Chính trị

Tin tức

Góp phần củng cố và kiện toàn tổ chức Đảng các cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 10-12-1945, Đảng bộ tỉnh Gia Lai được thành lập lấy tên là Đảng bộ Tây Sơn, từ đó công tác tổ chức-xây dựng (TC-XD) Đảng không ngừng được củng cố và phát triển.

Thời kỳ 1945-1960, tuy chưa thành lập Ban Tổ chức Tỉnh ủy, chỉ thành lập Ban Cán sự tỉnh, công tác TC-XD Đảng của Đảng bộ tỉnh tập trung củng cố, xây dựng và bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân; cùng với cả nước tiến hành tổng tuyển cử, đồng thời tổ chức phát động phong trào cứu đói, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và xây dựng đời sống mới; phát triển Mặt trận và các đoàn thể cứu quốc; xây dựng phát triển lực lượng vũ trang, gấp rút đào tạo đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị.

 

Đại hội chi bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Ảnh: Thanh Nhật

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, thi hành Hiệp định Giơnevơ, Đảng bộ tỉnh đã lựa chọn số cán bộ dân chính và quân đội bố trí ở lại công tác; thành lập Ban Cán sự các huyện, thị xã; thành lập Ban Giao liên, bộ phận xây dựng căn cứ và Văn phòng Tỉnh ủy; ổn định tổ chức bộ máy phù hợp với yêu cầu thực tế ở địa phương. Đến tháng 5-1959, toàn tỉnh có 46 chi bộ với 750 đảng viên.

Năm 1961, Ban Tổ chức Tỉnh ủy được hình thành trên cơ sở bộ phận theo dõi công tác tổ chức cán bộ. Phụ trách trực tiếp là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Công tác TC-XD Đảng thời kỳ này là tham mưu với cấp ủy lãnh đạo đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ-Ngụy; tiến hành cuộc bầu cử HĐND và UBND cách mạng các cấp.

Tháng 11-1975, hai Đảng bộ tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã hợp nhất thành Đảng bộ tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Giai đoạn 1975-1990, công tác TC-XD Đảng của Đảng bộ tỉnh đã tham mưu sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp với yêu cầu thực tế của tỉnh sau chiến tranh; tập trung củng cố tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hiện có và bố trí số cán bộ từ miền Bắc, từ quân đội tăng cường cho các ngành, các địa phương trong tỉnh. Đã tổ chức tiếp nhận 800 cán bộ quân đội của Quân khu 4, Quân khu 5 và B3 chuyển sang, hình thành một loạt các khung cán bộ công-nông-lâm trường, khu kinh tế mới của một số tỉnh phía Bắc.

 

Ảnh: Thanh Nhật

Cuối năm 1991, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc chia tách tỉnh Gia Lai-Kon Tum thành 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, công tác TC-XD Đảng đã tập trung củng cố tổ chức cơ sở (TCCS) Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên theo yêu cầu của công cuộc đổi mới do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra. Tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy mở đại hội đảng bộ các cấp (vòng 2), đồng thời tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ các cơ quan Đảng, chính quyền và các đoàn thể ở 2 tỉnh.

Giai đoạn 1991-2000, công tác TC-XD Đảng đã tham mưu cho Đảng bộ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) và Nghị quyết Trung ương 7 (khóa VIII) về công tác tổ chức và cán bộ, trọng tâm là công tác quy hoạch cán bộ và sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đổi mới. Tiến hành điều tra, khảo sát về cơ cấu, chất lượng 14.465 lượt cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Quy hoạch 426 chức danh và dự báo nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng hơn 3.000 chức danh cán bộ, công chức; mở 3 lớp tạo nguồn cán bộ cơ sở là con em cán bộ đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Sau sắp xếp, kiện toàn, các ban Đảng tỉnh còn 5 ban, 2 đơn vị sự nghiệp, 2 Ban Cán sự Đảng và 7 Đảng đoàn.

 

Ảnh: Thanh Nhật

Trong giai đoạn 2001-2015, công tác TC-XD Đảng đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn gắn việc thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW và Nghị quyết 42 của Bộ Chính trị; đã quy hoạch 752 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh và huyện, trên 2 ngàn cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn được quy hoạch vào các chức danh chủ chốt; nhằm tạo sự chủ động trong công tác cán bộ, khắc phục tình trạng hẫng hụt đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở.

Đặc biệt từ năm 2008 đến nay, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng và ban hành các đề án, tập trung chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng đẩy mạnh công tác kết nạp đảng viên, thành lập các tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân theo Đề án 01; đã tuyển dụng 3 đợt gồm 142 sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí về cơ sở công tác theo Đề án 03; việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn theo Đề án 02 đạt được kết quả, hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở từng bước nâng cao.

Tổng kết 30 năm đổi mới và chỉnh đốn Đảng, Đảng bộ tỉnh đã kết nạp mới 36.700 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh lên 47.803 đảng viên (đến tháng 9-2015). Năm 2014 tỷ lệ cơ sở đảng trong sạch vững mạnh là 59,88%  không còn TCCS Đảng yếu kém, có gần 32 ngàn quần chúng ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng; công tác kết nạp đảng viên đã góp phần xây dựng được 100% thôn, làng, tổ dân phố có đảng viên và có chi bộ...

Phát huy những kết quả đã đạt được trong 85 năm qua, ngành TC-XD Đảng đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, công tác TC-XD Đảng tiếp tục các nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên và làm tốt công tác kết nạp đảng viên; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về đánh giá chất lượng TCCS Đảng và đảng viên năm 2015. Giáo dục, rèn luyện đạo đức, nâng cao phẩm chất và năng lực đội ngũ cán bộ công chức ngành, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành và cấp ủy giao. Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ; đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình triển khai đồng bộ các mặt công tác đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ ngay sau đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bộ, có chất lượng, đảm bảo tính kế thừa và phát triển. Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần nâng cao năng lực, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, điều hành, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế...

Lê Ngọc Bửu

Có thể bạn quan tâm