(GLO)- Kiên trì bám trụ nơi vùng đất mới, những hộ dân di cư từ nội thị ra “điểm kinh tế 17-3” ngày trước (nay thuộc phường Yên Thế, TP. Pleiku) đã vượt qua bao vất vả, khó khăn biến vùng đất hoang vu “nắng lún bụi, mưa sình lầy” trở thành khu dân cư trù phú. Những giọt mồ hôi mặn đắng ngày nào đã đơm mùa quả ngọt.
Những ngày “khai hoang, mở đất”
Lần mở ký ức của tháng ngày gian khó, ông Dương Lai (tổ 5, phường Yên Thế, TP. Pleiku) hồi tưởng về những gian nan, vất vả ngày đầu di dân ra định cư ở vùng đất hoang mang tên “điểm kinh tế 17-3”. Năm 1958, ông theo gia đình rời quê hương Quảng Ngãi lên Gia Lai lập nghiệp với những bỡ ngỡ của đứa trẻ nơi vùng đất lạ. Đến năm 1976, một lần nữa ông lại tiếp tục khăn gói cùng gia đình chuyển từ nội thị (phường Yên Đổ) đến vùng kinh tế mới ở ngoại vi thị xã Pleiku này, thực hiện chính sách giãn dân của tỉnh.
Đã 46 năm trôi qua, chàng thanh niên thuở ấy giờ đã là ông nội của mấy đứa cháu nhưng vẫn còn khắc nhớ những ngày đầu với bao gian nan, vất vả. Trên phần diện tích 1,5 sào đất được cấp, gia đình ông cũng như 183 hộ khác tận dụng vật liệu của ngôi nhà cũ chuyển ra để dựng lại nơi ở, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Lúc bắt tay vào sản xuất, vùng đất mới hiện ra trong mắt ông là khu đất hoang vu, cỏ mọc quá đầu người, những bụi le, cây dại mọc chằng chịt. Tận dụng 6 tháng lương thực được hỗ trợ, những thành viên trong gia đình ông bắt đầu hăm hở khai hoang trồng lúa rẫy, khoai lang, đậu phộng để giải quyết cái ăn trước mắt. Nhưng trái với những vui mừng chờ đợi, đến vụ thu hoạch, mỗi sào chưa đầy 2 tạ lúa. Bởi theo ông Lai, đất đai bạt ngàn nhưng cằn cỗi, lại không đủ nước tưới. Gia đình ông có 8 thành viên, nhưng chỉ có 4 người trong độ tuổi lao động nên được bố trí khoảnh đất sản xuất 4 ha, phần lớn diện tích này bị bỏ hoang. Vì vậy, thu nhập chính của những hộ di dân lúc này chủ yếu dựa vào nghề đào tìm phế liệu chiến tranh sót lại hay vào rừng đốn củi, đốt than.
“Điểm kinh tế 17-3” từ chỗ thưa thớt dân cư, nghèo khó, giờ đã phát triển từng ngày. Ảnh: Minh Nguyễn |
“Không điện, không nước, lúc đó nơi đây rất hoang vu. Trời nắng thì bụi lún đến quá mắt cá chân, mưa xuống thì lầy lội xe cộ không đi lại được. Thậm chí, một người ở đây có chiếc máy cày, ủi đất bằng phẳng rồi kêu các hộ đến nhận diện tích để làm, cho nợ đến khi nào có tiền thì trả. Chẳng những không ai mặn mà nghĩ đến chuyện sản xuất mà còn cho rằng người này bị “hâm”. Ông này tên Sinh nhưng bị các hộ dân “cà khịa” gọi là ông “Sinh sự”. Một số người không chịu nổi khắc nghiệt tại nơi ở mới nên bỏ cuộc, quay về nơi cũ hoặc di chuyển đến nơi khác sinh sống. Nhờ kiên trì bám trụ, quyết tâm chinh phục vùng đất hoang vu này, chúng tôi đã từng bước vươn lên làm chủ cuộc sống”-ông Lai nhớ lại.
Từ những ngôi nhà tạm bợ, đơn sơ, đường đất sình lầy nay đã là phố thị khang trang, nhà xây kiên cố rộng rãi mọc lên san sát, hạ tầng giao thông phát triển, điện, đường, trường, trạm hiện hữu. “Cuộc sống của bà con bây giờ khá gấp trăm lần hồi đó. Số người bám trụ lại đây nhiều gia đình có kinh tế khá, đặc biệt có hơn 60% là hộ giàu, thu nhập mỗi năm vài tỷ đồng; số còn lại thì thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng/năm”-ông Lai tự hào thông tin.
Số người bám trụ tại khu dân cư 17-3 ngày nay đều là những gia đình có kinh tế khá, nhiều hộ có thu nhập mỗi năm vài tỷ đồng. Ảnh: Minh Nguyễn |
Theo hồi ức của một trong những người đầu tiên khai hoang, mở đất, phải đến 10 năm sau, vùng đất này mới bắt đầu chuyển mình khi cây cà phê bám rễ, nở hoa nơi đất cằn. Bước ngoặt giúp kinh tế người dân khấm khá hẳn lên được đánh dấu bởi một sự kiện đặc biệt giữa năm 1991. Từ những phần đất cấp mà người dân bỏ hoang, một ngân hàng khi đó mượn lại 25 ha để chia cho cán bộ, công nhân viên tăng gia sản xuất. Kèm theo đó là việc tự nguyện hỗ trợ 25 triệu đồng để đầu tư kéo đường dây điện đến khu vực này. Có điện, người dân mua máy bơm tưới, cà phê phát triển, năng suất cao hơn, thu nhập gia đình theo đó cũng khấm khá dần. Nhiều hộ mở rộng quy mô sản xuất, cơ sở hạ tầng lúc này cũng được đầu tư hoàn thiện. Thấy vậy, người dân từ các nơi bắt đầu đổ về, chọn nơi này định cư, lập nghiệp. Chợ búa dần nhộn nhịp, nhà nối nhà mọc lên san sát, đường nhựa, bê tông trải dài, trường học, trạm xá khang trang. Từ chỗ có hơn 100 hộ dân thì nay khu dân cư này đã hơn 1.400 hộ, đa phần có đời sống sung túc hơn so với các điểm kinh tế khác”-ông Lai vui vẻ nói.
Hòa nhịp cuộc sống mới
Khác với ông Lai, anh Phạm Minh Khánh (SN 1974, tại trú tổ 4, phường Yên Thế) theo cha mẹ chuyển đến điểm kinh tế mới này lúc mới 2 tuổi. Ký ức tuổi thơ của anh là những ngày đi học về trên con đường đầy bụi đỏ, lấm lem bùn đất vì trượt ngã. Đó là tháng ngày cha mẹ anh oằn lưng trên ruộng rẫy nuôi 9 đứa con trong thiếu thốn, cực khổ trăm bề. Cũng từ điểm tựa này, các anh chị em không ngừng nhắc nhớ, bảo ban nhau phấn đấu vươn lên, giờ ai nấy cũng ăn nên làm ra, đều thành đạt ngay tại vùng đất mà ngày trước cha mẹ mình phải đánh đổi bởi bao mồ hôi công sức. Với khát vọng vươn lên làm giàu, từ việc lâu nay chỉ sống dựa vào cây cà phê, anh Khánh bắt đầu chuyển dần qua kinh doanh vật liệu xây dựng với thu nhập hơn tỷ đồng/năm. Nói về đổi thay hôm nay, anh Khánh tóm gọn: “Thay đổi nhiều đến không thể diễn tả nổi, từ ăn độn khoai, mì giờ thì ai cũng nhà cao cửa rộng. Từ nỗi khát khao được ăn no mặc ấm thì giờ đã được ăn ngon mặc đẹp, nhà cửa khang trang, nhiều gia đình có xe ô tô. Minh chứng dễ thấy nhất là ngày trước con đường phía trước rộng thênh thang nay đã trở nên chật chội với nhiều xe ô tô cá nhân đậu kín, tốc độ đô thị hóa nhanh đến chóng mặt”.
Được xem là “thế hệ F1”, ông Nguyễn Văn Chức (SN 1967, tổ 4, phường Yên Thế) cũng đang nỗ lực từng ngày để làm giàu trên chính mảnh đất cha mẹ bỏ công khai hoang. Người đàn ông đến từ vùng quê Tây Sơn (tỉnh Bình Định) chia sẻ: Năm 1981, ông theo gia đình đến vùng đất này lập nghiệp. Đến giờ, ngay cả bản thân ông cũng chưa từng nghĩ một vung hoang vu, cuộc sống sinh hoạt đều diễn ra dưới bóng đèn dầu lập lòe; bệnh sốt rét hoành hành nay lại phát triển đến vậy. Trải qua năm tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, bỏ công sức khai hoang, trồng trọt, chắt chiu tích góp đã giúp ông có được cơ ngơi trị giá chục tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Chức (tổ 4, phường Yên Thế) đã làm giàu trên chính mảnh đất mà cha mẹ mình đã bỏ công khai hoang. Ảnh: Minh Nguyễn |
Ông Chức vui mừng cho hay: Sau hơn 25 năm chuyển sang nghề trồng cây cảnh, tài sản hiện có của ông đã hơn 1.000 gốc mai, trong số này nhiều cây có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Mỗi năm từ tiền cho thuê mai chơi Tết, tiền bán cây cộng với tiền công chăm sóc gần 400 gốc mai của khách, bình quân ông “bỏ túi” gần tỷ đồng. Đứng trước khoảnh đất trống đang đào móng dở dang trong khuôn viên vườn, ông Chức cho hay vài tháng nữa một ngôi nhà mới khang trang sẽ hoàn thành thay thế cho căn nhà ông đang ở hiện đã chật hẹp trước những tiện nghi cuộc sống.
Trên đường từ nhà ông Chức về lại trụ sở UBND phường, ông Huỳnh Văn Trung-Phó Bí thư Đảng ủy phường Yên Thế liên tục chỉ tay về phía những căn nhà đồ sộ, kể hàng loạt tên của người đặt nền móng cho vùng đất này nay đã trở thành tỷ phú với cơ ngơi trị giá hơn chục tỷ đồng. Những người quyết tâm bám trụ nơi này vẫn đang tiếp tục cùng với thế hệ con cháu góp sức xây dựng quê mới ngày càng thêm khởi sắc. “Người dân ở đây rất tự hào vì khu dân cư được đặt tên ngày giải phóng tỉnh nhà (ngày 17-3), từ đó họ luôn đoàn kết, chung tay xây dựng nơi đây ngày càng phát triển. Qua đánh giá khách quan của người dân, “điểm kinh tế 17-3” từ chỗ thưa thớt dân cư, nghèo khó ngày trước giờ đã phát triển hàng chục đến trăm lần. Bộ mặt đô thị đi lên từng ngày, bà con ổn định làm ăn, kinh tế phát triển, số hộ giàu, hộ khá chiếm tỷ lệ hơn 80%”-ông Trung nhìn nhận.
MINH NGUYỄN