Kinh tế

Gieo trồng sớm: Giải pháp chống hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hạn hán xảy ra trên diện rộng và gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân từ thiếu nước sinh hoạt đến nước tưới cho cây trồng. Tuy nhiên, tại một số địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng-chống hạn và bước đầu mang lại hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra trong vụ Đông Xuân 2015-2016.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, trên địa bàn tỉnh có hơn 12.980 ha cây trồng các loại bị hạn. Trong đó, lúa nước bị hạn và thiếu nước hơn 4.158 ha (mất trắng 2.486 ha, hơn 829 ha giảm năng suất từ 30% đến 70%, 843 ha thiếu nước tưới), hơn 4.209 ha cà phê bị hạn (6,8 ha mất trắng, 4.203 ha thiếu nước tưới), hơn 1.486 ha hồ tiêu bị hạn (mất trắng 6,5 ha, thiếu nước tưới 1.480 ha), 2.314 ha mía bị hạn và giảm năng suất, 612 ha mì, hơn 109 ha bắp và gần 80 ha rau các loại… Để hạn chế thiệt hại, các địa phương đã chủ động chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp với tình hình nguồn nước, nạo vét kênh mương, đào ao, hồ tích nước, sử dụng các giống trung và ngắn ngày để tránh hạn về cuối vụ, đẩy lịch thời vụ sớm hơn so với mọi năm, hay chấp nhận loại bỏ những chân ruộng thường xuyên thiếu nước...

 

Những hộ dân ở huyện Đak Đoa chuyển qua trồng cây ngắn ngày chống hạn. Ảnh: L.N
Những hộ dân ở huyện Đak Đoa chuyển qua trồng cây ngắn ngày chống hạn. Ảnh: L.N

Với cách làm trên, vụ Đông Xuân này, huyện Ia Grai đã hạn chế được phần nào thiệt hại do hạn hán gây ra. Tại cánh đồng các xã: Ia Chía, Ia Dêr, Ia Pếch và Ia Tô…, từ khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, người dân đã đẩy lịch thời vụ lên sớm hơn khoảng 20 ngày nên đã tránh thiếu nước vào cuối vụ. Ông Huỳnh Văn Tới (thôn 2, xã Ia Tô) cho biết: “Nhờ gieo sạ sớm hơn nửa tháng nên đến thời điểm thiếu nước thì cây lúa đã trổ bông và hình thành hạt nên không bị ảnh hưởng. Hiện bà con đang chuẩn bị thu hoạch lúa Đông Xuân”. Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai cho biết thêm: “Để giảm thiểu thiệt hại cho bà con nông dân, ngay từ đầu vu, chúng tôi tổ chức rà soát đánh giá khả năng từng cánh đồng trước khi xây dựng kế hoạch sản xuất. Theo đó, huyện đã kiên quyết không cho sản xuất tại những cánh đồng thường xuyên thiếu nước (khoảng 200 ha tại các xã Ia Sao, Ia Hrung, Ia Dêr); đẩy lịch thời vụ lên sớm hơn khoảng 300 ha tại các xã Ia Dêr, Ia Pếch, Ia Chía…, do đó đã phần nào giảm thiểu được thiệt hại do hạn hán gây ra. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy lịch gieo sạ vụ mùa sớm hơn để tạo điều kiện cho vụ Đông Xuân tới có thể xuống giống sớm hơn nữa”.       

Thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán thường xuyên xảy ra nên giải pháp tích cực chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, thiếu nước sang trồng các loại cây ngắn ngày đang được nhiều địa phương, bà con nông dân áp dụng và đã mang lại những hiệu quả nhất định. Ông Siu Yu (làng Tao Ôr, xã Ia Ron, huyện Chư Pưh) đã chuyển diện tích lúa thường xuyên bị hạn sang trồng cây bắp lấy thân, gia đình đã thu hoạch và bán được hơn 1 triệu đồng. Hay như hộ bà Rơ Châm Blêh (làng Tốt, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) nhờ sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện đã chuyển đổi diện tích lúa nước thường xuyên bị hạn sang trồng bắp lai. Hiện diện tích bắp của gia đình bà đang phát triển tốt.

Được biết, vụ Đông Xuân 2015-2016, các địa phương đã tích cực chuyển đổi giống cây trồng tránh hạn được hơn 856 ha. Điển hình như TP. Pleiku chuyển hơn 144 ha sang trồng bắp, đậu nành, hoa, rau; huyện Mang Yang chuyển 87 ha sang trồng đậu, mì; huyện Chư Prông chuyển 190 ha sang trồng rau, đậu; huyện Chư Sê chuyển 148 ha rau, đậu; huyện Ia Pa chuyển 98 ha sang trồng đậu, thuốc lá; huyện Chư Pưh chuyển 45,8 ha trồng bắp lấy thân, đậu xanh; huyện Phú Thiện chuyển 30 ha trồng khoai lang… Tuy nhiên, để có thể đối phó được với tình hình hạn hán, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng, việc chuyển đổi phải đáp ứng yêu cầu về nguồn nước. Do đó, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp từ đầu tư, khai thác các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương đến quy hoạch phát triển sản xuất; thường xuyên kiểm tra duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, đập dâng, hồ chứa và có kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật sử dụng nước tiết kiệm…

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm