(GLO)- Tôi đã đi qua nhiều làng quê Việt, dù thời gian có đổi thay nhưng cây đa, giếng nước, sân đình, điển hình của vùng quê Bắc bộ, một số nơi vẫn được gìn giữ bao đời. Có thể hôm nay nhiều nét đẹp của làng quê xưa không còn nữa nhưng có những di vật vẫn luôn tồn tại và đồng hành cùng cuộc sống người dân.
Giếng nước là gia tài thân thiết nhất với mỗi làng quê, mỗi gia đình Việt Nam. Trong quan niệm của người xưa, giếng nước không chỉ đơn thuần là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt mà còn được xem như một linh vật có thần bảo hộ nên nhiều nơi còn tục cúng thần giếng. Giếng càng lâu đời thì càng được cho là linh ứng và có những điều kiêng kỵ do gia đình, dòng họ hay lệ làng đặt ra.
Giếng cổ đời Trần ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Thanh Phong |
Có những giếng nước trải qua nhiều đời mà nước vẫn trong lành, không bao giờ cạn nhờ chọn đúng mạch nước tốt. Trong quan niệm người xưa, đó là điều phúc đức vì làng ấy, gia đình ấy ở vào vuông đất có long mạch. Người đời tin vào khoa phong thủy là vậy!
Mới đây, anh bạn tôi có đến tham quan khu Hoàng thành Thăng Long (sau khi khai quật) đã đem về tặng tôi một lọ nước trong veo và bảo đó là nước giếng cổ hơn ngàn năm, rất quý hiếm trong Hoàng thành mà các nhà khoa học xác định là giếng nước có từ thời Đại La (tức là Thành Đại La cũ, có trước kinh thành Thăng Long thời Lý) vào thế kỷ thứ IX từ Cao Biền trở về trước, để mà thờ. Như vậy, trong lòng bạn tôi vẫn còn một chút niềm tin của người Việt xưa là cái gì tồn tại qua nhiều thế hệ đều là linh vật, mà đây là linh vật trong Hoàng thành qua nhiều triều đại.
Tất nhiên, tôi tiếp nhận món quà nước giếng Thành Đại La như một vật báu... Không những có một giếng cổ này được phát hiện mà người ta còn tìm thấy hàng chục giếng cổ khác với cấu trúc khác nhau trong diện tích nhỏ khai quật ở Hoàng thành Thăng Long, được xác định niên đại rõ ràng, trong đó có giếng cổ đời Trần, Lê với kích thước và vật liệu khác nhau nhưng tất cả đều được thiết kế và xây dựng công phu, chắc chắn. Các giếng cổ này khi được khai quật đều còn tồn tại dường như nguyên vẹn với mạch nước vẫn trong lành như xưa, có thể dùng để uống. Qua đây, các nhà khoa học cho rằng, trình độ tìm ra mạch nước ngầm và kỹ thuật đào, xây giếng ngày xưa của người Việt đạt đến đỉnh cao.
Giếng cổ Tây Sơn. Ảnh: B.Q.V |
Xưa kia, vùng đồng bằng Bắc bộ, thường trong mỗi làng người dân chung sức nhau chọn thế đất thuận lợi, có mạch nước tốt để xây dựng giếng làng lấy nước dùng chung, ít dùng giếng gia đình như cư dân miền Trung. Giếng làng thường rất rộng, nông-sâu tùy thế đất và mạch nước ngầm, xung quanh được kè đá xanh từ tang giếng đến đáy giếng, có hàng rào bảo vệ không cho rác rưởi và gia súc, gia cầm rơi xuống, chỉ chừa một vài lối có bậc thang lên xuống để người trong làng lấy nước về dùng. Hiện nay, nhiều địa phương miền Bắc còn tồn tại một số giếng cổ này, tuy người dân không còn dùng nước để sinh hoạt nhưng ngành Văn hóa-Du lịch quản lý và đưa vào khai thác phục vụ du khách tham quan.
Tôi đã đến vùng Ninh Bình, dưới chân núi chùa Bái Đính cổ có một giếng Ngọc, đường kính rộng đến 30 mét, sâu 6 mét được cho là có từ thời Lý. Truyền thuyết cho rằng, một nhà sư đi tìm cây thuốc trên núi Bái Đính để chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông và ông đã dùng nước giếng này sắc thuốc cho vua uống. Người dân trong vùng xác nhận bao đời nay, nước trong giếng Ngọc chưa bao giờ vơi cạn. Cũng một loại giếng làng như thế, có thể kích thước rộng hơn mà tôi mục sở thị ở Lam Kinh-Thanh Hóa. Giếng cổ này nằm ngay trên đường vào ngọ môn của kinh thành có từ thời cụ Tổ của Lê Lợi khi ông về đây lập sơn trang.
Có lẽ cụ Tổ là người am tường phong thủy nên đã chọn thế đất để đào giếng làng này, ngoài việc lấy nước sinh hoạt cho cư dân trong vùng, nó còn như một huyệt đạo của long mạch, để rồi khiến cho con mắt rồng ấy tỏa sáng cả vùng Lam Sơn và hội tụ vượng khí cho dòng tộc nhà Lê hưng thịnh mấy đời.
Về phố cổ Hội An, khúc ruột miền Trung, chúng ta lại gặp khá nhiều giếng cổ có từ vài trăm năm trở lên, trong đó có nhiều giếng được xây theo phong cách người Chăm Pa xưa kia, tức là theo tín ngưỡng phồn thực linga-yoni, miệng giếng tròn, đáy giếng vuông, được xây bằng gạch nung, dưới đáy có chắn bằng gỗ lim. Theo các nhà nghiên cứu thì đó có thể là một số giếng của người Chăm còn sót lại, và cũng có thể sau này người Việt học theo cách của người Chăm để xây giếng nước cho mình. Hầu như các giếng cổ này hiện nay đều được người Hội An sử dụng cho việc ăn uống, sinh hoạt của gia đình. Nổi tiếng là giếng cổ Bá Lễ, có độ tuổi trên dưới ngàn năm, nơi cung cấp nước sạch cho nhiều gia đình ở Hội An trước đây cũng như ngày nay, khiến nơi phố cổ này đã từng hình thành nên lớp người gánh nước thuê.
Người dân nơi đây cho rằng, sở dĩ những món ăn truyền thống ở Hội An được du khách ái mộ như: cao lầu, mì Quảng, xí mà, chè đậu nành, chè hạt sen... chính là nhờ nấu từ nước giếng cổ. Tiếng lành đồn xa, du khách Tây về đây thăm phố cổ, tuy họ ở nhiều khách sạn sang trọng nhưng vẫn đòi các ông chủ phải cho sử dụng nước giếng cổ Hội An. Nếu nơi nào họ phát hiện chủ nơi ở sử dụng nước máy, tức thì khách xin... trả phòng. Đó là một nét đặc trưng của du lịch Hội An hôm nay. Tôi dong thuyền ra đến Cù Lao Chàm, cách Cửa Đại trên 15 hải lý để thăm thú thì cũng gặp giếng cổ trên 500 tuổi và cũng được xây theo phong cách Chăm. Mặc dù, nằm trên mỏm đảo cheo leo, bốn bề là biển mặn nhưng nước giếng cổ vẫn ngọt trong. Khách Tây, ta cứ thế xin múc nước giếng để uống, rửa mặt... lấy hên, bởi đó là linh vật.
Về Bình Định thăm lại giếng cổ của nhà Tây Sơn trong Bảo tàng Quang Trung. Các nhà nghiên cứu cho rằng trên nền đất của chính điện thờ các vị anh hùng Tây Sơn ngày nay là nền nhà cũ của ông bà, cha mẹ ba anh em Nguyễn Nhạc-Nguyễn Huệ-Nguyễn Lữ (cụ tổ của Tây Sơn Tam kiệt có gốc họ Hồ ở Nghệ An, sau vào Tuy Viễn mới đổi thành họ Nguyễn). Giếng xưa dường như còn nguyên vẹn được kết cấu bằng vật liệu đá ong, mạch nước vẫn tốt như năm nào.
Nhìn giếng nước, nơi đã từng tắm gội, nuôi dưỡng cho các bậc anh hùng thời niên thiếu cách đây đã hơn 2,5 thế kỷ khiến ký ức tôi trôi về quá khứ với những con người áo vải một thời lập nên chiến công vang dội, đánh Nam dẹp Bắc, đưa non sông nước Việt về một mối. Tôi múc gàu nước lên uống một mạch như khát tự bao giờ đã làm lòng tôi cảm thấy khoan khoái, mát rượi giữa cái nắng gắt miền Trung.
Bùi Quang Vinh