Kinh tế

Gia Lai: Tiến độ xây dựng nông thôn mới vẫn chậm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 100% xã hoàn thành rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn theo Bộ tiêu chí nông thôn mới. Từ kết quả rà soát, đánh giá thực trạng, các địa phương tích cực triển khai thực hiện việc lập quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới phù hợp với thực tế địa phương mình.

Theo đó, đã có 51 xã thuộc các huyện: Kbang, Chư Sê, Chư Pưh, thị xã An Khê lập xong quy hoạch nông thôn mới, được các cơ quan chức năng phê duyệt. 78 xã xây dựng xong quy hoạch gửi lên Sở Xây dựng tham gia đóng góp ý kiến trước khi các xã trình quy hoạch để UBND huyện, thị xã phê duyệt. 57 xã còn lại đang tiếp tục xây dựng quy hoạch. 142 xã hoàn thành đề án xây dựng nông thôn mới; trong đó có 55 đề án đã được phê duyệt, 87 đề án còn lại đang trong giai đoạn thẩm định. Một số địa phương như Kbang, Mang Yang sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ các xã xây dựng đường giao thông nông thôn...

Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Tuy nhiên theo đánh giá của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, tiến độ thực hiện vẫn chậm so với kế hoạch, quá trình triển khai vấp nhiều vướng mắc. Ông Nê Y Kiên- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah thừa nhận: Tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã bước vào khâu hoàn thành quy hoạch, đề án; song nguồn vốn huyện phân khai cho các xã để thực hiện chương trình thì chưa giải ngân được đồng nào. Lý do, nguồn vốn do xã quản lý sử dụng, việc hoàn thành thủ tục giải ngân vốn thanh, quyết toán cho các phần việc do chủ đầu tư và kế toán của xã đảm trách. Song năng lực đội ngũ kế toán cấp xã quá yếu, không nắm bắt hết quy trình thủ tục theo trình tự quy định nên thiếu cơ sở để cơ quan tài chính giải ngân và vì vậy vốn vẫn nằm yên… ở Kho bạc.


Liên quan đến vấn đề vốn, nhất là vốn hỗ trợ phát triển sản xuất và đầu tư phát triển đã được các địa phương phân khai cụ thể cho các xã chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, thế nhưng, đến giờ chỉ có các xã thuộc huyện Kbang, Mang Yang lập kế hoạch đưa vào sử dụng; các xã còn lại đang tập trung xây dựng quy hoạch, đề án nên chưa đụng đến nguồn vốn này. Hơn nữa, quá trình thực hiện, nhiều địa phương không huy động được vốn từ nhân dân, vốn tín dụng, vốn từ doanh nghiệp hoặc vận dụng các chương trình lồng ghép theo tỷ lệ cơ cấu vốn đã quy định, dẫn đến các địa phương rất khó để xác định cơ cấu nguồn vốn đầu tư cho chương trình.

Xây dựng quy hoạch, đề án là yếu tố quyết định tiến độ, kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; song quá trình thực hiện 2 phần việc mấu chốt này lại đang gặp không ít khó khăn. Nếu như xây dựng đề án nông thôn mới các địa phương gặp khó khi xác định đơn giá khái toán đầu tư cho từng loại công trình đưa vào danh mục đầu tư trước mắt và lâu dài thì việc lập quy hoạch lại gặp khó ở quỹ đất. Bởi quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội phải dựa trên cơ sở quỹ đất hiện có của từng địa phương nhưng khi bắt tay vào lập quy hoạch mạng lưới hạ tầng cơ sở thiết yếu như trường học, trụ sở thôn…, không ít địa phương đối mặt với bài toán thiếu quỹ đất để bố trí xây dựng.

Cùng với những nguyên nhân mới nảy sinh, những hạn chế được xác định ngay từ những ngày đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay vẫn chưa được khắc phục như: Chưa xác định rõ vai trò chủ thể của nông dân, nội lực của cộng đồng địa phương, cấp xã lúng túng khi tổ chức thực hiện, không phát huy tính tự chủ, chậm ban hành các văn bản hướng dẫn phương pháp, cách thức thực hiện các nội dung chương trình… cũng góp phần làm chậm tiến độ các công việc khởi đầu của Chương trình xây dựng nông thôn mới so với kế hoạch của tỉnh đề ra.
Quang Văn

Có thể bạn quan tâm