Gia Lai: Xử lý rác thải y tế- Lắm chuyện nhì nhằng...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rác thải y tế (nước thải và chất thải rắn) là một trong những loại chất thải đặc thù, có tính nguy hại cao. Do vậy, Bộ Y tế đã quy định các chất này cần được xử lý triệt để. Nhiều bệnh viện ở Gia Lai dù đã được đầu tư thiết bị xử lý nhưng kết quả không như mong muốn.
Thiết bị chưa dùng... đã hỏng
Năm 2001, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư xây mới và đưa vào phục vụ công tác khám- chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Cùng với đó, một hệ thống xử lý chất thải y tế với công suất lớn được lắp đặt. Tuy nhiên, chưa đầy 2 năm đi vào hoạt động, hệ thống này tê liệt hoàn toàn.
Gần 7 năm qua, lượng nước thải lớn với vô vàn chất độc hại được xả thẳng ra môi trường. Riêng với các loại rác thải như bông, gạc, bơm kim tiêm… lại được đốt, đào hố chôn lấp ngay phía sau bệnh viện.

Bài học nhãn tiền trong việc đầu tư thiết bị xử lý chất thải y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã quá rõ, nhưng không hiểu vì lý do gì những công nghệ, thiết bị này vẫn tiếp tục được đầu tư lắp đặt tại các bệnh viện: Thị xã An Khê, Ayun Pa, huyện Đak Pơ. Và các thiết bị này lại “bất động”! Bộ Y tế đã liệt Bệnh viện Đa khoa Gia Lai vào danh sách những cơ sở y tế gây ô nhiễm nghiêm trọng trên cả nước.
 
Hệ thống xử lý rác thải y tế hàng chục tỷ đồng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh nay chỉ còn là đống phế liệu. Ảnh: N.G
Hệ thống xử lý rác thải y tế hàng chục tỷ đồng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh nay chỉ còn là đống phế liệu. Ảnh: N.G
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương- Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh cho biết: Không riêng gì tuyến tỉnh mà các bệnh viện tuyến huyện trước đây đã được đầu tư xử lý tuy nhiên công nghệ không đảm bảo trong thời gian ngắn bị hỏng. Chất thải y tế không được xử lý đúng quy trình là một trong những nguồn ô nhiễm lớn về môi trường và sức khỏe của người dân.
Nâng cấp… nửa vời
Vừa qua, được sự đầu tư của tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế TP. Pleiku đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý rác thải, nước thải theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản. Dự án có tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng gồm bộ lò đốt model F-1S và modul xử lý nước thải y tế.
Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, rác thải tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có công suất xử lý nước thải từ 200 m3 ngày đêm lên 500 m3 ngày đêm và đầu tư xây mới lò đốt chất thải rắn tại bệnh viện công suất 2x (20-25) kg/giờ. Nước thải sau khi xử lý sẽ được đưa vào hệ thống thoát nước thành phố và chất thải rắn sau đốt đưa vào xử lý theo rác thải sinh hoạt.
Riêng các thiết bị xử lý tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku dù đã qua 3 tháng sử dụng nhưng vẫn chưa được nhà thầu bàn giao do vậy việc điều khiển các thiết bị tại đây gặp không ít khó khăn. Theo cam kết của nhà cung cấp, tất cả các loại rác thải y tế sẽ được tiêu hủy hoàn toàn khi đốt trong lò với nhiệt độ lên đến 1000oC. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều loại rác thải, trong đó có kim tiêm vẫn chưa được tiêu hủy. Một cán bộ phụ trách chuyên môn tại đây cho rằng: Công việc tại đây nhiều nên việc đốt rác y tế được giao cho một người kiêm nhiệm. Ban đầu vận hành còn lúng túng nhưng chúng tôi sẽ khắc phục.
“Việc thiết kế ống khói thấp hơn khu điều trị trong khi đó khuôn viên bệnh viện hẹp nên mỗi lần vận hành lò đốt khói khét cùng với mùi hôi đã ảnh hưởng đến khu vực dân cư lân cận. Người dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa thấy bệnh viện khắc phục”- bà Lương Thị Phương Đài- một người dân tại tổ 6, phường Yên Đổ nói.
Lò đốt rác thải tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku. Ảnh: N.G
Lò đốt rác thải tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: N.G
Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Tiến Thành- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Grai nói: “Trung tâm được đầu tư 2 hệ thống mới gồm một lò đốt rác và bộ xử lý nước thải nhưng vẫn chưa được nhà thầu bàn giao, trong đó hệ thống xử lý nước liên tục báo động do lỗi kỹ thuật. Chưa rõ nguyên nhân nên đành tắt máy chờ nhà thầu khắc phục bàn giao.
Rác thải y tế tư nhân về đâu?
Bên cạnh việc đầu tư dàn trải các thiết bị xử lý nước, rác thải tại các cơ sở y tế nhà nước thì chuyện xử lý rác thải tại các phòng khám tư nhân thường xuyên được bàn luận trong thời gian gần đây. Trong đó, việc nên đầu tư hệ thống xử lý tập trung hay các thiết bị nhỏ lẻ đặt ở nhiều nơi và có bộ phận thu gom tại các phòng khám tư nhân về xử lý thay vì hòa lẫn vào rác thải sinh hoạt như nhiều cá nhân vẫn thường làm gây bức xúc cho những người thu gom rác thải. Bà Phạm Thị Mỹ Duyên- công nhân Công ty Công trình Đô thị TP. Pleiku đảm trách khu vực tại ngã tư Hoa Lư cho biết: Nhiều cơ sở bỏ các vật dụng y tế khám- chữa bệnh đã qua sử dụng trộn lẫn vào rác thải sinh hoạt, trong đó có cả bơm kim tiêm, băng gạt. Rác thải y tế tư nhân vẫn được gom chung và chôn lấp ngoài bãi rác lộ thiên của thành phố.
Trên địa bàn Gia Lai hiện có trên 200 cơ sở y tế tư nhân trong khi chưa có một đơn vị nào đủ chức năng quản lý và được cấp phép thu gom, xử lý rác thải nguy hại. Quy hoạch xây dựng một lò đốt chất thải tập trung cho những cơ sở y tế, phòng khám tư nhân là kiến nghị của nhiều người dân.
Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm