(GLO)- Chiều 9-3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai chủ trì cuộc họp với một số sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá tình hình và triển khai công tác phòng-chống dịch thời gian tới.
Dịch phức tạp, ca mắc tăng cao
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Đình Tuấn cho biết: Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh tăng cao, những ngày gần đây luôn vượt trên 2.000 ca. Trong tuần qua, tỷ lệ tử vong tăng cao, hầu như ngày nào cũng ghi nhận ca tử vong vì Covid-19. Hiện dịch đã lây lan trong cộng đồng, bùng phát tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, gần 90% ca mắc hiện nay không có triệu chứng. Đánh giá cấp độ dịch, toàn tỉnh ở cấp độ 2, trong đó có 7/17 huyện, thị xã, thành phố ở cấp độ 3 (mức nguy cơ cao); 66/220 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 3 (mức nguy cơ cao) và 13 xã, phường, thị trấn cấp độ 4 (mức nguy cơ rất cao).
Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, thời gian qua, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị điều trị thực hiện tốt công tác quản lý, điều trị bệnh nhân Covid-19; rà soát phân tầng điều trị bệnh nhân theo mạng lưới, vùng, khu vực; triển khai cách ly, chăm sóc tại nhà đối với các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, không gây quá tải cho các cơ sở y tế. Đồng thời, ngành có phương án chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, thuốc, oxy y tế… đảm bảo nhu cầu chống dịch, nhất là khi có tình huống cao. Tuy nhiên, vấn đề quản lý, chăm sóc F0 tại nhà hiện gặp khó khăn do bệnh nhân nhiều, nhân lực y tế mỏng, địa bàn rộng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch kết luận cuộc họp chiều 9-3. Ảnh: Như Ý |
Về tiêm vắc xin phòng Covid-19, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến nay, đối tượng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm là 2.393.273 liều, trong đó, tiêm mũi 1 đạt 103,43%; mũi 2 đạt 94,99%; mũi 3 đạt 41,87%. Tổng số trẻ em 12-17 tuổi đã tiêm vắc xin mũi 1 là 167.643/166.462 liều, đạt tỷ lệ 100,71%, tiêm mũi 2 là 145.457/166.462 liều, đạt 87,38%. Các đơn vị y tế đang tiếp tục triển khai tiêm phòng Covid-19 cho người dân theo số vắc xin được cấp. Hiện tỉnh đã sẵn sàng tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vắc xin.
Tham gia ý kiến tại cuộc họp, ông Đoàn Mạnh Thắng-Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) nhận định: Khả năng trên địa bàn tỉnh đang tồn tại cùng lúc 2 chủng vi vút gồm Delta và Omicron. Hiện nay, chúng ta vẫn cần phải báo cáo số ca mắc hàng ngày để có đánh giá và dự lường tình hình nhằm triển khai hiệu quả công tác phòng-chống dịch.
Tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm tử vong do Covid-19
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhận định: Tình hình dịch Covid-19 tại tỉnh hiện lưu hành 2 chủng vi rút là Delta và Omicron; số ca mắc bệnh ngày càng cao, chưa xác định được đỉnh dịch nên dự báo dịch sẽ còn diễn biến phức tạp. Đến nay, tỷ lệ mắc Covid-19, tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong vẫn trong vòng kiểm soát. Số bệnh nhân Covid-19 tử vong phần nhiều do già yếu, người có bệnh nền và chưa tiêm vắc xin. Vì vậy, cần có phương án bảo vệ các đối tượng này và tiếp tục tuyên truyền để người dân tiêm vắc xin phòng Covid-19 đủ mũi, đủ liều và tiêm các mũi tăng cường.
Đối với công tác phòng-chống dịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch yêu cầu tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và bộ, ngành liên quan trong phòng-chống dịch; tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm tử vong, quản lý chặt F0 tại nhà, đảm bảo các phương tiện trong điều trị, hạn chế chuyển nặng và tử vong. Sở Y tế tham mưu ngay việc ban hành tờ rơi hướng dẫn cụ thể việc cách ly, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà và cấp phát cho bệnh nhân khi có quyết định cách ly tại nhà; tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc xử lý rác thải của các hộ gia đình có F0, F1 cách ly tại nhà.
Trên cơ sở đánh giá tình hình dịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết sẽ điều chỉnh Quyết định số 745/QĐ-UBND về việc ban hành phương án triển khai các biện pháp tạm thời để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế tiếp tục kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh hàng ngày, nếu có bất thường thì báo cáo về Ban Chỉ đạo tỉnh để kịp thời triển khai các phương án phòng-chống dịch hiệu quả. Về công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, cần triển khai tiêm nhanh cho tất cả các đối tượng theo lượng vắc xin được phân bổ; trong quá trình tiêm chủng cần đề xuất ngay nếu thiếu bơm kim tiêm, vật tư phục vụ tiêm chủng để kịp thời bổ sung. Bên cạnh đó, cần tiếp tục bổ sung dự toán để tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, không để “dịch chồng dịch”.
Liên quan vấn đề dạy học, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch thống nhất tiếp tục cho học sinh đi học trực tiếp đối với địa phương đánh giá dịch ở cấp độ 1, 2; cấp độ 3 sẽ xen kẽ học trực tiếp và trực tuyến; cấp độ 4 học trực tuyến. Sở Giáo dục và Đào tạo cần triển khai kiểm tra, giám sát, có đánh giá, phân tích thường xuyên về tình hình mắc Covid-19 trong trường học để chủ động phòng-chống; đồng thời, rà soát, tham mưu, kiểm tra lại việc tổ chức học tại các trường bán trú, mẫu giáo… Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các cấp, các ngành liên quan tiếp tục rà soát, hỗ trợ kinh phí, chế độ chính sách, hỗ trợ tiền ăn cho nhân viên y tế tuyến đầu mắc Covid-19 trong khi làm nhiệm vụ; hướng dẫn hỗ trợ cho bệnh nhân Covid-19 khó khăn không thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố chủ động mua sắm vật tư, hóa chất phục vụ phòng-chống dịch. Đồng thời, giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục mua sắm kit test nhanh để chủ động khi cần sử dụng cho toàn tỉnh. Sở Y tế tiếp tục làm việc với Bảo hiểm Xã hội tỉnh thống nhất quy trình, hồ sơ để thanh toán bảo hiểm xã hội cho bệnh nhân F0 là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Ngành Y tế tiến hành thanh-kiểm tra việc bán thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 ở các nhà thuốc; tăng cường kiểm tra về tình hình giá thuốc, giá kit test cũng như các loại vật tư, hóa chất, không để xảy ra tình trạng loạn giá, đầu cơ kiếm lời bất chính. Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Y tế không nên thành lập trạm y tế lưu động mà nghiên cứu, đề xuất tổ chức mô hình phù hợp với địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện tốt công tác phòng-chống dịch.
NHƯ Ý