Gia tài cổ vật ở Bình Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Căn nhà ba tầng nằm khiêm nhường bên những ngôi nhà lớn khác tại một ngã tư thị trấn Châu Ổ- Bình Sơn- Quảng Ngãi, đó vừa là nơi ông làm thuốc cứu người, cũng vừa là chỗ ông để những cổ vật mình tìm được với niềm đam mê khác lạ. Ông là Lâm Dũ Xênh (SN 1960), một cái tên mới thoạt nghe cũng đã thấy lạ, bởi gốc ở Hải Nam- Trung Quốc, nhưng được sinh ra và lớn lên trên đất Quảng, thời tóc còn để chỏm, đã được cha truyền nghề bốc thuốc Bắc và dạy tiếng Trung. Có lẽ đời ông Xênh sẽ yên ổn với nghề bốc thuốc nếu như không vì một sự tò mò.

Ông Xênh (áo trắng) giới thiệu bộ sưu tập đồ gốm thời Khang Hy của mình với tác giả. Ảnh: Bùi Hữu Cường.
Ba tầng nhà, chỉ một góc nhỏ ông dành để bốc thuốc, còn lại tất cả những khoảng không gian trống trong nhà đều được ông tận dụng để chứa những cổ vật có được. Quả thật, có vào nhà ông, tận mắt chứng kiến số cổ vật ông dày công góp nhặt trong vòng gần 15 năm trời mới thấy niềm đam mê của ông lớn đến chừng nào. Chỉ riêng số tiền cổ sưu tập của ông Xênh hiện nặng hơn 1,4 tấn. Tuy nhiên, độc đáo và được ông quý nhất là bộ sưu tập đồ đồng Đông Sơn. Theo lời ông Xênh thì giá trị kinh tế của nó tuy không lớn bằng những thứ khác, nhưng ý nghĩa văn hóa thì vô giá.
Đắt tiền nhất có lẽ là những chiếc chóe, trong đó có cái làm từ đời Khang Hy (nhà Thanh- Trung Quốc) mà hiện giá lên đến 200 triệu đồng/chiếc. Ba tầng của căn nhà của ông Xênh đâu đâu cũng thấy cổ vật, với đủ chủng loại: Chén, dĩa, bình, ly, lu, cối, kiếm, dao... có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều triều đại khác nhau: Lê, Trịnh, Nguyễn của Việt Nam; Tống, Minh, Thanh của Trung Quốc. Số tiền mà ông đã bỏ ra để mua và tìm những cổ vật ấy phải tính bằng đơn vị vài chục tỷ đồng, chưa kể đến những nỗi vất vả khi đưa được số đồ cổ ấy về nhà.
Ông Xênh bên gia tài của mình. Ảnh: Bùi Hữu Cường.
Mới đây, khi vô tình, ông sở hữu được hơn 300 cây kiếm, là binh khí của quân đội Tây Sơn, ông đã hiến tặng rất nhiều cho các bảo tàng. Riêng Bảo tàng Quang Trung được ông “ưu ái” tặng tới 21 thanh kiếm, trong khi các bảo tàng khác chỉ có 9 cây. Dẫn chúng tôi lên gác, nơi ông trang trọng đặt những thanh kiếm được bọc trong lụa đỏ đặt trên bàn thờ, ông chia sẻ: “Những thanh kiếm này có những uy lực linh thiêng lắm! Tôi đặt lên đây để ngày ngày lên thắp hương và suy ngẫm! Mỗi vật đều có giá trị và ý nghĩa với tôi cả!”. 
Ông kể, vào tháng 8-1994, như thường lệ ông ghé điểm phế liệu ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, thấy ông chủ đang bưng bê hàng chục mảnh vỡ đồng nặng khoảng 7 kg đi bán đồng nát. Sau một lúc săm soi, ông nhận ra đây là những mảnh vỡ của một chiếc trống đồng Đông Sơn nên quyết định mua lại. Đây là chiếc trống C, loại Hegel III, được đúc vào khoảng thế kỷ I-III sau Công nguyên có đường kính 42 cm, cao 23 cm, trên mặt trống có biểu tượng mặt trời 12 tia, hoa văn bông lúa xung quanh mặt trời, hình người cách điệu xung quanh, bốn linh vật con cóc đúc nổi gắn liền trên mặt trống. Rồi vào tháng 3-2009, nghe tin người bạn ở Huế vừa mua được những mảnh vỡ trống đồng Đông Sơn, loại Hegel I (niên đại 2.500 năm) từ một người hành nghề rà phế liệu, ông lặn lội ra tận nơi xin người bạn để lại cho mình. Sau nhiều năm ấp ủ, ông đã mời các chuyên viên Hiệp hội UNESCO Việt Nam từ Hà Nội vào Quảng Ngãi giúp phục hồi thành công những chiếc trống đồng Đông Sơn “đặc biệt” này...
Những thanh kiếm thời Tây Sơn. Ảnh: Bùi Hữu Cường.
Cứ thế, bộ sưu tập của ông có thêm bộ kiếm thời Tây Sơn, bộ lục lạc lên đến 3.500 chiếc lớn nhỏ bằng đồng, nhạc khí thời Tây Sơn, hơn 1,4 tấn tiền cổ các triều đại Việt Nam, Trung Quốc, bộ tẩu thuốc làm bằng đất nung hàng trăm chiếc đậm chất văn hóa Tây Nguyên, chiếc ngà voi dài 1,5 mét, hay xác một con tàu đắm có niên đại tới gần 600 năm, với chiếc mỏ neo kiểu cổ một ngạnh, hay bộ sưu tập gốm Chu Đậu trong con tàu đắm ngoài khơi biển Cù Lao Chàm… Suốt 15 năm qua, ông đã cần mẫn sưu tập hơn 10.000 món cổ vật gồm gốm sứ, đồ đồng, đá có niên đại hàng ngàn năm.
Thời gian qua, ông đã trao tặng hơn 300 cổ vật giá trị cho gần 10 bảo tàng lớn nhỏ trên cả nước. Trong đó có các cổ vật thuộc nền văn hóa Đông Sơn, kiếm cổ thời Tây Sơn, bộ sưu tập tiền giấy có chữ ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi còn làm Bộ trưởng Tài Chính, bộ chiêng cổ đồng bào Hrê, các hiện vật đồ đá văn hóa Chăm Pa. Nhà ông giờ đã đầy chật cổ vật, là những nhân chứng của chuỗi lịch sử dân tộc thăng trầm mấy ngàn năm qua...
Bùi Hữu Cường
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ- Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi nhận định: “Quả thật bộ sưu tập của ông Xênh là một dạng bảo tàng tổng hợp về lịch sử, tích hợp nhiều nền văn hóa khác nhau, đặc biệt phản ánh lịch sử hình thành, phát triển của người bản địa cổ ở vùng đất này. Điều thú vị là trong bộ sưu tập của ông Xênh có cả những mảnh gốm vỡ chứng minh từ buổi đầu xa xưa người Việt Cổ từng giao lưu, trao đổi mua bán với cộng đồng cư dân bản địa tại vùng đất miền Trung. Nhờ ông Xênh mà chúng tôi còn giữ lại được nhiều hiện vật quý giá cho đến tận bây giờ. Quả thật hiếm có một người nào nơi mảnh đất này có được niềm đam mê đáng quý đến như thế”.

Có thể bạn quan tâm