Trong mấy ngày Tết Tân Mão 2011, trên địa bàn tỉnh Gia Lai tràn ngập các loại súng đồ chơi cỡ lớn. Không những ngay tại TP. Pleiku, trung tâm của tỉnh mà tại thị xã. An Khê, mọi người cũng đều dễ dàng nhìn thấy sự xuất hiện nhiều khẩu súng đồ chơi lớn như súng thật.
Điều đáng quan tâm ở đây là không chỉ trẻ em sử dụng đồ chơi này mà phần lớn thanh niên trên 18 tuổi cũng sử dụng. Dọc các đường phố tại trung tâm TP. Pleiku, thị xã. An Khê, trong mấy ngày Tết chốc chốc mọi người lại bắt gặp nhiều nhóm thanh niên vác trên vai những khẩu súng đồ chơi cỡ lớn lên đạn bắn nhau cành cạch. Những đứa trẻ con cũng cầm súng đồ chơi rượt đuổi nhau bắn vào vùng mặt.
Một số khẩu súng mà cu Nhí sở hữu. Ảnh: Trung Vĩnh |
Đang ngồi chơi tôi bỗng giật mình khi thấy cậu Nhí 9 tuổi- con của chị T. vác trên vai một khẩu “AK-A47” như thật. Tôi mượn dùng thử thì mới thấy lời của chị T. là chính xác. Từ hình dạng cho tới nguyên tắc hoạt động của khẩu “AK-A47” đồ chơi chẳng khác gì khẩu AK thật, chỉ khác chăng là kích thước có nhỏ hơn đôi chút, hộp tiếp đạn chứa một lúc khoảng 300 viên đạn tròn nhỏ như viên bi xe đạp, bằng nhựa rất chắc.
Nguyên tắc tháo lắp hộp tiếp đạn, lên đạn và đẩy đạn hệt như khẩu AK thật. Ở cự ly chừng 6 mét, tôi lên đạn rồi bóp cò, một tiếng tạch kêu lên, viên đạn nhựa bay ra khỏi nòng súng văng thẳng về phía vách tường bê tông rồi nát vụn. Tôi thật sự kinh hãi vì sức công phá của khẩu “AK-A47” đồ chơi này.
Gặng hỏi mới biết cháu Nhí mua khẩu súng này ngay tại các hàng rong bán đồ chơi ở Công viên Diên Hồng (phường Ia Kring, TP. Pleiku). Tuy nhiên, khi tìm đến đây do không phát hiện được gì nên tôi quay về.
Đi được vài chục mét, rẽ sang đường Nguyễn An Ninh ngay gần Công viên Diên Hồng thì thấy 3 cậu thanh niên tuổi chừng 15, 16 đang cầm khẩu “shotgun” ngắm bắn người đi đường. Tôi tấp xe vào thử hỏi thăm để mua cho đứa cháu, mấy cậu thanh niên này không ngần ngại: “Cháu mua ở Công viên Diên Hồng. Mấy người bán đồ chơi họ bán rất nhiều, giá từ 50 ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng/khẩu. Họ sợ Công an bắt nên chỉ lén bán khi có mấy đứa nhỏ và bọn cháu đến mua”.
Một vấn đề khó hiểu là tại sao các loại súng đồ chơi như trên rất nguy hiểm, gây hỏng mắt là bình thường nhưng các bậc phụ huynh vẫn mua cho con cái mình chơi.
Ngoài ra, các loại súng đồ chơi này có độ sát thương cao không được phép buôn bán nhưng vẫn tràn ngập trên đường phố, vậy thì vai trò của các cơ quan chức năng đến đâu trong việc quản lý loại đồ chơi nguy hiểm này?
Trung Vĩnh