Kinh tế

Gia Lai: Tình trạng cho vay nặng lãi ngấm ngầm và khốc liệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đồng vốn ngân hàng đang rất eo hẹp do thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì đời sống và sản xuất không cho phép các doanh nghiệp, hộ sản xuất, cá nhân ngồi chờ phép màu nào khác đến với mình. Và tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng “đen” lúc này lại có cơ hội trỗi dậy.
Muôn mặt tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn
Khu vực nông thôn Gia Lai tuy có nhiều tiềm năng phát triển nhưng điểm xuất phát thấp nên dân cư rất khát vốn. Các huyện: Chư Sê, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Pưh... với hàng ngàn, hàng chục ngàn ha cây công nghiệp ngắn ngày đã đến kỳ khai thác, rất cần đầu tư đúng mức phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Mấy năm gần đây, giá tiêu, cà phê, cao su tăng cao nhưng đi liền là giá cả hàng tiêu dùng thiết yếu, vật tư, phân bón, cây giống... tăng theo, có khi tăng rất cao. Nông dân sản xuất nhỏ lẻ, thường thiếu vốn lại không có kế hoạch và tính toán cụ thể chi li giữa tiền của làm ra và chi dùng cho sản xuất và đời sống, vì vậy mà luôn rơi vào tình trạng khó khăn về vốn.
Ảnh minh họa
Khi lãi suất ngân hàng không còn đủ kích thích người gửi tiền, các quỹ tín dụng nhân dân chỉ còn là hình thức, trong khi nhiều người cần vốn để làm ăn hay lo liệu gấp một việc gì đó, thì cũng là lúc nạn cho vay nặng lãi xuất hiện. Thực ra lâu nay nhiều vùng trong tỉnh đã tồn tại tình trạng này, dưới những hình thức khác nhau. Hiện nay gần như ở bất cứ ngôi làng nào trên địa bàn tỉnh dẫu ở vùng sâu, vùng xa, cũng đều có quầy hàng bán lẻ, phần lớn là của người Kinh. Những quầy hàng này tuy không lớn nhưng có tác dụng giải quyết nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho người dân sở tại từ gói mì tôm, mớ rau đến cân thịt, bao phân... Người mua có khi trả tiền mặt nhưng cũng có khi đổi bằng gạo, gà, heo và cả mua chịu đến mùa trả bằng sản phẩm thu hoạch được (tất nhiên là phải chịu một mức lãi nhất định và thường là rất cao, gấp hai, ba lần).
Không chỉ có đáp ứng nhu cầu ăn uống, những quầy hàng này còn cho vay bằng phân bón, hạt giống, tiền vốn với sự thỏa thuận có lợi phía người cho vay. Tất nhiên là phải “nắm” kẻ có tóc, có khả năng trả nợ, có tài sản nhất định như vườn cà phê, tiêu, cao su, trâu bò, ao cá... để lỡ khi “hợp đồng” bị vỡ thì còn thu hồi vốn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ riêng xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh có không dưới chục cơ sở cho vay nặng lãi kiểu này. Anh H. lâu nay vừa kết hợp trồng tiêu, mua bán nông sản và cho vay bằng gạo thóc, phân bón nên phất lên rất nhanh. Năm rồi, anh này “kiếm” cũng khá nhờ áp dụng dịch vụ kinh doanh đa dạng và đã thành công. 
Tai quái tín dụng đen thành thị
Hoạt động kinh tế phát triển và chi phí sinh hoạt cao nên tín dụng đen ở khu vực thành thị luôn có “đất sống” và bắt rễ bền chặt vào đời sống xã hội. Từ huê, hụi, trả góp đến vay nóng theo ngày, tháng... tất cả đều là các dạng khác nhau của tín dụng đen. Nhiều nơi lãi suất vay theo ngày thấp nhất cũng ở mức 4.000 đồng/triệu đồng/ngày với những khách hàng quen biết và giá chung là 8.000 đồng/triệu đồng/ngày, cá biệt lên đến 12.000 đồng/triệu đồng/ngày. Mức lãi suất này còn cao hơn cả các hiệu cầm đồ. Lần đó, gia đình túng bấn, anh Đ. đi học xa, phải đi vay nóng với mức lãi 10.000 đồng/triệu đồng/ngày, chỉ cần vay 10 triệu đồng, một tháng anh đã mất đứt 3 triệu đồng tiền lãi. Theo một người am tường, hiện nay, số người vay nóng theo ngày, theo tháng ở Pleiku đang có xu hướng tăng lên.
Một chủ nợ cho biết, vay lãi ngày, thường là chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tiền gấp để làm ăn và những người cần tiền để đáo nợ ngân hàng, thanh toán nợ nần hối thúc. Thường thì lãi suất cho các doanh nghiệp vay thấp hơn các khách hàng cá nhân bởi họ thường vay ngắn ngày và sòng phẳng. Vi phạm thời gian trả nợ gốc, lãi thường bị phạt rất nặng, có khi là dao búa. Thị trường cho vay nặng lãi duy trì luật chơi rất nghiêm nên gần như không có chuyện xù nợ và không ít người trở thành con nợ “lưu niên” vì một lý do sẩy chân thất bại nào đó.
Điều đáng quan ngại là hiện đã xuất hiện tình trạng cho vay nặng lãi, tình trạng tín dụng đen liên quan đến ngân hàng. Gần đây, lãi suất cho vay của một số ngân hàng biến tướng dưới hình thức nhiều loại phí khác nhau. Một số cán bộ tín dụng lại kiêm luôn vai trò “cò” cho vay nặng lãi. Tuy không lộ diện nhưng vẫn ngấm ngầm tình trạng nhân viên tín dụng viện cớ hồ sơ vay vốn không đáp ứng điều kiện cho vay, buộc khách hàng phải qua “môi giới” để vay vốn nặng lãi. Nhiều nhân viên ngân hàng còn liên kết với “cò” làm hồ sơ vay vốn cho khách hàng nhưng kê khống lên để “vay ké”, sau đó cho vay “nóng” để kiếm lời với lãi suất cắt cổ. Và một loạt vụ vỡ nợ liên quan đến nạn cho vay nặng lãi, tín dụng “đen” gần đây trên địa bàn tỉnh là kết cục tất yếu của cách làm ăn phi pháp.
Theo quy định, chỉ cần cho vay với lãi suất cao quá 10 lần so với lãi suất của Ngân hàng Nhà nước thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trên thực tế, lãi suất thị trường tín dụng đen còn cao hơn nhiều lần so với mức cho phép nhưng nó lại là “cứu cánh” của không ít người. Giải quyết như thế nào thị trường tín dụng đen còn là bài toán chưa có lời giải.
Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm