Giải pháp để giảm thiểu tỷ số giới tính thai nhi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với chủ đề “kiểm soát có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh vì hạnh phúc của mỗi gia đình, vì sự phát triển bền vững của đất nước”, những năm qua, Gia Lai đã thực hiện hàng loạt các giải pháp nhằm giảm thiểu tỷ số giới tính thai nhi, tuy nhiên kết quả vẫn chưa như mong muốn.

Hiện nay, tỷ số giới tính ở Gia Lai là 107 bé trai/100 bé gái, trong khi cả nước là 112,3 bé trai/100 bé gái. Tính chung thì tỷ số giới tính của Gia Lai vẫn ở mức cho phép, song ở một số huyện, thị xã, thành phố thì tỷ số này có sự chênh lệch: TP. Pleiku là 108 bé trai/100 bé gái, Đak Đoa là 109 bé trai/100 bé gái, Đức Cơ 112 bé trai/100 bé gái…  

 

Phụ nữ trao đổi về những hệ lụy khi mất cân bằng giới tính thai nhi. Ảnh: Đ.Y
Phụ nữ trao đổi về những hệ lụy khi mất cân bằng giới tính thai nhi. Ảnh: Đ.Y

Vậy làm gì để giảm thiểu sự mất cân bằng giới tính thai nhi? Một trong những nguyên nhân chính là do các gia đình vẫn còn tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, nhất là ở các cặp vợ chồng khi có kinh tế khá giả thì tìm mọi cách để “có nếp có tẻ”. Ngoài ra, sự can thiệp của y học hiện đại trong việc lựa chọn giới tính thai nhi ngày càng dễ dàng cũng làm cho tỷ lệ mất cân bằng giới tính thai nhi trở nên nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, việc thực thi luật pháp trong việc lựa chọn giới tính thai nhi bằng y học chưa nghiêm cũng là những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên.

Những năm qua, tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc ngăn chặn tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính thai nhi, như Nghị quyết số 36/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh, Quyết định số 95 của UBND tỉnh ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia dân số-KHHGĐ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015 và Quyết định số 131 của UBND tỉnh ban hành về kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2015 của tỉnh Gia Lai về thực hiện chiến lược dân số-sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Theo đánh giá của bà Đinh H’Nghĩa-Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh thì: Gia Lai cũng như cả nước sẽ rơi vào tình trạng “thừa nam, thiếu nữ” trong vòng 10-15 năm nữa. Nếu không ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng này thì nước ta nói chung cũng như tỉnh ta nói riêng cũng sẽ giống như Hàn Quốc, Đài Loan phải “nhập khẩu” cô dâu. Vì vậy, giảm thiểu tỷ số giới tính thai nhi phải được thực hiện đồng bộ các giải pháp, từng bước xóa bỏ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.  

Để làm được điều này, công tác tuyên truyền, vận động được đánh giá là giải pháp hiệu quả nhất. Năm 2013, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin truyền thông, cụ thể là Báo Gia Lai và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh mở chuyên mục tuyên truyền về nâng cao chất lượng dân số, trong đó từng bước vận động tuyên truyền làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái.

Đồng thời, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, tham mưu cho cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm... Theo đó, trước hết phải xây dựng và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái để nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính thai nhi.

Hơn nữa, công tác tuyên truyền phải được thực hiện đồng bộ từ nhiều phía, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cùng phải vào cuộc để chỉ đạo tuyên truyền bằng những cách làm cụ thể phù hợp với đặc điểm của địa phương. Cần thiết phải có sự tham gia của các đoàn thể, nhất là đoàn viên thanh niên, để từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về việc sinh con một bề. Bên cạnh đó, cần tăng thêm nguồn kinh phí để hỗ trợ cho việc tuyên truyền, vận động nhằm giảm thiểu tỷ số giới tính thai nhi.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm