Kinh tế

Gia Lai từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ 2005 đến nay, thực hiện chủ trương từng bước CNH-HĐH nông nghiệp - nông thôn, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Gia Lai đã quan tâm đầu tư làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên nhiều phương diện khác nhau, đặc biệt là trong việc nâng cao thu nhập cho nông dân và góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững trong thời gian tới.
Những con số ấn tượng

Trên địa bàn nông thôn Gia Lai có 384 km đường trục xã, liên xã; 1.547 km tuyến đường trục thôn; 1.124 km đường ngõ, xóm sạch và khoảng 314 km đường trục chính nội đồng dọc theo số kênh mương đã được kiên cố hóa. Toàn tỉnh hiện có 299 công trình thủy lợi, trong đó 35 trạm bơm, 96 hồ chứa và 168 công trình đập dâng, 35 công trình trạm bơm cung cấp nước tưới cho 40.112 ha. Các công trình thuỷ lợi này phục vụ nhu cầu tưới cho diện tích gieo trồng lúa, diện tích rau màu, cây công nghiệp và nuôi trồng thủy sản; Hệ thống điện được phủ sóng rộng khắp, toàn bộ 186/186 xã  có điện lưới quốc gia, với khoảng 203.403 hộ, chiếm 93% số hộ được sử dụng điện.
Thực hiện chương trình cơ giới hoá, các hộ gia đình và trang trại sản xuất đã và đang tăng cường đầu tư mua sắm các loại máy nông cụ, phương tiện vận tải, máy bơm nước… để sản xuất thay thế sức lao động thủ công, tăng năng suất, tính đến nay toàn tỉnh đã có gần 3.000 máy kéo lớn, trên 3.207 máy kéo nhỏ
 

Bên cạnh đó các địa phương đã đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa nước, dự án điều ghép, dự án cao su tiểu điền, dự án ghép cải tạo cà phê, dự án phát triển chè ươm cành, dự án rau an toàn…với kinh phí gần 100 tỷ đồng. Qua đó đã tạo được một số giống lúa chủ lực có năng suất cao và tính thích nghi, khả năng chống chịu sâu bệnh được đưa ra sản xuất đại trà, đã trồng được gần 4000 ha điều ghép, sinh trưởng phát triển tốt và đang cho thu hoạch, năng suất cao gấp đôi so với điều thực sinh, những diện tích cà phê được ghép sau 2 năm đã cho thu hoạch, năng suất đạt gấp 1,5 lần so với trước…

Đối với lĩnh vực chăn nuôi sau 5 năm thực hiện đã triển khai dự án lai cải tạo đàn bò, nạc hoá đàn heo với kinh phí trên 7,5 tỷ đồng, đã tạo điều kiện cho bà con nông dân đẩy mạnh phát triển bò lai, đưa tỷ lệ bò lai lên 34% so với tổng đàn, năng suất trọng lượng và hiệu quả kinh tế nuôi bò lai tăng hơn nhiều so với giống bò địa phương, về phát triển heo hướng nạc mới áp dụng ở quy mô tại TP. Pleiku và các vùng phụ cận có đủ điều kiện. Sau khi kết thúc dự án đã tạo ra số lượng heo giống gốc đạt tiêu chuẩn để làm nền cho việc phát triển heo tỷ lệ nạc cao trong tương lai, hiện tại tỷ lệ heo nạc trong vùng dự án đã đạt 5% so với tổng đàn.

Năm 2015- Thu nhập dân cư nông thôn tăng 1,5 lần so với hiện nay

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng CNH sẽ tạo ra sự chuyển dịch một bộ phận lao động nông nghiệp sang làm việc trong các ngành Công nghiệp-dịch vụ, mặt khác khi áp dụng chuyển giao nông nghiệp, đưa máy móc thiết bị vào thay thế lao động thủ công sẽ dôi ra một bộ phận lao động phổ thông, vì lẽ đó tỉnh đã có kế hoạch đào tạo và phát triển các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp, mở rộng sản xuất, chế biến nông lâm sản để giải quyết việc làm cho số lao động dôi dư, đồng thời có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng thu hút lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp.

Theo đó, đến năm 2015: Xây dựng 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã hoàn thành quy hoạch nông thôn mới; Thu nhập dân cư nông thôn tăng 1,5 lần so với hiện nay; Tỷ lệ hộ nghèo còn 8%. Đến năm 2020: Trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới;Cơ bản xây dựng xong kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo chuẩn nông thôn mới; Thu nhập dân cư nông thôn tăng 2,5 lần so với hiện nay; Tỷ lệ hộ nghèo còn 6%.

Để thực hiện được điểu này, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chú trọng công tác quy hoạch chung và quy hoạch phát triển sản xuất. bảo đảm đến năm 2015 phải hoàn thành 100% quy hoạch nông thôn mới của tất cả các xã. Đến năm 2020 phải đạt 70% về quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; đạt 70% về quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, môi trường theo tiêu chuẩn mới; đạt 70% quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang khu dân cư hiện có.
 

Ngành Nông nghiệp và PTNT Gia Lai cũng quan tâm phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn như:Tập trung hoàn thiện, kiên cố hóa 100% các tuyến đường trục xã, liên xã; 70% các tuyến đường trục thôn, xóm; 70% các tuyến đường ngõ, xóm sạch. Kiên cố hóa 100% tuyến đường trục chính nội đồng dọc theo các tuyến kênh mương trên cơ sở  Nhà nước và nhân dân cùng làm; Hiện có 299 công trình thủy lợi, đến năm 2020 cố gắng đầu tư thêm 129 công trình thủy lợi lớn nhỏ, kể cả trạm bơm, tổn số 428 công trình. Xây dựng thêm 16 tuyến kênh với 167 km kênh mương để phục vụ cho các công trình tưới tiêu; Xây dựng thêm 550 trạm biến thế, 800 km đường dây hạ thế để phục vụ phát triển nông thôn. Đến năm 2020 không còn hộ có nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 6%. Thu nhập bình quân của lao động nông thôn tăng 2,5 lần so với hiện nay, đạt 60% so với thu nhập bình quân của tỉnh.

Ông Kpă Thuyên-  Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai khẳng định: Gia Lai đã xây dựng được một số mô hình ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu qủa thiết thực. Đó là việc triển khai dự án chuyển đổi cơ cấu giống lúa nước tại các vùng trọng điểm của 5 huyện, dự án lai cải tạo đàn bò trên phạm vi toàn tỉnh, dự án điều ghép tại 2 huyện có vùng điều tập trung, dự án nạc hoá đàn heo tại trung tâm TP. Pleiku và các vùng phụ cận, mô hình sản xuất an toàn, mô hình trồng măng tre Bát Độ, Lục Trúc, Điền Trúc, mô hình nuôi dê Bách thảo, cừu Phan Rang, cá rô phi đơn tính, tôm càng xanh, cá chim trắng…
Minh Dưỡng

Có thể bạn quan tâm