Nghi ngờ đứa con không phải của mình, người bố mang mẫu ADN của con trai đi xét nghiệm tại 3 cơ sở. Mặc dù không hề có chuyện 'tác động' để có được kết quả như ý nhưng điều kỳ lạ là 3 cơ sở lại cho 3 kết quả xét nghiệm khác nhau khiến người bố hoang mang, không biết kết quả xét nghiệm nào là đúng.
Gia đình đã quyết định tìm đến Trung tâm Giám định sinh học pháp lý - Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) để xét nghiệm thêm một lần nữa. Quá trình thực hiện giám định, chính những giám định viên dày dạn kinh nghiệm tại đây cũng bất ngờ khi phát hiện ra hiện tượng “nhân mã” lần đầu tiên tại Việt Nam và cực kỳ hiếm gặp trên thế giới.
Bố mẹ đẻ không phải là “bố mẹ ruột”?!
Thiếu tá Lê Viết Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định sinh học pháp lý kể lại, đầu năm 2017, Trung tâm tiếp nhận yêu cầu giám định ADN của một gia đình “trẻ” ở Bắc Giang. Dùng từ “trẻ”, bởi hai vợ chồng chưa đến 30 tuổi và mới có một cậu con trai khoảng 4 tuổi. Vì mưu sinh, sau khi cưới vợ, người chồng phải thường xuyên đi làm xa.
Theo người chồng tâm sự thì khi thấy vợ sinh sớm, anh ta đã có những suy nghĩ lăn tăn trong đầu. Nỗi nghi kỵ cứ ngày một lớn dần khi anh ta thấy đứa trẻ càng lớn lại càng... không giống bố. Nhưng đứa bé giống ai thì anh ta cũng không có đối tượng cụ thể để tình nghi.
Hạnh phúc gia đình có nguy cơ rạn rứt khi người chồng không nói ra nhưng bắt đầu bóng gió dằn hắt vợ. Sau khi suy nghĩ, người chồng quyết định lấy mẫu của đứa bé, tự mình về Hà Nội làm xét nghiệm ADN để làm rõ trắng đen.
Nhưng thật kỳ lạ, sau khi nhận mẫu, cơ sở đầu tiên trả lời anh ta rằng không thể đưa ra được kết luận do những thông số phân tích rất... kỳ quái, chưa bao giờ gặp. Phía cơ sở này cũng không thể lý giải được vì sao xét nghiệm lại như vậy. Để chắc chắn, người bố này cùng lúc mang mẫu đến 2 cơ sở giám định khác.
Ngày nhận kết quả, anh ta chết điếng một lần nữa. Kết quả của một cơ sở khẳng định mẫu ADN của anh ta và đứa con không có quan hệ huyết thống. Cơ sở thứ 3 thì trả lời giống cơ sở 1, rằng không thể đưa ra kết luận về quan hệ huyết thống giữa hai người?!
Đến nước này thì người bố hoang mang tột độ, chẳng biết kết quả nào là đúng. Sau khi tìm hiểu thông tin, anh ta tìm đến Trung tâm Giám định sinh học pháp lý - Viện Khoa học hình sự.
Cán bộ chiến sĩ Trung tâm giám định sinh học pháp lý hợp tác nâng cao năng lực khoa học hình sự với các chuyên gia nước ngoài. |
Lúc đầu, người bố này cung cấp 2 mẫu ADN của bố và con. Đây cũng là cách thông thường mà những người đàn ông thường làm khi có nghi ngờ về đứa con của mình. Tuy nhiên, ở trường hợp này, để xác định chính xác huyết thống người bố có phải là bố đẻ của trẻ hay không, Trung tâm yêu cầu thu cả mẫu ADN của người mẹ để chắc chắn rằng đứa trẻ đó do người mẹ sinh ra. Đây là một cơ sở khoa học để loại trừ rủi ro nhầm mẫu (do nhầm con). Dù rủi ro này rất thấp nhưng nếu không làm, rất có thể gây oan sai. Đây chính là điểm khác biệt làm nên uy tín trong giám định ADN của Trung tâm.
