Kinh tế

Giao thông TP. Pleiku trên hành trình đô thị hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mặc dù TP. Pleiku (Gia Lai) được công nhận là đô thị loại II từ năm 2008, nhưng mạng lưới giao thông đô thị vẫn còn nhiều bất cập, trong khi tốc độ đô thị hóa của thành phố lại tăng khá nhanh: Tỷ lệ tăng dân số trung bình là 2,05%/năm; tốc độ tăng số lượng xe ô tô 10,8%/năm và xe máy các loại 21,6%/năm... Để xứng tầm một đô thị hiện đại, mạng lưới giao thông TP. Pleiku cần có được quy hoạch tổng thể và phát triển bền vững.
Hệ thống giao thông chưa đạt chuẩn
Một đô thị hiện đại thì mức trung bình về tỷ lệ tổng số quỹ đất dành cho giao thông đô thị phải đạt khoảng 20-25% tổng quỹ đất toàn thành phố. Trong đó, tỷ lệ đất cần thiết cho giao thông tĩnh (bến, bãi đỗ xe...) phải trên 3%. Tuy nhiên, tỷ lệ này của TP. Pleiku chỉ đạt 19,72% và tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh chỉ đạt 0,038% (bằng 1/10 so với yêu cầu).
Khi các phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh. Ảnh: Đ.T
Bên cạnh đó, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân (chủ yếu là xe gắn máy và mô tô) ở Pleiku tăng khá nhanh với khoảng 21,6% (cao hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của cả nước là 7,8%), số lượng xe gắn máy, mô tô đạt 0,53 xe/người, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (0,3 xe/người).
Điều này dẫn đến sự mất cân đối giữa hệ thống giao thông động và giao thông tĩnh của thành phố. Nhất là việc phân bố hệ thống bến, bãi đỗ xe, trạm dừng xe... chưa đồng đều, còn thiếu và không tiện lợi, chưa đáp ứng nhu cầu và chưa được quy hoạch quản lý một cách chặt chẽ. Các bãi đỗ, bến đỗ xe công cộng do Công ty Công trình Đô thị quản lý phải bố trí cả trên vỉa hè, lòng đường có mật độ giao thông thấp và kể cả những tuyến phố sầm uất của Pleiku như đoạn đường Lê Lai, Phan Đình Phùng, Nguyễn Văn Trỗi…
Bên cạnh đó, mặt đường chưa được bê tông hóa, nhựa hóa chiếm tỷ lệ cao. Thành phố còn tới 314,72 km đất/846,31 km tổng chiều dài đường phố (chiếm 37,19%), nhiều đoạn đường bị hư hỏng và xuống cấp trầm trọng, điển hình như đoạn đường Lê Đại Hành. Mật độ đường lại phân bố không đồng đều và có sự chênh lệch khá lớn giữa nội thành (6,66 km/km2) và ngoại thành (1,89 km/km2) khiến cho xu hướng tập trung dân cư trong nội thành gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc tổ chức giao thông và các dịch vụ xã hội.
Ngoài ra, việc bố trí các đèn tín hiệu giao thông còn hạn chế, chỉ có 26/218 nút được trang bị đèn tín hiệu điều khiển giao thông và 27/218 nút được trang bị đèn cảnh báo giao thông, trong khi khoảng cách bình quân giữa các nút giao thông (ngã ba, ngã tư) rất ngắn chỉ từ 50 mét đến 300 mét, dẫn tới tốc độ xe chạy chỉ đạt trung bình 15 km/giờ-25 km/giờ. Nhiều nút giao thông không đảm bảo tầm nhìn (do người dân xây dựng lấn chiếm hoặc chưa được đền bù giải tỏa) nên thường xuyên xảy ra tai nạn, tạo ra các “điểm đen” về tai nạn giao thông…
Cần quy hoạch và đầu tư đồng bộ
Mặc dù trong thời gian qua TP. Pleiku đã quan tâm đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo nhiều tuyến đường như: Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Tất Thành-các tuyến đường cùng có mặt cắt ngang giống nhau, lòng lề đường, nhưng tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh nên một số tuyến đường vành đai 1 như đường Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền, Tôn Đức Thắng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tôn,Nguyễn Chí Thanh trong tương lai không xa sẽ trở thành đường trục chính của đô thị. Những tuyến đường vành đai khác lại chưa được lưu thông, kết nối với hệ thống các đường vành đai nên vẫn còn có hiện tượng dòng xe tập trung vào khu vực nội thành gây ách tắc giao thông tại các cửa ngõ ra vào thành phố, ảnh hưởng đến tình hình môi trường cũng như nảy sinh các vấn đề tai nạn giao thông…
Đường vành đai Lý Thái Tổ bị xuống cấp trầm trọng. Ảnh: L.L
Vì vậy, để xây dựng Pleiku trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Gia Lai trước năm 2020 ngay từ bây giờ, cấp thiết phải quy hoạch một tuyến đường vành đai mới bao quanh và xa trung tâm thành phố. Đồng thời, thành phố cần quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng mặt đường, hè đường và hệ thống cống thoát nước; mở rộng các làn đường và phân luồng giao thông để tách dòng phương tiện hỗn hợp, tổ chức lại hệ thống đường một chiều. Song song cần bố trí lại hệ thống đèn tín hiệu giao thông phù hợp với lưu lượng của từng nút giao thông, tăng thời lượng hoạt động của đèn tín hiệu; nghiên cứu xây dựng hệ thống bãi đỗ xe máy, ô tô cá nhân phù hợp để tránh lấn chiếm lòng, lề đường.
Ngoài ra cần có nhiều chính sách ưu đãi để phát triển mạng lưới xe buýt, các phương tiện vận tải công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của nhân dân và giảm thiểu sự ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí…
Lê Lan

Có thể bạn quan tâm