Kinh tế

Tài chính

Giảm lãi suất điều hành góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc giảm mạnh các mức lãi suất cho thấy nhà điều hành sẵn sàng cung ứng nguồn vốn chi phí thấp hơn để các ngân hàng mạnh dạn hơn trong cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới.
 

Giảm lãi suất điều hành sẽ điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp tục có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)




Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành chủ chốt có hiệu lực từ ngày 13/5. Đánh giá về động thái này, các chuyên gia khẳng định đây là bước đi rất đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh hiện nay, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước.

Từ khi dịch COVID-19 xảy ra tại Việt Nam, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai các giải pháp điều hành kịp thời, có hiệu quả nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế, giảm thiểu tác động của dịch COVID-19.

Quan điểm điều hành chính sách tiền tệ xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước là đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ giảm lãi suất trong giai đoạn hiện nay trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, mục tiêu kiểm soát lạm phát và an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), cho biết tiếp theo đợt điều chỉnh lãi suất tháng Ba, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân giảm chi phí vay vốn, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi VND các kỳ hạn dưới 6 tháng và trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Ông Hà phân tích, lãi suất được điều chỉnh trên cơ sở đánh giá diễn biến thị trường quốc tế, nhiều Ngân hàng trung ương thực thi các biện pháp nới lỏng định lượng, cắt giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua suy thoái.

Ở trong nước, nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục tạo dư địa điều hành chính sách tiền tệ cho Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh thị trường tiền tệ và ngoại hối ổn định, lạm phát có khả năng được kiểm soát theo mục tiêu, tăng trưởng kinh tế bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19.

“Quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước nêu trên cùng với việc quyết liệt chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay một cách bền vững thời gian tới, góp phần tích cực giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế,” ông Hà nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, quyết định hạ lãi suất cơ bản và một loạt lãi suất điều hành lần thứ 2 trong năm nay thực sự là động thái rất quyết liệt và mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế cũng như thực hiện nghiêm túc theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng động thái giảm lãi suất điều lần này tạo ra hiệu ứng giảm lãi suất tới các tổ chức tín dụng, qua đó hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này cũng cho thấy khả năng kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn và trung hạn là khá tốt.


 

Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)



Còn Tiến sỹ Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia thì cho rằng đây là bước đi cần thiết, thích hợp ở thời điểm hiện tai, thể hiện sự cẩn trọng của Ngân hàng Nhà nước, bởi một mặt vừa đảm bảo ổn định vĩ mô, mặt khác vẫn tạo dư địa ít nhiều để tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi dịch qua đi. Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh lãi suất tái cấp vốn cho thấy nhà điều hành sẵn sàng cung ứng nguồn vốn chi phí thấp hơn để các ngân hàng thương mại mạnh dạn hơn trong cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới.

Ông Thành phân tích thêm, việc lần thứ 2 giảm mạnh lãi suất các mức có ý nghĩa rất quan trọng đối với doanh nghiệp, nền kinh tế. Bởi kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, các cơ hội sản xuất kinh doanh dần mở ra thì rõ ràng nhu cầu tín dụng tăng lên. Và việc hạ lãi suất chung cũng như tiếp tục gia tăng các gói tín dụng ưu đãi của ngân hàng thương mại chắc chắn có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình dần hồi phục và có thể tạo sức bật cho nền kinh tế thời gian tới.

Cũng đồng quan điểm, ông Ngô Đăng Khoa-Giám đốc toàn quốc Khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn của HSBC, nhận định quyết định này sẽ tạo môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng thích ứng giúp tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp tục có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp cận nguồn vốn rẻ thông qua hạ lãi suất cho vay và giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, đưa hoạt động kinh doanh sản xuất trở lại trạng thái bình thường và từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song song với kiềm chế lạm phát.

"Thanh khoản thị trường tiền tệ từ đó được dự báo tiếp tục duy trì ở trạng thái dồi dào, mặt bằng lãi suất đươc duy trì ở trạng thái ổn định. Trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn nhiều nút thắt, chính sách tiền tệ được kỳ vọng sẽ hỗ trợ kịp thời trong hỗ trợ nền kinh tế," ông Khoa nói.

Quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong bối cảnh Việt Nam cơ bản đang đẩy lùi và kiểm soát chặt dịch bệnh, Thủ tướng và Chính phủ đã đề nghị doanh nghiệp và người dân trở lại công việc bình thường trong trạng thái mới nhằm thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội. Chính vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước hạ một loạt lãi suất điều hành vừa là động lực đồng thời mang tính chất định hướng tạo điều kiện cho kinh tế dần hồi phục.

 


 Ngày 12/3, Ngân hàng Nhà nước đã có các quyết định điều chỉnh lãi suất cho vay, lãi suất tái chiết khấu... với mức điều chỉnh giảm 0,5%/năm so với trước đó.

Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở (lãi suất OMO) từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên (5 lĩnh vực ưu tiên) giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

Trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm còn trần lãi suất tiền gửi từ không kỳ hạn đến dưới 1 tháng giảm từ 0,5% xuống 0,2%/năm.



Theo Thúy Hà (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm