Chính việc nhân công nhiều và tránh mất trộm nên nhiều hộ nông đã chọn cách hái quả xanh. Ảnh: Nguyễn Giác |
Theo ghi nhận, bước đầu mùa vụ này các nông dân vẫn chưa báo về tình trạng bị mất trộm cà với số lượng lớn, mà trong dân chỉ mất số lẻ, giá trị không lớn. Tuy nhiên, không phải vậy là bớt lo, mới đây trên địa bàn xã Ia Yok lại xảy ra chuyện chặt phá, hủy hoại vườn cây. Theo ông Nguyễn Bá Công - Phòng tổ chức Công ty cà phê 706 (Ia Yok): tình hình trộm cắp vẫn có diễn ra, nhưng chỉ lẻ tẻ do một vài thanh thiếu niên túng tiền làm liều, điều chúng tôi quan tâm là xác định nhóm chặt phá cà phê để giảm thiệt hại. Trong tháng 9 tại đội 7 bị chặt 54 cây, trước đó, năm 2011 ở đội 8 cũng bị chặt 300 cây cà phê, khiến người dân hoang mang, nguyên nhân được cho là có sự ganh ghét nhau, nhưng thủ phạm đến nay vẫn chưa biết là ai - ông Công cho biết.
Chính từ các yếu tố giá cà phê đang ở mức cao, nhân công dễ tìm, tránh để mất cắp và chuyện chặt phá cây xảy ra, nhiều hộ nông dân đã và đang tiến hành ồ ạt cho thu hoạch vội cà phê khi quả đang còn tươi xanh. Việc hái cà xanh dù rằng không mất đi nông sản, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng cũng như chất lượng của cây cà phê.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu hái quả chín có thể từ 520-680 quả/kg, nhưng nếu quả xanh phải mất 900-1.200 quả/kg, đây là điều đáng báo động; do hái quả xanh, nên 1 kg cà phê nhân, có khoảng 50-60% đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chất lượng giảm vì hương cà phê sẽ không thơm, vị sẽ nhạt, nhân không đẹp.
Nếu chuyện trộm cắp vặt ảnh hưởng đến tâm lý người dân và chuyện chạy theo giá thành hái vội cà phê khi quả đang xanh để bán sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và chất lượng xuất khẩu khi Tây Nguyên được đánh giá là vùng phát triển chiến lược của cây cà phê trong cả nước và là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu.
Nguyễn Giác