Sau khi đã phân tích cho người chồng hiểu lý do phải lấy mẫu của cả người mẹ, người chồng đã đồng ý. Một ngày, anh ta đưa vợ và con đến Trung tâm để thực hiện lấy mẫu. Người vợ tỏ ra rất bức xúc, một mực khẳng định đứa bé là con của chồng nên sẵn sàng lấy mẫu của hai mẹ con để “nhờ các bác giải oan cho em”.
Các giám định viên thực hiện việc lấy mẫu phân tích gồm mẫu chân tóc, tế bào niêm mạc miệng của bố, chân tóc của người mẹ và tế bào niêm mạc miệng của con. Kết quả phân tích lần đầu tại Viện Khoa học hình sự cho thấy giữa người mẹ và con có quan hệ huyết thống, còn mẫu của người bố có hiện tượng như là bị nhiễm vì ở các locus có đến 3 alen (nói nôm na là có 3 chỉ số sai khác) và như vậy thì không thể kết luận được.
Các giám định viên sinh học đã kiểm tra lại toàn bộ các khâu trong quy trình xét nghiệm nhưng không thấy có sai sót nào xảy ra. Về mặt lý thuyết, chỉ cần sai khác ở 2 chỉ số là có thể kết luận quan hệ cha - con không cùng huyết thống. Nhưng đây là một trường hợp đặc biệt, các mẫu có hiện tượng như bị nhiễm nên lãnh đạo Trung tâm đã chỉ đạo các nhóm giám định viên tiếp tục xét nghiệm lại một lần nữa.
Mẫu của mẹ và con vẫn cho kết quả như lần trước. Riêng mẫu của người bố (gồm tóc và niêm mạc miệng) lại cho 2 kết quả khác nhau trên các mẫu khác nhau ở những lần phân tích khác nhau. Thậm chí cùng là mẫu tóc nhưng lại cho kết quả khác nhau trong những lần xét nghiệm, trong đó có kết quả xét nghiệm mẫu tóc cũng giống như ở một cơ sở phân tích khác trước đó, tức là không có quan hệ huyết thống cha - con; còn mẫu tế bào niêm mạc miệng và một số sợi tóc khác thì lại có kết quả giống như lần xét nghiệm đầu, có sai khác ở 3 chỉ số giống như nhiễm mẫu và không thể kết luận được. Đây là điều bất thường.
Để thận trọng hơn, các giám định viên tiếp tục phân tích cả hệ Y-Filer mối quan hệ theo dòng cha giữa mẫu của người bố và mẫu của người con. Việc phân tích quan hệ theo dòng cha dựa trên sự di truyền của nhiễm sắc thể Y (chỉ truyền từ bố cho con), kết quả cho thấy có quan hệ huyết thống theo dòng nội. Tuy nhiên, với kết quả này thì vẫn chưa đủ cơ sở kết luận vì theo lý thuyết, tất cả những người đàn ông trong một dòng tộc đều có đặc điểm di truyền trên nhiễm sắc thể Y (Haplotype) giống nhau.
Mặt khác, kiểu gen của người bố còn được so sánh với kiểu gen ông bà nội của đứa cháu trai và cũng cho thấy có sự khác biệt không có sự cho và nhận alen ở các locus gen. Vậy cháu bé có đúng là con đẻ của người bố hay không thì chưa thể kết luận được.
Giải mã hiện tượng “nhân mã” lần đầu phát hiện tại Việt Nam
Vụ việc đã thu hút sự quan tâm của toàn bộ cán bộ chiến sĩ của Trung tâm Giám định sinh học pháp lý bởi rất thực tế giám định ADN trong các vụ án, dù khó khăn đến mấy cũng được các giám định viên giải mã thành công. Kể cả khi đối tượng gây án đã cố tình xóa các dấu vết như đổ a-xít, hoặc giặt quần áo gây án có dính máu để phi tang, nhưng với trình độ chuyên môn cao cùng các thiết bị, máy móc phân tích hiện đại, các giám định viên đã tìm ra ADN của thủ phạm để lại trong quá trình gây án.
Còn ở vụ việc này, tuy không phải là án nhưng quả là một “bài toán” hóc búa đối với các giám định viên khi phân tích mẫu lại cho ra kết quả... chưa bao giờ gặp phải như vậy.
Một trong những giám định viên trực tiếp tham gia giám định vụ việc là Thiếu tá Lê Viết Việt, Phó Giám đốc Trung tâm. Dáng thư sinh, cách nói chuyện rất mô phạm, Thiếu tá Việt cho biết nếu không có bước chuyển công tác, chắc bây giờ anh đang là một thầy giáo dạy môn Sinh học. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê chiêm trũng Ninh Bình, yêu thiên nhiên, đam mê khám phá từ nhỏ, anh quyết tâm thi vào Khoa Sinh của Đại học Sư phạm I Hà Nội.
Tốt nghiệp đại học, Việt trở thành thầy giáo Sinh học ở một ngôi trường tại Từ Sơn (Bắc Ninh). Sau 6 năm giảng dạy, anh quay lại trường Sư phạm I, học tiếp cao học chuyên ngành Di truyền học. Luận văn thạc sĩ của anh nghiên cứu về đề tài gene người để nhận dạng cá thể người. Năm 2005, Lê Viết Việt về công tác tại Trung tâm Giám định sinh học pháp lý. Sau 5 năm làm trợ lý giám định, năm 2010, anh được bổ nhiệm Giám định viên sinh học.
Dẫn quá trình của Thiếu tá Việt ra như vậy, nghe có vẻ chẳng liên quan đến vụ việc giám định ADN đang gặp vướng mắc. Nhưng thực tế, “nút thắt” của vụ việc lại được tháo gỡ một phần do công của Thiếu tá Việt. Anh cho biết, quá trình nghiên cứu luận văn thạc sĩ và học thêm về nghiệp vụ giám định sinh học của ngành Công an, anh đã tự đọc rất nhiều tài liệu trong và ngoài nước. Trong đó, có tài liệu đăng trên một số tạp chí về di truyền học của nước ngoài về hiện tượng Chimerism (hay còn gọi là Chimera).
Trong thần thoại Hy Lạp, Chimerism là từ để gọi tên quái thú “nhân mã” (nửa người nửa ngựa), còn trong di truyền học, Chimerism là hiện tượng xảy ra ở người khi 2 trứng đã được thụ tinh (tức 2 phôi), có nghĩa là 2 phôi này có cấu trúc di truyền khác nhau lại kết hợp với nhau trong thời kỳ đầu của thai kỳ, mỗi hợp tử mang một bản sao của bố mẹ. Chính vì vậy mà hợp tử mới, sau này phát triển thành một cơ thể mới có cấu trúc di truyền khác nhau. Hoặc của một trứng đã thụ tinh với một tế bào thoái hóa trong quá trình phân chia.
Nói nôm na là hiện tượng “thai trong thai”. Bởi vậy, trong cơ thể có những mô mang tế bào của trứng A, mô khác lại mang tế bào của trứng B hoặc cả 2. Ngoài ra còn có hiện tượng Chimerism sinh đôi xảy ra khi 2 trứng được thụ tinh không kết hợp mà chỉ trao đổi tế bào và gene trong quá trình phát triển để tạo ra 2 cá thể riêng biệt. Khi đó thì một hoặc cả hai cá thể này mang 2 kiểu gene hoàn toàn khác nhau, điển hình là Chimerism máu.
Một hiện tượng khác nữa của Chimerism là micro Chimerism, nó xảy ra khi xuất hiện một lượng nhỏ tế bào có nguồn gốc từ cá thể khác có sự khác biệt về gene với một cá thể vật chủ. Hiện tượng này xảy ra giữa mẹ và con thai kỳ. Các tế bào của mẹ qua nhau thai vào cơ thể con, ngược lại tế bào gốc của bào thai cũng có thể vào cơ thể mẹ.
Chính vì đã đọc tài liệu về hiện tượng Chimerism nên Thiếu tá Lê Viết Việt đã cùng các giám định viên trao đổi, hội thảo với nhau và các đồng nghiệp bên ngoài, cùng tìm hiểu thêm tài liệu và thống nhất cho rằng, đây có thể là hiện tượng “nhân mã” đã từng được phát hiện trên thế giới và được các nhà khoa học công bố.
