Giảm mạnh số lượng xã, phường có ma túy, mại dâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

10 năm qua, chính sách về phòng, chống ma túy, mại dâm có nhiều đổi mới, trong đó, việc xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh (XPLM) luôn là mối quan tâm chỉ đạo, là một nhân tố quyết định sự thành bại của phòng, chống tệ nạn xã hội.
 

Từ ngày 3 đến 5-11, tại TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch 01, hướng dẫn thực hiện Nghị định 136/2016/NĐ-CP và góp ý dự thảo Nghị định Cai nghiện tự nguyện.
 

Ảnh minh họa

Tham dự hội nghị có đại diện của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ VHTT&DL, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - 4 đơn vị ký Nghị quyết liên tịch 01/2005 về “Quy định và hướng dẫn nội dung hoạt động, phân loại, đánh giá công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm”, cùng đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, 10 năm qua, chính sách về phòng, chống ma túy, mại dâm có nhiều đổi mới, trong đó việc xây dựng XPLM luôn là mối quan tâm chỉ đạo, là một nhân tố quyết định sự thành bại của phòng, chống tệ nạn xã hội.

Phân loại, chấm điểm đánh giá sự chuyển hóa của xã, phường, thị trấn qua 10 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 cho thấy (so sánh năm 2006 với năm 2015) nhiều kết quả khả quan trong xây dựng XPLM.

Số XPLM không có tệ nạn ma túy, mại dâm tăng chiếm tỉ lệ 27% (17/63 tỉnh, thành phố). Cụ thể: TPHCM 176 xã phường (2006) tăng lên 213 xã phường (2015), Sơn La con số tương ứng là 9/103, Tiền Giang 88/133, Hà Nội 23/45, Phú Thọ 98/117, Quảng Ninh 2/12...

Số xã, phường trọng điểm về tệ nạn ma túy giảm chiếm tỉ lệ 37% (23/63 tỉnh, thành phố). Cụ thể: Hải Dương giảm từ 3 xuống 1 xã, phường trọng điểm về tệ nạn ma túy, Tuyên Quang 10/2, Nam Định 34/12, Đà Nẵng 8/1, Long An 11/0, Khánh Hòa 11/0, Cao Bằng 5/0, Bà Rịa-Vũng Tàu 5/4…

Số xã, phường trọng điểm về tệ nạn mại dâm giảm chiếm tỉ lệ 37% (23/63 tỉnh, thành phố). Cụ thể: Hà Nội 9/0, Hải Phòng 8/5, Nam Định 7/2, Đã Nẵng 14/0, Sơn La 10/0, Trà Vinh 10/0, An Giang 7/0, Quảng Ngãi 10/2, Bình Thuận 10/6…

Số xã, phường trọng điểm có cả tệ nạn ma túy, mại dâm giảm chiếm tỉ lệ 14% (9/63 tỉnh, thành phố). Cụ thể: Phú Thọ 10/5, Kon Tum 5/2, Lâm Đồng 23/12, Tuyên Quang 3/1, TPHCM 23/12…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết, hiện nay, chúng ta đang đổi mới công tác phòng, chống mại dâm và cai nghiện ma túy, do đó, công tác xây dựng XPLM không có tệ nạn ma túy, mại dâm cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức mới. Việc đánh giá, tổng kết công tác xây dựng XPLM trong 10 năm qua cũng như đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp mới trong thời gian tới là rất cần thiết.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, cần đánh giá một cách khách quan về kết quả đã đạt được sau 10 năm thực hiện công tác xây dựng XPLM, những nội dung, cách làm, mô hình tốt cần tiếp tục duy trì, nhân rộng. Đồng thời, xác định rõ những tồn tại, khó khăn, nguyên nhân của các tồn tại, các thách thức trong công tác xây dựng XPLM hiện nay. Những vấn đề còn vướng mắc và đề xuất, kiến nghị cụ thể với các bộ, ngành, Chính phủ để tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện công tác này trong thời gian tới...

Tại hội nghị, Bộ LĐTB&XH cũng hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định 136/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 221/2013/NĐ-CP nhằm kịp thời giúp địa phương khắc phục khó khăn trong việc đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và xin ý kiến góp ý Nghị định Cai nghiện tự nguyện.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm