Gian nan đường tới… nông thôn mới ở Ia Yeng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, những năm qua, Ia Yeng (huyện Phú Thiện) đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành. Dù vậy, sau 2 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của xã vẫn chưa có gì đổi mới.

Nhiều tiêu chí khó đạt

Ông Ia Miah- Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã cho biết: là xã điểm của tỉnh, mục tiêu đến năm 2015 phải đạt được 60-75% tiêu chí nông thôn mới nhưng hiện xã mới chỉ đạt được 2/19 tiêu chí là tiêu chí hệ thống tổ chức chính trị và an ninh chính trị. 17 tiêu chí còn lại đang được triển khai thực hiện nhưng tiến độ rất chậm, nhiều tiêu chí khó đạt vào năm 2015. Trong đó, khó thực hiện nhất là giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhà ở, chuyển dịch cơ cấu lao động, giao thông, thủy lợi…

 

Phần lớn các con đường liên thôn xã bị xuống cấp, chưa được bê tông hóa. Ảnh: Hồng Thương
Phần lớn các con đường liên thôn xã bị xuống cấp, chưa được bê tông hóa. Ảnh: Hồng Thương

Theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2012, hiện xã Ia Yeng có 501 hộ nghèo theo tiêu chí mới, chiếm 47 % trong tổng số 1.057 hộ trên toàn xã (trong đó đồng bào dân tộc chiếm 95%). Như vậy để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7% vào năm 2015 đối với xã Ia Yeng là điều rất khó thực hiện bởi nhiều nguyên nhân khó khắc phục như: trình độ sản xuất thấp, thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, hình thức canh tác manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất mang tính tự cung, tự cấp, hợp tác xã nông nghiệp được thành lập, kiện toàn nhưng hoạt động không hiệu quả, xã không có doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn và không có đường giao thông liên xã nên nông sản bà con làm ra luôn bị tư thương ép giá…

Bên cạnh tiêu chí hộ nghèo, tiêu chí nhà ở cũng khó thực hiện đối với xã Ia Yeng. Toàn xã còn 60 căn nhà dột nát và phần lớn những căn nhà còn lại đều tạm bợ, kết cấu không đảm bảo 3 cứng như mái cứng, khung cứng và nền cứng. Đặc biệt, các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sinh hoạt như điện, nước sạch, giao thông vẫn còn thiếu trầm trọng. Trong 10 thôn, làng của xã, làng Bir được thành lập từ năm 2010 với 82 hộ nhưng đến nay vẫn chưa có điện, nước sạch và không có đường vào làng nên chỉ còn 66 hộ bám trụ tại làng.

Tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động cũng đang là một bài toán khó đối với xã Ia Yeng. Theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 12 quy định các xã thực hiện chuyển dịch tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp dưới 30%. Tuy nhiên với một xã thuần nông có đến 90 % lao động nông thôn, không có nghề phụ, dịch vụ thương mại không phát triển thì Ia Yeng rất khó để chuyển dịch tỷ lệ lao động này xuống mức chuẩn quốc gia.

Ngoài ra, còn rất nhiều tiêu chí khó thực hiện đạt chuẩn vào năm 2015 như tiêu chí thủy lợi, giao thông nông thôn, y tế, giáo dục, bưu điện. Vì phần lớn các tiêu chí này mới bắt đầu được triển khai. Trong khi đó, hầu hết các kênh mương tưới tiêu bị hư hỏng nặng, không đảm bảo tưới tiêu cho hoa màu; đường giao thông nông thôn xuống cấp trầm trọng; nhiều hạng mục như nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, trạm y tế vẫn chưa được nâng cấp, xây mới…

Khó huy động sức dân

Tính đến nay, xã Ia Yeng đã đầu tư được 450 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn, xây nhà trẻ và mua giống vụ mùa đông xuân cho người dân. Trong vận động nhân dân đóng góp làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng mới chỉ được 30 triệu đồng để nâng cấp 3,5km đường nội đồng và vận động người dân thôn Kte Lớn B tham gia hiến đất mở rộng đường ngõ xóm với tổng diện tích đất 300 m2. Đây là con số quá khiêm tốn so với thời gian hơn 2 năm thực hiện chương trình (từ năm 2010 đến năm 2012) và so với quy mô chương trình xây dựng nông thôn mới của một xã điểm.

Lý giải vấn đề này ông Ia Miah cho biết: xác định con người là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới nên thời gian qua chúng tôi cũng đã tích cực tuyên truyền các nội dung chương trình đến người dân qua các cuộc họp làng, họp xã. Nhưng do trình độ dân trí thấp nên đến thời điểm này người dân vẫn còn mơ hồ về khái niệm xây dựng nông thôn mới. Đa số người dân nghĩ rằng xây dựng nông thôn mới là do Nhà nước đầu tư hoàn toàn nên có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa thật sự chủ động hưởng ứng.

Bên cạnh đó, Ia Yeng là một xã đặc biệt khó khăn, đời sống người dân còn nghèo, tích lũy vốn không có nên xã rất khó khăn trong việc huy động nhân dân góp vốn xây dựng nông thôn mới.

Gặp trưởng thôn làng Bir, anh Siu Nghunh cũng thừa nhận: “Mình và bà con trong làng đã được nghe xã tuyên truyền về nông thôn mới rồi nhưng mình vẫn chưa hiểu được. Hiện tại làng mình cũng chưa có cái gì sao mà nói xây dựng nông thôn mới được, điện không, đường không, nước sạch cũng không có mà. Hy vọng là xây dựng nông thôn mới, Nhà nước sẽ đầu tư xây trường, làm đường, cung cấp điện, nước sạch cho làng mình”.

Chính vì chưa hiểu đúng bản chất của chương trình xây dựng nông thôn mới cùng với đời sống người dân quá khó khăn nên sau 2 năm thực hiện chương trình, xã Ia Yeng vẫn chưa huy động được sức dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Điều này khiến cho bộ mặt nông thôn của xã chưa có gì chuyển biến, tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới chậm và khó có thể hoàn thành mục tiêu vào năm 2015.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm