Giữ mãi bầu nhiệt huyết với nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghề báo được ví như một nghề mang nhiều trăn trở và người làm báo được ví như những con tằm nhả tơ. Khi sự trăn trở ấy “cựa mình” người làm báo phải đem niềm tin, bản lĩnh cũng như sự cần cù, kiên nhẫn của mình ra để ngày ngày cống hiến, sáng tạo ra những tác phẩm báo chí chân chính. Dù đã thành công hay chưa, nhưng những người làm báo hôm nay, họ luôn mang trong mình bầu nhiệt huyết với nghề.

* Phóng viên Trần Lê Thảo (Đài Phát thanh-Truyền hình huyện Krông Pa, Gia Lai):
Người làm báo vùng sâu phải biết sống cùng những khó khăn

 

 

Thời gian đầu về công tác tại “chảo lửa” Krông Pa-huyện vùng sâu của tỉnh Gia Lai, tôi gặp không ít những trở ngại trong đường đi lối về cũng như phong tục tập quán của người bản địa. Chính điều đó đã đòi hỏi tôi phải thâm nhập thực tế nhiều hơn, về với bà con đồng bào dân tộc thiểu số nhiều hơn. Những con đường để về được các thôn làng rất khó đi, nhất là đi qua các xã phía Nam sông Ba vào mùa mưa. Những con dốc cao và toàn đá cuội đủ cỡ lớn nhỏ, kèm theo đất sét trơn trượt như đánh đố bản thân tôi. Gạt bỏ nỗi sợ hãi, tôi đã nhiều lần chồng chềnh trên những chuyến đò và đánh vật với con đường ấy để có những chuyến công tác ý nghĩa.

Một thách thức với tôi nữa đó chính là không hiểu tiếng nói cũng như phong tục của người dân tộc thiểu số nơi đây. Vì chưa có kinh nghiệm trong giao tiếp với họ nên rất khó để hòa nhập và gần gũi. Lúc nào đi làm cũng phải đi cùng một anh cán bộ xã, thôn, buôn người địa phương để nhờ phiên dịch giúp. Bởi vậy nhiều tác phẩm của tôi chưa thực sự chuyển tải hết hiện thực. Điều đó đã làm tôi trăn trở. Tôi đang từng ngày tích cực xuống với cơ sở, bám sát cuộc sống của họ và trau dồi tiếng Bahnar, Jrai… Qua thời gian công tác tại đây, tôi nhận thấy mình có thể gắn bó và sống cuộc sống của người dân vùng khó.

* Đại úy Nguyễn Anh Sơn (Chính trị viên phó Tiểu đoàn-Quân đoàn 3):
Hy vọng “lửa nghề” luôn cháy mãi

 

 

Là người làm báo nghiệp dư nhưng tôi luôn đam mê với nghề báo. Mặc dù công tác trong quân đội nhưng tôi luôn tham gia viết bài cho các tờ báo khác nhau từ năm 2002 như: Báo Quân đội Nhân dân, Tạp chí Quân huấn, Báo Gia Lai… Mỗi lần các tác phẩm của mình được đăng tải là trong tôi thấy hạnh phúc và rạo rực. Cảm nhận được “ngọn lửa” nghiệp viết lách đang bùng cháy ngày một lớn trong mình, tôi đã quyết định theo con đường báo chí chuyên nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp đại học văn bằng hai chuyên ngành báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội, tôi ấp ủ dự định sẽ trở thành người cầm bút chuyên nghiệp. Điều tôi băn khoăn là làm sao để luôn giữ được nhiệt huyết với nghề như thuở ban đầu và cái khó nhất là giữ cái tâm với nghề, với xã hội.

 

Ngay từ bây giờ, để rèn mình và “giữ lửa” với nghề thì trước hết bản thân phải ý thức được sứ mệnh và trách nhiệm của mình với xã hội. “Trước khi cầm bút, cần phải làm rõ 3 câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”. Luôn đặt trách nhiệm của mình lên hàng đầu vì trách nhiệm xã hội buộc nhà báo phải viết trung thực, khách quan, vì lợi ích của nhân dân, cộng đồng. Phải có chính kiến và đi đến cùng mọi vấn đề, không được viết báo theo lối a dua hay phục vụ lợi ích nhóm, tư lợi cá nhân… Bên cạnh đó, phải luôn biết cách làm mới bản thân mình trong  cách tư duy, tìm ra những hướng đi sáng tạo, có như vậy mới tránh được sự nhàm chán trong cách viết.

Trần Dung (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm