Thông tin từ Hiệp hội các nhà sản xuất cao su thế giới, ngày 10-11, giá cao su thiên nhiên tại Malaysia đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay: 4.267 USD/tấn đối với chủng loại SMR 20; so với cùng kỳ tháng trước giá của chủng loại này chỉ ở mức 3.627 USD/tấn.
Ở Gia Lai, đến thời điểm này, một tấn mủ cao su có giá trên dưới 100 triệu đồng. Giá mủ cao su tăng cao cũng chính là nguyên nhân để các nước đẩy nhanh tốc độ trồng mới, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngày 29-10, Hội nghị về tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu cao su khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung tổ chức tại TP. Pleiku- Gia Lai, thông báo từ năm 2010 đến 2017 sẽ có thêm 1,7 triệu ha cao su trồng mới và xuất khẩu cao su năm 2010 dự kiến đạt 2 tỷ USD. Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới về diện tích trồng cao su và thứ 4 về sản lượng xuất khẩu cao su tự nhiên. Sản lượng cao su nước ta xuất khẩu cho 39 nước trên thế giới, trong đó Trung Quốc chiếm 60%.
Tuần tra vườn cây. Ảnh: K.N.B |
Giá cao su tự nhiên tăng cao khiến cho tình trạng trộm cắp mủ diễn ra càng phổ biến và gay gắt. Báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho thấy gần như tất cả các đơn vị thành viên của Tập đoàn đều xảy ra tình trạng mất cắp, đặc biệt là các đơn vị ở Tây Nguyên. Không kể các năm trước tình hình đã phức tạp, giá mủ cao su tăng trong thời gian gần đây khiến tình trạng trộm cắp mủ ở khu vực này diễn ra khắp nơi, có lúc trở nên nóng bỏng. Nhiều người ngang nhiên vào lô trút mủ, dùng hung khí đánh lực lượng bảo vệ khi bị ngăn chặn.
Ông Trần Ngọc Bính- Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông cho biết: Ngày 26-8, tại lô 28B của Đội 12, Nông trường Suối Mơ, một số người ngang nhiên vào lô trộm mủ, bảo vệ can thiệp và bắt kẻ cầm đầu Rah Lan Đanh. Để giải thoát Đanh, hàng chục thanh niên làng Bạc I xã Ia Phìn phóng xe máy tới, dùng gậy gộc, mã tấu, cung nỏ xông vào lô đập phá 300 bát đựng mủ cao su, dùng bát đựng mủ, gạch đá ném lại lực lượng bảo vệ làm anh Nguyễn Huy Dương- Đội trưởng bị thương vào mắt.
Chưa hết, ngày 19-6, khoảng 50 người ở làng Cành, xã Bình Giáo mang theo gậy gộc, dao rựa kéo vào lô cao su ngang nhiên vét mủ và chống lại lực lượng bảo vệ. Trong lúc giằng co, Rơ Mah Ui, Siu Hiên bị thương nhẹ ở tay. Bị kích động nên sau đó, nhiều người trong làng kéo đến truy đuổi lực lượng bảo vệ, đập phá vườn cây, làm hơn 5 ngàn chén đựng mủ bị vỡ, hàng trăm cây cao su bị chặt phá, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Sự việc chỉ được dừng lại khi lực lượng chức năng huyện Ia Grai và Chư Prông đến can thiệp. Gần đây nhất (8-11) tại Nông trường Bờ Ngoong thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang, nhiều người hùa nhau vào vườn cây đổ trộm mủ cao su và khi bị ngăn chặn thì đập phá bát đựng mủ, chặt phá vườn cây và nhiều tài sản khác của nông trường, gây thiệt hại đến hàng trăm triệu đồng. Và sự việc cũng chỉ được ngăn chặn khi có sự can thiệp của lực lượng chức năng.
Trước tình trạng trên, các công ty đã phối hợp với chính quyền xã, Công an huyện, lực lượng bảo vệ, tuần tra, canh gác, ngăn chặn hành vi trộm cắp và phá hoại. Tuy nhiên do diện tích vườn cây rộng, giá mủ cao su tăng cao, lực lượng bảo vệ mỏng, kẻ trộm mủ cao su thì hung hãn, liều lĩnh nên tình trạng trộm mủ cao su vẫn xảy ra, gây thất thoát tài sản của đơn vị và Nhà nước và làm mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Giá mủ cao su tự nhiên tăng cao cũng kéo theo sự tăng giá của cây giống. Hiện nay tại Bình Dương- thị trường cung cấp cây giống lớn nhất nước, giá cao su giống stum trần là 5-5,5 ngàn đồng/cây, stum bầu cắt ngọn 1-2 tầng lá giá 16-18 ngàn đồng/cây, cao su giống stum bầu 3-4 tầng lá giá 22-25 ngàn đồng/cây, cao rất nhiều so với trước đây. Ở Gia Lai, hầu hết các công ty cao su đều chủ động sử dụng cây giống của Tập đoàn, có xuất xứ ở Bình Dương, Tây Ninh, Vũng Tàu. Ông Lê Đình Bửu- Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang cho biết: Từ sự cung ứng của các đơn vị, Công ty tổ chức tháp ghép theo kỹ thuật và yêu cầu của mình ở các vườn cây vệ tinh của Công ty và cả vườn cây bên ngoài trước khi đưa vào trồng mới.
Có một thực tế là giá mủ cao su tăng khiến nhiều công ty cao su chấp nhận kéo dài tình trạng năng suất kém để duy trì vườn cây cho dù đã đến thời kỳ thanh lý để trồng mới. Lợi bất cập hại, về lâu dài sẽ phá vỡ chiến lược phát triển của doanh nghiệp do sự thiếu ổn định và bền vững. Đó cũng là nguyên nhân kéo theo sự sụt giảm và không đồng đều trong chất lượng, năng suất, sản lượng vườn cây của các công ty cũng như của cả Tập đoàn, hoàn toàn không có lợi cho ngành cao su Việt Nam trong cuộc cạnh tranh và hội nhập ngày càng khốc liệt.
Thất Sơn