Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 26-7, đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Văn Phúc- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội làm trưởng đoàn đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai tại Gia Lai. Làm việc với đoàn có ông Đào Xuân Liên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh.
 

Ảnh: Tiến Dũng

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trên cơ sở Luật đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, từ năm 2004 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn. Các quyết định hành chính về đất đai được ban hành đều đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền. Qua đó, công tác quản lý đất đai đã đi vào nề nếp, việc sử dụng đất có hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh vẫn có những diễn biến phức tạp. Tính từ năm 2004 đến năm 2011, toàn tỉnh đã tiếp nhận 2.766 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân trong lĩnh vực đất đai, trong đó có 2.357 đơn thuộc thẩm quyền xử lý. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngàng giải quyết kịp thời các đơn thư không để tồn đọng. Qua đó, các cấp, ngành đã kiến nghị trả lại, bồi thời về đất và hỗ trợ công khai hoang cho công dân với tổng số tiền gần 2,6 tỷ đồng, trên 3.000 m2 đất ở, 24.746 ha đất; ngoài ra, đã kiến nghị và thu hồi cho Nhà nước trên 2,3 tỷ đồng, 2.690 m2 đất ở, trên 17 ha đất nông nghiệp và 20 ha đất rừng…

Trên cơ sở những vướng mắc, khó khăn đang gặp phải, UBND tỉnh cũng đã đưa ra một số kiến nghị với đoàn giám sát về việc sửa đổi Luật đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, cần điều chỉnh thẩm quyền giải quyết tranh chấp, khiếu kiện về đất đai theo hướng, cơ quan ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính có trách nhiệm giải quyết lần đầu, nếu còn khiếu nại thì chuyển sang tòa án giải quyết nằm đảm bảo tính khách quan và tiết kiệm thời gian; cần xây dựng bảng giá đất có thời gian ổn định từ 3 năm đến 5 năm; cần sửa đổi cơ bản Luật đất đai hiện hành cho phù hợp với thực tiễn.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Phúc cho biết sẽ ghi nhận và phản ánh những kiến nghị của tỉnh Gia Lai với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Trước đó, vào sáng cùng ngày đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai tại TP. Pleiku.

Tiến Dũng
 

Có thể bạn quan tâm