Từ nhận định này, Trung tâm đã mời đại diện cả 2 bên gia đình nội ngoại của cặp vợ chồng tới giải thích cho họ hiểu đây là một hiện tượng khoa học, không có gì phải lo lắng, hoang mang để gia đình hợp tác, cung cấp mẫu một lần nữa nhằm có kết luận chính xác nhất. Lần này mẫu của người bố là máu và tinh trùng. Các mẫu trên được gửi một phần đến một cơ sở phân tích độc lập bên ngoài để so sánh và có cơ sở kết luận chắc chắn.
Kết quả lần này cho thấy cả Trung tâm Giám định sinh học pháp lý và cơ sở phân tích độc lập bên ngoài đều cho kết quả giống nhau. Đối với phân tích mẫu máu vẫn giống như khi phân tích các mẫu tóc và tế bào niêm mạc miệng ở các lần phân tích thứ nhất và thứ 2, nghĩa là có 3 alen ở các locus gene khác nhau. Riêng mẫu tinh trùng cho kiểu gene không có hiện tượng 3 alen mà thể hiện sự cho nhận đầy đủ các alen giữa bố và con.
Từ kết quả này, Trung tâm Giám định sinh học pháp lý (Viện Khoa học hình sự) khẳng định đây là hiện tượng Chimerism, một hiện tượng hiếm thấy và có lẽ là lần đầu được phát hiện nhờ phân tích ADN để xác định quan hệ huyết thống tại Việt Nam. Chính do hiện tượng Chimerism nên khi phân tích các mẫu khác nhau của cùng một người lại cho kết quả kiểu gene khác nhau là điều dễ hiểu.
Sau khi nhận kết quả và được các giám định viên giải thích cũng như cho xem các tài liệu nghiên cứu trên thế giới về hiện tượng Chimerism, người chồng cùng hai bên gia đình đã hiểu vì sao 3 kết quả xét nghiệm trước đó lại có sự khác nhau, đồng thời cảm ơn Trung tâm đã giúp họ giải tỏa được tất cả những khúc mắc từ trước đến nay.
Đặc biệt đối với người vợ, kết luận giám định ADN của Viện Khoa học hình sự đã giúp chị giải được nỗi oan không thể giải thích nổi, nếu như người chồng chỉ dựa vào 3 kết quả xét nghiệm trước.
Đối với các giám định viên sinh học trong lĩnh vực ADN, vụ việc đặc biệt này cũng giúp họ có thêm hiểu biết và kinh nghiệm giải quyết trong những trường hợp phức tạp như trên, đặc biệt những trường hợp liên quan đến truyền máu, ghép mô tạng, ghép tủy và các dấu vết hình sự khác.
Trên thế giới, hiện tượng Chimerism đã được phát hiện và công bố, như trường hợp bà Karen Keegan, 52 tuổi, ở Boston (Mỹ) được phát hiện là Chimerism khi tiến hành các xét nghiệm bà và 3 người con để xem ai có thể hiến tặng thận cho mẹ để ghép. Kết quả thật bất ngờ là 2 trong số 3 người con của bà không phải là con đẻ của mình.
Sau hàng loạt các xét nghiệm được tiến hành như hệ thống nhóm máu, hệ HLA, di truyền tế bào học, giới tính... nhóm các nhà khoa học đã kết luận bà Karen là hiện tượng Chimerism.
Một trường hợp khác là cô Lydia Fairchild, 26 tuổi, ở Washington, viết đơn xin trợ cấp hằng tháng cho các con mình gửi nhà chức trách nơi cư trú, nhưng đề nghị này không được chấp nhận với lý do khi xét nghiệm ADN cho thấy những đứa con này không phải của Lydia.
Cuối cùng, sau hàng loạt xét nghiệm được tiến hành bởi các bác sĩ, đã kết luận Lydia là trường hợp Chimerism.
Hương Vũ (ANTG)