(GLO)- Để giúp doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành kiểm tra, tổng hợp các khó khăn của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cũng như quá trình triển khai các dự án để từ đó tìm ra những giải pháp tháo gỡ để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Doanh nghiệp tự cứu mình trước
Một trong những nguyên nhân đẩy doanh nghiệp vào khó khăn chính là năng lực của chính họ. Năng lực nói rộng ra là vốn, thiết bị và đội ngũ quản lý… Rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dù muốn làm ăn lớn nhưng năng lực lại rất hạn chế. Tài sản đôi khi chỉ là một vài chiếc xe ben, một máy đào, một máy ủi. Tuy nhiên một khi đã đấu thầu trúng nhiều công trình xây dưng giao thông thì vấn đề còn lại là tính toán phương án thi công. Một khi máy móc thiết bị ít, việc làm sao bảo đảm tiến độ lại là bài toán khó.
Ảnh: Ngọc Linh |
Do số lượng máy móc chỉ có vậy nên buộc phải chờ xong công trình này mới điều thiết bị sang công trình khác. Để “chạy” tiến độ kịp với quy định, không còn cách nào khác là doanh nghiệp phải thuê máy móc thiết bị từ nơi khác. Điều đó khiến chi phí tăng cao ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Một nguyên nhân nữa khiến doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp thương mại) gặp khó khăn là bởi đa số họ sống nhờ vốn “bơm” từ các ngân hàng. Khi mà Chính phủ thắt chặt tín dụng cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp “mượn đầu heo nấu cháo” thiếu vốn trầm trọng. Thời điểm giữa năm 2011, lãi suất vay các ngân hàng thương mại lên đến trên 20%/năm. Điều đó cũng đồng nghĩa doanh nghiệp được vay cũng “chết” mà không vay cũng “chết”. Vay lãi suất cao lấy đâu lợi nhuận để trả nợ đã là khó, còn không vay lấy đâu ra vốn để xoay xở lại càng khó hơn!
Nguyên nhân thứ ba không kém phần quan trọng là chất lượng đội ngũ quản lý doanh nghiệp. Rất nhiều công trình thi công xong chưa bàn giao đã xuống cấp nghiêm trọng nên doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản tiền lớn để khắc phục. Lỗi này một phần do doanh nghiệp làm ăn gian dối, số còn lại do đội ngũ quản lý chất lượng kém về năng lực.
Tóm lại, trong khi trông chờ những chính sách tháo gỡ của Nhà nước, các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao năng lực như là điều kiện tiên quyết để tự cứu mình.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp
Các doanh nghiệp đều nhận thấy phải tự cứu mình nhưng họ không thể tự mình đứng lên một cách bền vững nếu không có những cơ chế, chính sách thông thoáng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề lãi suất ngân hàng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc Ngân hàng nhà nước thực hiện mục tiêu phấn đấu hạ trần lãi suất xuống 12%/năm để tiến đến thực hiện mục đích giảm dần lãi suất cho vay xuống còn 14-16%/năm được xem là tín hiệu vui. Tuy nhiên đấy là chuyện của tương lai vì hiện tại ngân hàng chưa thể giảm ngay bởi theo lý giải của họ: Do đã trót huy động vốn lãi suất trần 14%/năm, nếu muốn thực hiện giảm lãi suất vay phải cần có thời gian! Vậy là doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp lại phải chờ! Mà thời điểm này, khó khăn của doanh nghiệp đang diễn ra từng ngày, từng giờ!
Ngoài ra công tác nghiệm thu, thanh toán và điều chỉnh giá của các chủ đầu tư ở một số dự án quá chậm cũng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khiến nợ đọng lòng vòng do doanh nghiệp có rất nhiều khoản phải trả. Trong khi đó, muốn vay bổ sung vốn lưu động, doanh nghiệp mất nhiều thời gian, phải trả lãi và phải thế chấp tài sản! Chưa hết, chuyện một số công trình do những nguyên nhân khách quan như thời tiết mưa bão bất thường, công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn… khiến chủ đầu tư phải tính đến việc cho phép kéo giãn tiến độ.
Tháo gỡ những vướng mắc trên cũng là cách cứu doanh nghiệp. Tuy nhiên có những giải pháp nằm ngoài tầm chỉ đạo của tỉnh như vấn đề lãi suất vay ngân hàng. Và như vậy, mục tiêu tìm giải pháp cứu doanh nghiệp không thể chỉ trông chờ vào những chỉ đạo của UBND tỉnh.
Hà Ngọc Chính