(GLO)- Không trầm tích như Hà Nội, cũng chẳng thơ mộng như Đà Lạt hay nhộn nhịp như thành phố mang tên Bác, nhưng Phố núi Pleiku lại khiến nhiều người nước ngoài mỗi khi đặt chân đến đều cảm thấy lưu luyến bởi nét “duyên ngầm” vốn có của mình.
* Ông Takeshi Nakamura-Trưởng đại diện Công ty cổ phần Azuma Shokai (Nhật Bản) tại Việt Nam: Một thành phố nhỏ yên bình
Tôi sang Việt Nam cùng vợ và hai con gái đã gần 2 năm. Đây là lần thứ ba tôi đến Pleiku. Ấn tượng ban đầu và bây giờ vẫn không hề thay đổi: một thành phố nhỏ với không gian khoáng đạt, sạch sẽ và yên bình; thời tiết thì mát mẻ, dễ chịu, thỉnh thoảng có những trận mưa nhẹ đủ để cho tôi cảm nhận được sự thú vị. Người dân nơi đây rất thân thiện. Đặc điểm này tương đối giống với người Nhật chúng tôi.
Đến Pleiku tôi được bạn và đối tác dẫn đi ăn phở khô vài lần. Họ bảo với tôi, phở khô là món ăn đặc sản của vùng quê này. Mùi vị của nó mang một đặc trưng rất riêng từ cách chế biến đến cách ăn, không giống với phở tôi thường ăn ở Hà Nội. Tôi cũng thích thịt thú rừng, chúng được chế biến rất dễ ăn. Và một điều tôi thấy lạ là mặc dù không có biển nhưng lại rất nhiều món ăn hải sản.
Cả ba lần tôi đến với Pleiku đều là những chuyến công tác ngắn nên ngoài Biển Hồ và Công viên Đồng Xanh, tôi chưa được đi thăm thú nhiều. Nhất định trong tương lai gần, tôi sẽ sắp xếp thời gian để đưa vợ con từ Hà Nội vào đây để du lịch. Khi đó chắc chắn gia đình tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để khám phá mảnh đất xinh đẹp và yên bình này.
* Ông Guillaume Graechen-Huấn luận viên người Pháp tại Học viện Arsenal-HAGL JMG: Pleiku là quê hương thứ hai của tôi
Tôi đến Pleiku từ năm 2007 với bản hợp đồng huấn luyện cho các cầu thủ nhí tại Học viện HAGL-Arsenal JMG trên tay. Lúc đầu, mọi thứ với tôi khá lạ lẫm từ thời tiết, con người đến phong tục, văn hóa, ngôn ngữ… Tất cả hoàn toàn khác xa với nước Pháp của tôi. Thế nhưng giờ đây, qua 5 năm sinh sống và gắn bó, mảnh đất này đã trở thành quê hương thứ hai của tôi.
Có được một người vợ Việt Nam xinh đẹp, một đứa con trai kháu khỉnh như hiện tại là hạnh phúc lớn. Hợp đồng của tôi sẽ kết thúc vào năm 2014, nếu ký lại hợp đồng tôi sẽ tiếp tục ở lại đây, còn không thì cả gia đình sẽ cùng trở về Pháp. Khi đó chắc tôi sẽ nhớ Pleiku rất nhiều.
Tôi thích những món ăn Việt do chính tay vợ mình nấu. Tôi không hợp với cà phê lắm nên cũng ít dùng thức uống này, mặc dù nó khá phổ biến và đặc trưng ở đây. Ấn tượng của tôi có lẽ là rượu cần, nó ngon nhưng lại làm tôi dễ say và mệt. Ở Pháp, tôi thường uống rượu Whisky trong ly và dùng tùy thích, nhưng rượu cần ở đây lại uống bằng cần, và phải uống đủ cái thanh gỗ quy định mới được dừng. Khá thú vị…
Tết của người Việt tới 3 ngày, thậm chí có thể kéo dài đến 5 ngày chứ không phải chỉ duy nhất một ngày như ở nước tôi. Mọi người quây quần bên nhau trong ngày đầu tiên của năm mới. Tôi cũng hay cùng vợ đi chùa trong ngày này, tôi thích chùa Minh Thành ở đường Nguyễn Viết Xuân vì kiến trúc của nó rất đẹp. Tết năm nay, bạn tôi từ Pháp sang chơi. Tôi cũng chúc cho người Gia Lai có một năm mới nhiều sức khỏe và hạnh phúc.
* Ông Johnathon James Herewini Ross-giáo viên người New Zealand tại Trung tâm Anh ngữ Âu Việt (TP. Pleiku): Tôi yêu những cánh đồng lúa và màu hoa cúc quỳ
Tôi sang Việt Nam từ tháng 10-2010 và công tác tại một Trung tâm Ngoại ngữ ở quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh. Đến tháng 3-2012, tôi nhận hợp đồng và lên Pleiku giảng dạy cho Trung tâm Anh ngữ Âu Việt. Thời tiết ở đây mát mẻ chứ không oi bức như Sài Gòn, con người cũng thân thiện hơn.
Tuy nhiên khó khăn lớn nhất của tôi chính là vấn đề bất đồng ngôn ngữ. Người nước ngoài ở Gia Lai cũng ít nên bạn bè người Việt của tôi chủ yếu là những người ở trung tâm. Tôi đang học tiếng Việt để giao tiếp được dễ dàng hơn với mọi người. Phở khô, cơm tấm và sầu riêng là những món ăn tôi thích nhất ở đây. Tôi không thích cà phê vì nó làm tôi mất ngủ, uống nước dừa ngon và mát hơn.
Vào những ngày cuối tuần, khi công việc rảnh rỗi, tôi thường đạp xe đạp leo núi ra Biển Hồ hay đi huyện Đak Đoa, Mang Yang… Tôi đặc biệt thích đạp xe hàng trăm cây số để ngắm cảnh, khám phá những điều mới mẻ. Tôi thích nhìn những cánh đồng lúa xanh thẳng tắp ở những miền quê của Gia Lai, thích loài hoa màu vàng đặc trưng của Phố núi mà người bản địa gọi là cúc quỳ. Đất nước tôi không có những khung cảnh yên bình như vậy.
Năm nay, tôi phải sang Campuchia nên không thể ở lại Gia Lai đón Tết. Đến tháng 2-2013, tôi cũng kết thúc hợp đồng giảng dạy ở đây. Điều này khiến tôi cảm thấy tiếc nuối… Nhân dịp năm mới, tôi cũng xin gửi đến mọi người lời chúc an lành, may mắn và thật nhiều hạnh phúc.
Hồng Thi (thực hiện)