Chính trị

Tin tức

Giữ vững truyền thống anh hùng tiếp tục phát huy những thành tích trong thời kỳ đổi mới (*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đúng ngày này cách đây 40 năm, cùng với quân và dân cả nước, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà, góp phần cùng cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Chiến thắng này là bản anh hùng ca bất diệt về lòng yêu nước, đức hy sinh, tinh thần quả cảm, ý chí cách mạng quật cường của quân và dân Gia Lai; là kết quả của cuộc tiến công thần tốc, dũng mãnh, táo bạo, khôn khéo của các lực lượng vũ trang nhân dân, cùng với sự nổi dậy mạnh mẽ, đều khắp của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Có thể khẳng định rằng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai luôn đoàn kết, anh dũng, kiên cường, bất khuất trước quân thù; thủy chung, son sắt đối với cách mạng, một lòng kính yêu Bác Hồ, tin yêu Đảng; cùng nhau vượt qua muôn trùng khó khăn, gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách. Những tên núi, tên sông, tên đất, tên làng, tên người cùng với những trận đánh, những chiến công vang dội đã mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc như những huyền thoại, góp phần tô thắm thêm trang sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam ta trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

 

 

Có được thắng lợi vẻ vang này chính là nhờ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; của tinh thần xả thân vì độc lập tự do cho Tổ quốc của các thế hệ cha anh, của đồng bào, đồng chí và sự giúp đỡ tận tình, vô tư, trong sáng của bạn bè quốc tế.

Trong giờ phút thiêng liêng này, với lòng biết ơn vô hạn, chúng ta thành kính tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại-vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc, lãnh tụ kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Chúng ta thành kính tri ân các liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã anh dũng chiến đấu hy sinh, hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Chúng ta trân trọng gửi đến các thế hệ cha anh, các gia đình liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng, các gia đình có công với nước lòng biết ơn sâu sắc và những tình cảm thắm thiết nhất.

Chúng ta đời đời ghi nhớ và tự hào về tinh thần xả thân vì nước, vì dân của các thế hệ cha anh, quyết tâm phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của các thế hệ đi trước; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng (bên phải). Ảnh: Đức Thụy

Sau những thắng lợi vang dội của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam vào cuối năm 1974 và đầu năm 1975, đặc biệt là chiến thắng Phước Long, đã làm thay đổi cơ bản về so sánh lực lượng giữa ta và địch. Thế và lực của ta ngày càng lớn mạnh, địch ngày càng lúng túng, hoang mang và suy yếu. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị về giải phóng miền Nam trong năm 1975, tháng 1-1975, Thường trực Quân ủy Trung ương họp quán triệt và quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng các tỉnh Tây Nguyên, thực hiện chia cắt chiến lược và tạo thế chiến lược mới trên chiến trường toàn miền Nam.

Nhận thức được thời cơ đã đến và trách nhiệm của mình, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Khu ủy Khu 5 và Đảng bộ tỉnh, quân và dân Gia Lai đã liên tục tổ chức các cuộc tiến công tiêu hao sinh lực địch, bức rút nhiều đồn bốt, phá vỡ nhiều ấp chiến lược, giải phóng phần lớn vùng đất phía Nam Pleiku-Cheo Reo. Đặc biệt, đã thực hiện tốt việc chia cắt chiến lược đường 19, đường 14, chia cắt chiến trường Tây Nguyên với đồng bằng, chia cắt Pleiku-Kon Tum với Buôn Ma Thuột; tổ chức tốt các hoạt động nghi binh, thu hút địch dồn lực lượng về hướng Pleiku-Kon Tum, tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta tiến công đánh chiếm Buôn Ma Thuột.

 

Thành phố Pleiku hôm nay. Ảnh: Đức Thụy

Ngày 4-3-1975, chiến dịch Tây Nguyên mở màn. Ngày 10-3-1975, các lực lượng chủ yếu của mặt trận Tây Nguyên đồng loạt tấn công Buôn Ma Thuột. Ngày 11-3-1975, thị xã Buôn Ma Thuột được hoàn toàn giải phóng, đẩy quân địch ở Tây Nguyên vào thế hoang mang, dao động, co về phòng thủ Pleiku. Phối hợp với các cánh quân chủ lực, quân và dân Gia Lai đã đồng loạt nổi dậy tiến công và truy kích địch, buộc địch phải tháo chạy khỏi Pleiku theo đường 7. Chúng ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn 2 và các đơn vị quân sự của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 4 liên đoàn biệt động quân, 1 trung đoàn thiết giáp, nhiều đơn vị pháo binh, bảo an, dân vệ của địch; tiêu biểu là trận truy kích và chặn đánh địch trên đường số 7 (nay là quốc lộ 25) đã bắt trên 3.000 tù binh, thu 26 đại bác và hàng ngàn xe cơ giới, nhiều loại vũ khí, quân trang, quân dụng khác của địch.

Ngày 17-3-1975, tỉnh Gia Lai được hoàn toàn giải phóng, trở thành hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam Việt Nam, chi viện cho các chiến dịch để phát triển thế tiến công chiến lược của quân và dân ta, góp phần vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, đất nước được thống nhất (30-4-1975), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đồng sức, đồng lòng, phấn đấu vượt qua gian khổ, hy sinh, nhanh chóng khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân; truy quét bọn tàn quân Ngụy, bọn phản động FULRO, kịp thời trấn áp các tổ chức, đảng phái phản động, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội, tham gia làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả và tạo tiền đề về kinh tế-xã hội của tỉnh cho bước phát triển tiếp theo.

 

 

Nhằm chăm lo, tạo điều kiện cho Tây Nguyên phát triển, Đảng, Chính phủ đã đề ra rất nhiều chủ trương, quyết sách để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển y tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, các chính sách an sinh xã hội cho vùng Tây Nguyên. Các chủ trương, quyết sách này đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, như một đòn bẩy, tạo bước phát triển trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh của tỉnh Gia Lai nói riêng và cả Tây Nguyên nói chung.

Từ một địa phương có nhiều căn cứ quân sự của Mỹ-Ngụy, hạ tầng hết sức yếu kém, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, 40 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai luôn phát huy sức mạnh đại đoàn kết, vừa làm, vừa học, vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; nhanh chóng nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tích cực hợp tác, kêu gọi đầu tư phát triển đã đạt được những thành tựu to lớn. Đến nay, tỉnh có 17 đơn vị hành chính, gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 14 huyện với 222 xã, phường, thị trấn; dân số trên 1,33 triệu người; tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm phát triển nhanh (giai đoạn 1976-1990 bình quân hàng năm tăng 3,5%; giai đoạn 1991-2010 bình quân hàng năm tăng trên 11%; giai đoạn 2011 đến 2015 bình quân tăng 12,81%); GDP bình quân đầu người đến cuối năm 2014 đạt 34,1 triệu đồng, gấp 36 lần so với năm 1991 (năm chia tách tỉnh); thu ngân sách năm 2014 đạt trên 3.500 tỷ đồng.

 

 

Từ tiềm năng, thế mạnh của địa phương, các thế hệ lãnh đạo của tỉnh đã quy hoạch, định hướng đúng về cơ cấu kinh tế nên đã sớm biến các tiềm năng, thế mạnh thành hiện thực trên địa bàn tỉnh. Đến nay, trong nông nghiệp, đã hình thành nên những vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn với trên 100.000 ha cao su, gần 80.000 ha cà phê, trên 13.000 ha hồ tiêu; trên 17.000 ha điều; trên 38.000 ha mía; đàn bò của tỉnh trên 360.000 con (là một trong 2 tỉnh có đàn bò lớn nhất cả nước). Trong công nghiệp, đã hình thành các khu, cụm công nghiệp và nhiều nhà máy gắn với vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh; có 40 công trình thủy điện lớn nhỏ đang vận hành với tổng công suất trên 2.100 MW, cung cấp sản lượng lớn điện năng cho cả nước.

Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư mạnh, bộ mặt thành thị và nông thôn ngày càng đổi mới. Đến nay 100% xã đã có điện sinh hoạt, có điện thoại và có đường ô tô đến trung tâm xã; 95% hộ sử dụng điện, 80% hộ ở nông thôn dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, quyết liệt, đến nay đã có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới; một số công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện, một số nhà máy lớn, khu đô thị mới, nhà cao tầng, bến xe, bệnh viện, trung tâm y tế, trường học, cơ sở văn hóa... được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại… điển hình như: công trình tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên; đường Trường Sơn Đông; quốc lộ 14, quốc lộ 19, quốc lộ 25; Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh; dự án nâng cấp Cảng Hàng không Pleiku; dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt… Mạng lưới các dịch vụ thương mại, du lịch, ngân hàng, vận tải, viễn thông đáp ứng được nhu cầu phát triển trên địa bàn tỉnh.

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng đạt được những thành tựu quan trọng. Tỉnh đã lồng ghép thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia với chương trình giảm nghèo, đến nay không còn hộ đói kinh niên, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí giai đoạn 2011-2015 giảm còn 13,96%; đời sống của đồng bào các dân tộc và nhân dân vùng căn cứ cách mạng luôn được quan tâm. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các hoạt động an sinh xã hội đã trở thành phong trào rộng khắp, được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân quan tâm ủng hộ.

 

 

Đời sống tinh thần và trình độ dân trí của người dân được nâng cao. Đến nay, 100% số hộ được nghe đài phát thanh, 95% số hộ được xem truyền hình; việc tổ chức thành công Festival Cồng chiêng Quốc tế lần đầu tiên tại Gia Lai năm 2009 là sự kiện văn hóa lớn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Giáo dục và đào tạo phát triển khá toàn diện cả về quy mô và chất lượng; hệ thống trường, lớp học được đầu tư xây dựng kiên cố; 100% các huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo nghề được thành lập, hoạt động ổn định, góp phần tích cực vào đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và phòng-chống dịch bệnh được quan tâm; đã đẩy lùi được dịch sốt rét và khống chế được dịch bệnh nguy hiểm, tỉnh ta đã cơ bản xóa mù lòa do đục thủy tinh thể; cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ y tế luôn được đầu tư và củng cố, chất lượng khám-chữa bệnh cho nhân dân ngày một nâng cao.

Công tác xã hội hóa trên lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao, vận tải đạt được những kết quả đáng khích lệ; Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Trung tâm Đào tạo Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG, Bệnh viện Đại học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai; Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương-Gia Lai, Phân hiệu Trường Đại học Đông Á tại Gia Lai; Bến xe Đức Long Gia Lai... là các mô hình xã hội hóa đã phát huy hiệu quả tốt.

 

 

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đạt kết quả tích cực. Đến nay, có 22 Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh, 1.000 Đảng bộ, chi bộ cơ sở, với 45.951 đảng viên; 100% thôn, làng, tổ dân phố đều có đảng viên. Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp được tổ chức và hoạt động đúng luật; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã phát huy tốt vai trò tập hợp đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và sự đồng thuận xã hội ngày càng cao.

Công tác quốc phòng-an ninh được đẩy mạnh, đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo dựng được thế trận lòng dân, thực hiện có kết quả công tác đấu tranh, tố giác, phát hiện tội phạm, làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ và các hoạt động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

40 năm qua, với thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc và các lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai đã được Đảng và Nhà nước đánh giá cao, nhân dân luôn ghi nhớ: Tổ quốc đã ghi công 7.574 liệt sĩ, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 129 mẹ, đã tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 57 tập thể và 16 cá nhân, Anh hùng Lao động cho 1 tập thể và 1 cá nhân; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Sao vàng, 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Độc lập hạng nhất, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều huân-huy chương khác. Tập thể, cá nhân thuộc tỉnh được tặng thưởng 3 Huân chương Hồ Chí Minh, 171 Huân chương Độc lập các hạng, 550 Huân chương Lao động các hạng; 17 tập thể được tặng thưởng Huân chương Thành đồng; trên 2 ngàn cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quyết thắng, Huân chương Giải phóng, Huân chương Chiến công, Huân chương Chiến sĩ Giải phóng; gần 500 cá nhân được tặng thưởng Huân-Huy chương Kháng chiến chống Pháp; trên 61 ngàn cá nhân được tặng thưởng Huân- Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Có thể nói, những thành tựu chúng ta đạt được từ ngày giải phóng đến nay chỉ 40 năm nhưng là một kỳ tích vì hàng trăm năm dưới chế độ thực dân cũ và mới đã không làm được. Điều đó khẳng định, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại cần khắc phục, đó là: quy mô, hiệu quả nền kinh tế còn thấp; hạ tầng cơ sở còn nhiều yếu kém; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước; công tác quản lý, điều hành của một số ngành, địa phương về tài nguyên, môi trường, đất đai, quản lý bảo vệ rừng chưa chặt chẽ; an ninh chính trị còn tiềm ẩn các yếu tố mất ổn định; trật tự, an toàn xã hội còn nhiều bất cập; sức ỳ trong bộ máy một số cơ quan công quyền chưa được khắc phục; trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị chưa cao; đời sống vật chất, tinh thần, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn...

 

 

Để giữ vững truyền thống anh hùng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục phát huy những thành tích trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, các ngành, các cấp, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ các lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai cần tập trung thực hiện thắng lợi một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, phát huy thành tựu đã đạt được của 40 năm qua, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách GDP bình quân đầu người so với mức bình quân của cả nước; khai thác mọi tiềm năng và lợi thế của tỉnh; huy động mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, coi việc xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu vừa là động lực mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; phát triển ngành công nghiệp có lợi thế; nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ, tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư và các hoạt động thương mại, du lịch phát triển.

Hai là, tập trung phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục- đào tạo; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, đẩy mạnh các hoạt động thể dục, thể thao; thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững; giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của xã hội như: việc làm, tranh chấp, khiếu kiện; đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với gia đình chính sách, người có công, các đối tượng xã hội.

Ba là, không ngừng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân của tỉnh cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại; phát huy sức mạnh tổng hợp để làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; thực hiện quyết liệt chương trình phòng-chống tội phạm và các loại tệ nạn xã hội, giảm thiểu tai nạn giao thông; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai luôn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; thường xuyên thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp theo tinh thần Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị-Ban Bí thư Trung ương Đảng; tập trung xây dựng chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội vững mạnh; đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt công tác đối ngoại và đối ngoại nhân dân; phát huy vai trò tập hợp quần chúng của Mặt trận và các tổ chức thành viên, huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.


Nhân sự kiện trọng thể này, thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tôi kêu gọi các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận; các ngành, các cấp; các đơn vị lực lượng vũ trang; các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân các dân tộc trong tỉnh ra sức thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ công tác của năm 2015, thiết thực lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh và chào mừng đại hội Đảng các cấp.

Là một tỉnh anh hùng, giàu lòng yêu nước và sức sáng tạo, với tinh thần tiến công cách mạng, trước thời cơ và vận hội mới, đi theo con đường của Đảng, Bác Hồ đã chọn; Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Gia Lai nguyện đoàn kết một lòng, nêu cao bản lĩnh chính trị, đem hết sức lực, tâm huyết, tài năng, trí tuệ, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, vững bước tiến lên trên con đường đổi mới và phát triển, quyết tâm xây dựng Gia Lai ngày càng giàu đẹp, tất cả vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

(Trích diễn văn của đồng chí Phạm Thế Dũng-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh Gia Lai)

(*) Đầu đề do Báo Gia Lai đặt.

Có thể bạn quan tâm