Gian nan cuộc chiến phòng-chống HIV/AIDS

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 20 năm trước, tỉnh Gia Lai phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên. Đến nay, căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS đã gieo rắc cái chết đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù công tác phòng-chống HIV/AIDS đã được triển khai rộng khắp nhưng số người nhiễm HIV vẫn không ngừng gia tăng.

Thảm cảnh đau lòng!

Căn nhà nhỏ nằm lẩn khuất phía cuối khu vực các hộ dân lao động ở ngoại vi phố huyện càng lạnh lẽo hơn kể từ ngày mọi người biết tin gia đình chị D. bị HIV/AIDS. Cứ nhìn ánh mắt lấm lét của bà con lối xóm mỗi khi đi qua cổng nhà mình, kể từ ngày chồng chị lìa trần với một cách thức chôn cất đặc biệt, thì chị D. cũng đau đớn ý thức được điều gì đang đợi mẹ con mình ở phía trước.

 

Cán bộ y tế tuyên truyền phòng-chống HIV/AIDS. Ảnh: Trần Đức

Năm 2010, sau cơn thất bát của mùa cà phê đại hạ giá khiến nhiều gia đình điêu đứng, 2 ha cà phê kinh doanh-nguồn sống duy nhất của 3 miệng ăn trong gia đình chị D. cũng theo đó biến mất. Lúc này, người chồng xốc vác của chị phải rời mái nhà thân yêu để đi làm thuê kiếm sống. Cuộc sống tạm bợ, xa nhà biền biệt, thiếu thốn tình cảm đã làm cho người đàn ông có lúc không giữ được mình… Rồi một hôm chị D. giật mình phát hiện ra chồng mình dễ sút đến gần chục ký, người lại có nhiều đám mẩn đỏ, thi thoảng còn ho và đi cầu ra máu. Chị ép anh đến bệnh viện khám thì mới biết anh B. bị nhiễm HIV giai đoạn cuối.

Những ngày lủi thủi chăm sóc chồng cũng là chuỗi ngày chị D. sống trong nơm nớp lo sợ cho số phận của bản thân mình và đứa con gái đầu lòng mới hơn 7 tuổi. Rồi còn cái thai trong bụng chị sắp đến ngày sinh nở…

Nỗi sợ hãi của chị trở thành nỗi kinh hoàng khi mới đây chị đến bệnh viện sinh đứa con thứ 2 thì mẫu xét nghiệm máu của chị cho kết quả dương tính. Những ngày ở viện chị lén đưa đứa con đầu đi xét nghiệm máu, khi nhận kết quả mắt chị như tối sầm. Đầu năm 2015 thì anh B. mất. Chị D. đã có lần đau đớn muốn tự kết liễu cuộc đời, nhưng nhớ lại những lời động viên an ủi của các cán bộ y tế thi thoảng ghé nhà thăm hỏi, hướng dẫn uống thuốc ARV kháng vi rút đều đặn, bày cách chăm sóc bản thân và đứa con mà cố sống với niềm hy vọng mong manh về sự sống của 2 đứa bé.

Cuộc chiến phòng-chống AIDS còn gian nan

Để đối phó với đại dịch, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng-chống HIV/AIDS từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Hàng năm, Ban Chỉ đạo phòng-chống HIV/AIDS các cấp đã tổ chức tuyên truyền, vận động phòng-chống lây nhiễm HIV/AIDS trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các buổi nói chuyện, tập huấn, các cuộc thi tìm hiểu… thu hút hàng chục ngàn người tham gia.

Ngành Y tế ký kết phối hợp hành động với các sở, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội để cùng chung trách nhiệm, lồng ghép hoạt động phòng-chống HIV/AIDS vào nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị. Trung tâm Phòng-chống HIV/AISD tỉnh tổ chức xét nghiệm giám sát, phát hiện và xét nghiệm giám sát trọng điểm cho gần 8.000 mẫu máu để phòng tránh HIV; đồng thời, đảm bảo an toàn truyền máu cho tất cả các bệnh nhân điều trị tại cơ sở y tế. Tổ chức 1 phòng tư vấn, xét nghiệm tự nguyện miễn phí trên cơ sở đảm bảo bí mật thông tin cá nhân người đến khám (giấu tên người nhiễm HIV). Bệnh viện Đa khoa tỉnh cung cấp đầy đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV. Hệ thống y tế cơ sở chịu trách nhiệm thường xuyên đến thăm khám, tư vấn, động viên và chăm sóc sức khỏe cho những người bị nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng.

 

Việt Nam cam kết hưởng ứng mục tiêu của 90-90-90 của Liên hợp quốc về HIV/AIDS gồm: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

Mặc dù công tác phòng-chống HIV/AIDS đã được triển khai một cách sâu rộng, thế nhưng số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn vẫn không ngừng gia tăng. Năm 1993, tỉnh Gia Lai phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên trên địa bàn. Hơn 20 năm sau, con số người bị nhiễm đã lên 1.278 người, trong đó 441 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 260 người đã chết. Có 151/222 xã ở 17 huyện, thị xã, thành phố có người nhiễm HIV. Thành phố Pleiku, thị xã An Khê, huyện Phú Thiện, Chư Sê, Chư Pah là các địa phương có số người nhiễm HIV cao nhất. Hầu hết những người nhiễm HIV là thanh niên từ 20 đến 39 tuổi và thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao (gái mại dâm, nghiện chích ma túy). Đó mới chỉ là những trường hợp được phát hiện và quản lý, còn thực tế ngoài xã hội có thể còn nhiều hơn nữa. Và, số người nhiễm HIV được phát hiện trên địa bàn đa số có chỗ ở không cố định nên nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao.

Bên cạnh đó, cộng đồng còn nặng tâm lý kỳ thị, xa lánh người nhiễm HIV. Chính vì thế người bệnh vẫn còn mang nặng tâm lý e ngại, giấu bệnh. Do đó số người bệnh được xem là  “mất dấu” mà ngành Y tế không quản lý được vẫn còn tới hàng trăm người, là nguồn lây nhiễm cao cho cộng đồng. Các câu lạc bộ “Bạn giúp bạn”, “Nhóm giáo dục đồng đẳng” vẫn chưa được thành lập. Người bị nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn vẫn chưa có được “mái nhà chung” mà ở đó họ được sống trong sự cảm thông và chia sẻ.

Cùng với đó, nguồn kinh phí của chương trình phòng-chống HIV/AIDS ngày càng bị cắt giảm đi nhiều; cơ sở điều trị cho người nghiện ma túy bằng dung dịch uống thay thế là methadone nhằm giảm lây nhiễm HIV do dùng chung bơm kim tiêm khi chích ma túy vẫn chưa đi vào hoạt động… đang gây khó khăn cho công tác phòng-chống HIV/AIDS.   

Trần Đức

Có thể bạn quan tâm