(GLO)- Vùng Tây Nguyên, và cả Duyên hải Nam Trung bộ, rồi Nam bộ dưới kia đang kỳ khô khát, khó khăn quá lắm. “Nước” chưa bao giờ trở thành tên gọi da diết như thế. Trong cơn khốn khó nước nôi, vai trò của nước hiện ra lồng lộng. Bài viết nhỏ này, biết đâu ánh xạ về một thứ minh triết sâu xa mà cộng đồng chúng ta sẵn có, gợi lại ở cái thời gọi là hiện đại này tư duy lại về nước, hành xử với nước, thành tâm với đất trời, cỏ cây (mà chúng ta đã từng)…
Thì làng nào ở Tây Nguyên mà chẳng có một giọt nước như thế. Ngày trước, cha ông họ khi lập làng, điều căn cốt đầu tiên là xác định cho được chỗ ấy phải có giọt nước. Giọt nước nó là thực thể cơ bản, thiết thực và thiêng liêng. Sau khi tìm ra giọt nước, những người đi tìm đất lập làng cắm một chiếc rìu xuống đất. Rút phần cán gỗ ra, để lại phần lưỡi sắt. Ba ngày sau quay lại, nếu chiếc rìu còn nguyên, không ngã đổ, nghĩa là Yàng “đồng ý”. Thế là làng hình thành. Giọt nước là chốn vạn vật sum vầy, cõi để sống và ngưỡng vọng, thành kính thiên nhiên.
Không gian bến nước ở làng K’mơrông Prông B, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak. Ảnh: N.H.T |
Nước ở giọt nước là thứ nước chảy ra từ sâu trong lòng núi, lòng đất. Nước như thế thì bảo làm sao nó không thanh cao, tinh sạch nhất được. Trong khi ở đô thị người ta xài nước mặt từ các sông hồ, xử lý qua hóa chất, thì dùng được nguồn nước tinh khiết đúng nghĩa này quả là thông minh thượng hạng. Khi phát hiện ra một “nguồn nước” như thế, đồng bào chặt những cây lồ ô, đục thông các đốt ngăn của lồ ô. Thế là tạo nên một ống dẫn. Và đặt ống dẫn này vào sâu trong lòng đất. Trên ống lồ ồ đó, cứ bốn chục centimét cắt bỏ một miếng nhỏ ở phần sống lưng để tạo sự thông khí cho nước “thở” và chảy được nhanh. Không lồ ô thì linh hoạt dùng ống nhựa cũng được, vì xưa chỉ có một sự lựa chọn, chứ nay chất liệu phương tiện đa dạng.
Bao giờ ở đầu K’Nang Ea (vòi nước) bà con cũng nhét vào xác trái mướp khô để lọc nước thêm lần cuối. Từ những K’Nang Ea đó, nước tha hồ, miễn phí, thứ nước không thể có vi khuẩn vi trùng, khi uống vào ta cảm giác sự ngọt lịm tận đáy lòng. Cứ vậy, cộng đồng chung dùng và cùng gìn giữ.
Cái văn minh của rừng coi vậy mà nó sâu thẳm, thách đố người ở đô thị về sự thông hiểu và hàm ơn chân thành của con người với thiên nhiên. Họ đặt tên cho giọt nước là Ea (hoặc Ia, Da, Dak, tùy theo nhóm ngữ hệ của mỗi nhóm sắc dân mà từ gọi “nước” khác nhau). Ea nghĩa là “nước”. Còn K’Ha nghĩa là “rễ cây”. Cái thứ nước tinh khôi linh thiêng, sự linh thiêng của vật chất, hiện thực, khác với nước mặt trên sông, suối, hồ, biển khơi. Nghĩa rằng giọt nước là nước từ rễ cây. Chính rễ cây tạo ra nước, nguồn nước. Bao trùm lên tất cả nó là vai trò của cây cối với sự sống, cho muôn loài và con người. Minh triết thế thì đạt đến tuyệt đỉnh rồi.
Nguồn nước của trời đất cao cả như nguồn sữa từ người mẹ. Con người không thể sống nếu thiếu nước. Sức sống dữ dội của cây Ana H’Ra, từ rễ, lá, trái quanh năm tuôn trào biểu thị cho tinh thần mẫu hệ, tinh thần nguồn cội đó. Mà không chỉ cây Ana H’Ra kia, bao giờ không gian của giọt nước cũng là cả một vùng sinh thái nguyên sinh, đa dạng sinh học. Chính giọt nước đã dạy và nhắc nhở trực tiếp thường xuyên về sự thuận hòa với thiên nhiên, sự tinh tế của người với rừng, về chân lý sự sống bắt đầu từ vi mạch của thảo mộc, đất đai, tiếng thở than, tự tình của cây lá.
Nhiều năm lui tới qua các Ea K’Ha, nhờ đó tôi mới nhận diện được những cây Ana Klếch, Ana Ê nhuôi, Ana Ktrôl, Ana Plei, rồi những loại cây nằm là là mặt đất như Ana Ybua, Ana K’Ton… Nhưng với người Tây Nguyên, những cái cây kia không chỉ là cây, thực vật vô tri, mà nó có “thần” trong đó. Biết tôn trọng thiên nhiên là khi người ta kiêng nể thiên nhiên, xem vạn vật hữu linh. Không chặt cây bừa, không phá rừng vô lối. “Cây” với “Nước” đi cùng nhau, tuy hai mà một. Thần rừng đã thiêng, mà Thần Nước lại càng thiêng. Trong đời sống xã hội Tây Nguyên, người ta nhận thức và coi nước, lửa, gió là ba thứ duy trì sự tồn tại của con người và của vũ trụ. Thế là sinh ra ba vị Vua cụ thể, hiện hữu trong cộng đồng để cai quản ba thứ vật chất cơ bản này, là Pơtao Ea (Ia) (Vua Nước), Pơtao Puih (Vua Lửa), và Pơtao Angin (Vua Gió). Như hai Pơtao kia, Pơtao Ea cũng là người đại diện của thần linh có sức mạnh huyền bí trong cai quản nguồn nước nơi thế tục. Dù ngài cũng không hề có cung điện hay ngai vàng, nhưng cộng đồng cứ kính trọng vô song trong biểu tượng tinh thần ấy. Nên giọt nước/bến nước là một thế giới vừa tồn tại ở dạng vật chất vừa ở dạng tinh thần, vừa thế tục vừa hiển linh. Nhưng ở thể nào nó cũng đều rất thực chất, thuộc về thế tục, sát thực với sự tồn tại của con người bé bỏng trong vũ trụ mênh mông. Nhờ vậy mà rừng núi còn được gìn giữ từ bên trong tâm hồn của con người.
Nhưng đâu phải loài nào, cộng đồng nào cũng thật hiểu về nước như người nơi đây. Bất cứ lúc nào ở bên “giọt nước”, tôi hét lên tiếng của mình, là nghe vọng lại những âm thanh của núi rừng xa xưa. Thứ thanh âm lạ lắm, của trời xanh đất thẳm, thuần khiết tuyệt đối; không thể làm “giả” được. Cứ như rằng ở đó có “ánh sáng”, thách thức trái tim, đầu óc tôi.
Nguyễn Hàng Tính