(GLO)- Trong đợt kiểm tra thực tế tại Gia Lai, Tiến sĩ Phan Hướng Dương-Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã cảnh báo nguy cơ gia tăng các bệnh không lây nhiễm, bệnh lý về tâm thần sau dịch Covid-19.
Theo Tiến sĩ Phan Hướng Dương, vấn đề các bệnh không lây nhiễm như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… và sức khỏe tâm thần càng trở nên nặng nề hơn sau dịch Covid-19. “Chính vì vậy, việc chú trọng sàng lọc ở các đối tượng nguy cơ, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng bệnh là điều mà Gia Lai cần quan tâm, chú trọng trong thời gian tới”-Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương khuyến cáo.
Hiện nay, Gia Lai đã triển khai đồng bộ công tác phòng-chống bệnh không lây nhiễm ở 17 trung tâm y tế và 220 xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn kinh phí, lại chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên các hoạt động phòng-chống bệnh không lây nhiễm không thể triển khai theo yêu cầu. Toàn tỉnh có 100 xã, phường, thị trấn tổ chức khám, điều trị, quản lý bệnh nhân tăng huyết áp, đạt 45,5%. Năm 2021, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), công tác quản lý, điều trị tăng huyết áp đã được triển khai tại 20 xã, phường, thị trấn thuộc 4 huyện: Kbang, Chư Păh, Phú Thiện, Mang Yang và thị xã An Khê.
Bác sĩ đo huyết áp cho người dân đến khám tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku. Ảnh: Như Nguyện |
Chương trình phòng-chống đái tháo đường tiếp tục duy trì hoạt động quản lý bệnh nhân tại 106 xã, phường tham gia dự án từ năm 2010 đến nay. Theo quy định của Bộ Y tế, tối thiểu phải quản lý được 2 bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường tại địa phương. Tuy nhiên, tuyến y tế cơ sở đang gặp khó khăn về nguồn thuốc, trang-thiết bị, nhân lực.
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thời gian qua, hoạt động phòng-chống các bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần không được triển khai thường xuyên; trong đó có việc khám sàng lọc các bệnh này tại cơ sở không theo kế hoạch nên nhiều trường hợp mắc bệnh không được phát hiện, quản lý và điều trị kịp thời, khi đến cơ sở y tế điều trị thì đã muộn.
Bác sĩ Phan Thanh Phong (Khoa Nội nhi nhiễm-Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế TP. Pleiku) thông tin: Thời gian gần đây, số bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm có chiều hướng gia tăng và chiếm 30% trong số các trường hợp đến cấp cứu. “Trung bình 1 tuần, Khoa tiếp nhận 1-2 trường hợp bị tai biến mạch máu não do biến chứng của tăng huyết áp, gia tăng nguy cơ tử vong. Hiện nay, nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường không chỉ ở người lớn tuổi mà ngay cả những người trẻ cũng có thể gặp phải. Tâm lý chủ quan, không thường xuyên thăm khám khiến nhiều người trẻ đến viện trong trường hợp bệnh nặng, có các biến chứng”-bác sĩ Phong cho biết.
Về vấn đề rối loạn sức khỏe tâm thần, bác sĩ Nguyễn Huy Dương-Giám đốc Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh-cho rằng: Sau dịch Covid-19, số trường hợp mắc rối loạn tâm thần, trầm cảm, rối loạn lo âu… đến thăm khám tại viện tăng hơn so với trước. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nhỏ bởi nhiều trường hợp e ngại khi đến khám tại bệnh viện mà khám dịch vụ bên ngoài nên chưa thể thống kê hết. “Đại dịch Covid-19 cũng dẫn đến tình trạng thất nghiệp, bất ổn về tài chính, nghèo đói, gây khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế, nhất là những đối tượng không có bảo hiểm y tế... Nỗi lo sợ khi bị mắc bệnh Covid-19, đọc và chứng kiến các tin tức tiêu cực về dịch bệnh khiến nhiều người bị rối loạn lo âu, trầm cảm. Bên cạnh đó, người tham gia công tác phòng-chống dịch phải thường xuyên làm việc xuyên đêm nên dẫn đến rối loạn giấc ngủ, đồng thời áp lực công việc cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần”-bác sĩ Nguyễn Huy Dương nói.
Hiện nay, việc phòng-chống các bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Theo bác sĩ Phạm Ngọc Văn-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Grai: Trong khi bệnh nhân gia tăng nhưng nguồn kinh phí cấp cho hoạt động phòng-chống các bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần hầu như không có, gây khó khăn cho việc triển khai các hoạt động chuyên môn. Ngoài ra, nguồn lực tuyến xã còn yếu và thiếu, một số trạm y tế chỉ mới dừng lại ở khâu tư vấn, khám phát hiện. Một số bệnh không lây nhiễm khác như: ung thư, tâm thần phân liệt, động kinh… tỷ lệ quản lý bệnh nhân tại các trạm y tế rất thấp, bởi cán bộ trạm chưa được tập huấn về dự phòng, thiếu trang-thiết bị cho chẩn đoán và điều trị.
Ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-cho rằng: Nguyên nhân chính làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần là nguồn thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường tại tuyến xã còn hạn chế về nhóm thuốc, số lượng, đặc biệt là thuốc điều trị đái tháo đường hầu như không có. Một số trạm y tế cơ sở có máy đo đường huyết, test kiểm tra đường huyết… nhưng số lượng test còn hạn chế dẫn đến khó khăn trong công tác khám sàng lọc, theo dõi và điều trị cho bệnh nhân.
Thời gian đến, việc quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm sẽ rất khó khăn vì theo tiêu chí nông thôn mới chỉ có những hộ nghèo, cận nghèo mới được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hiện nay, tất cả 220 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều không triển khai được hoạt động quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường vì không có kinh phí mua test và máy đo đường huyết. Cán bộ chuyên trách bệnh không lây nhiễm tuyến huyện và tuyến xã đa số không phải là bác sĩ nên việc tham mưu, triển khai các hoạt động chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu. Kinh phí chi cho các hoạt động phòng-chống bệnh không lây nhiễm cấp từ nguồn địa phương rất ít nên khó triển khai được các hoạt động.
“Chúng tôi kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ vật tư, trang-thiết bị, kinh phí để duy trì các hoạt động phòng-chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần; hỗ trợ việc triển khai câu lạc bộ phòng-chống đái tháo đường, tăng huyết áp và máy đo đường huyết và test để các trạm y tế triển khai khám, quản lý và theo dõi bệnh nhân đái tháo đường ở tuyến cơ sở”-ông Gia đề xuất.
NHƯ NGUYỆN