Kinh tế

Giá cả thị trường

Gia Lai tìm nhà đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gia Lai mong muốn nhận được vốn đầu tư, hợp tác từ các doanh nghiệp đến từ TP. Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế như công nghiệp, thương mại, nông - lâm nghiệp và dịch vụ du lịch, ông Bùi Khắc Quang-Giám đốc Sở Công thương Gia Lai cho biết tại buổi làm việc giữa Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh và Gia Lai ngày 6-6.

Giám đốc Sở Công thương Gia Lai Bùi Khắc Quang (trái) và Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Phạm Thành Kiên tại buổi ký kết bản thỏa thuận hợp tác ngành Công thương.


Ông Quang cho biết, trước mắt tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên này muốn nhận được sự hợp tác, đầu tư từ TP. Hồ Chí Minh để sản xuất ba sản phẩm thế mạnh của tỉnh bao gồm rau an toàn, cây ăn quả và thịt bò.

Theo ông Quang, trong quy hoạch tới năm 2025 Gia Lai dành 1.000 ha đất để sản xuất các loại rau an toàn với sản lượng dự kiến 49.300 tấn tập trung tại các huyện như An Khê, Phú Thiện, Azun Pa, Kpang… Tỉnh cũng đang có khoảng 10.000 ha đất sản xuất các loại cây ăn quả cho năng suất cao như bơ, xoài, chanh leo, chuối mốc… Đây là các loại cây ăn quả có lợi thế trong việc sản xuất, chế biến sâu, chế biến nước giải khát cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Gia Lai cũng đang có quy hoạch phát triển đàn bò hơn 950.000 con; trong đó đàn bò thịt chất lượng cao dự kiến gần 300.000 con, sản lượng thịt hơi đạt gần 135.000 tấn. Song song đó, tỉnh cũng đã quy hoạch xây dựng một chợ đầu mối gia súc chuyên kinh doanh bò.  

Gia Lai cũng muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm đầu tư khai thác các dự án hạ tầng thương mại như trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh. Ông Quang cho hay, quỹ đất của tỉnh còn nhiều, các chính sách khuyến khích cũng thuận lợi, nhu cầu của người dân là có nhưng có rất ít dự án như đã nêu tại tỉnh này.

"Gia Lai có thế mạnh về xuất khẩu hàng nông sản như cao su gần 100.500 ha với sản lượng 97.500 tấn mủ khô/năm, cà phê 93.450 ha với sản lượng gần 200.000 tấn/năm, tiêu 15.700 ha với sản lượng trên 49.000 tấn/năm, điều gần 17.300 ha với sản lượng hơn 49.000 tấn/năm...", ông Quang chia sẻ.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện hai sở công thương đã ký bản thỏa thuận hợp tác phát triển giai đoạn 2017-2020. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp thực hiện chương trình bình ổn thị trường, chia sẻ thông tin cập nhật về thị trường, điều phối hàng hóa; phối hợp thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hai địa phương, trong đó ưu tiên hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm…

Ngoài ra, hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong việc xây dựng đăng ký vào chuỗi nông sản, gia súc, gia cầm cho các khâu sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ theo hướng đa dạng hóa sản phẩm; gắn kết để phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu (chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất, cao su – nhựa, cơ khí chế tạo và điện tử - công nghệ thông tin)…

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, TP. Hồ Chí Minh luôn tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tỉnh đầu tư, phát triển ở TP. Hồ Chí Minh cũng như khuyến khích doanh nghiệp ở thành phố đi đầu tư ở các địa phương khác. Nhiều năm trở lại đây TPHCM cũng đồng thời tổ chức chương trình kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành để tạo cơ hội cho doanh nghiệp các tỉnh thành và TP. Hồ Chí Minh gặp gỡ, kết nối, hợp tác.

Trên cơ sở thông tin giới thiệu của Sở Công thương Gia Lai, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh sẽ làm đầu mối kết nối đầu tư, giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư của thành phố nghiên cứu, hợp tác đầu tư vào các dự án Gia Lai giới thiệu.

Theo thesaigontimes.vn

Có thể bạn quan tâm