GS.TS Toshio Koike: “Con người cần thay đổi hành vi để có thể ứng phó với tác động của tự nhiên trong tương lai”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hội thảo quốc tế với chủ đề “Môi trường nước và cộng đồng ở Huế” diễn ra tại Huế vào trung tuần tháng 8 đã đề cập đến những giải pháp liên quan đến việc quản lý môi trường nước, góp phần phát triển bền vững đô thị Huế trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu. Nhân dịp này, phóng viên đã có dịp phỏng vấn GS.TS Toshio Koike, Trung tâm phục hồi đô thị bền vững (Đại học Tokyo) về những vấn đề và giải pháp đặt ra nhằm đối phó với những thách thức được dự báo sẽ càng nghiêm trọng hơn trong bối cảnh tác động biến đổi khí hậu.

Thưa Giáo sư Toshio Koike, đầu năm nay, ngày 20-1-2010, Hội thảo “Môi trường nước và cộng đồng ở Huế” đã được tổ chức tại Tokyo giữa các nhà chuyên môn hai phía và lần này, hội thảo với cùng chủ đề được tổ chức tại Huế. Điều ông cảm thấy thú vị và ý nghĩa tại hội thảo lần này là?

Điều tôi thấy thú vị là tại hội thảo này có sự thảo luận của tất cả các ngành liên quan tới môi trường nước và cộng đồng, ví dụ như ngành thủy văn, quản lý nước đô thị, phòng chống bão lụt, lịch sử, văn hóa… Như vậy, điều quan trọng là có sự thảo luận đa ngành. Như bạn thấy trong bài trình bày của tôi đã đề cập đến sự tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau như sử dụng nguồn nước, về sinh thái, y tế, sức khỏe cộng đồng, về công nghiệp, nông nghiệp… nên điều quan trọng là cần có sự chia sẻ suy nghĩ, hiểu biết của những nhà khoa học, nhà nghiên cứu đối với tất cả mọi người và đây chính là những kiến thức, dữ liệu đa ngành cung cấp thông tin cho cộng đồng. Tên tiếng Anh của hội thảo này là Vietnam- Japan workshop Wateralong Community, “Wateralong” là từ mới có nghĩa là những cộng đồng sống cạnh những bờ nước, dòng nước, môi trường nước và nó nhấn mạnh sự tương tác giữa các cộng đồng và nước. Đây chính là điểm quan trọng mà chúng tôi muốn nói, tức là làm sao để các cộng đồng có sự tương tác với nước, kể cả sự tương tác với lũ lụt nếu xảy ra.
GS.TS Toshio Koike. Ảnh: Ngọc Hà
Theo ông, việc quản lý môi trường nước tại Huế, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay cần quan tâm đến vấn đề gì?

Tôi nghĩ có 3 vấn đề lớn về mặt tự nhiên, đó là lũ sẽ tăng lên, hạn hán sẽ tăng lên và mực nước biển dâng. 3 vấn đề lớn đó là tác động của tự nhiên mà chắc chắn khi xảy ra sẽ gây tác động nghiêm trọng, vì Huế có hệ thống đầm phá lớn và nhiều con sông. Bên cạnh đó có những tác động của con người ví dụ như vấn đề gây ô nhiễm nước hay sử dụng đất. Chúng ta phải kết hợp các vấn đề về mặt tự nhiên và vấn đề của con người như vậy để có cách thích nghi đối với biến đổi khí hậu. Hiện nay đã xảy ra tình trạng ô nhiễm nước ở nhiều nơi và các vấn đề về sử dụng đất, vì vậy chúng ta cần phải thay đổi hành vi của mình, thay đổi những vấn đề hiện có thuộc về con người để có thể ứng phó với tác động của tự nhiên trong tương lai.

Ông có thể nói cụ thể hơn về những giải pháp để ứng phó với tác động và thách thức của biến đổi khí hậu đối với môi trường nước ở Huế nói riêng và ở Việt Nam nói chung?

Tôi nghĩ là có hai hành động cần thiết phải có. Thứ nhất, các nhà kỹ thuật và nhà khoa học phải làm thế nào để chuyển giao hay chia sẻ những nghiên cứu khoa học của mình thành những kiến thức có thể hiểu được đối với người dân. Điều đó rất quan trọng vì chúng ta nghiên cứu nhưng làm thế nào để đưa kiến thức đó cho người dân và làm cho họ hiểu được. Thứ hai là chính những người dân và cộng đồng sau khi đã hiểu và có những thông tin cần thiết như vậy thì phải ra quyết định vì thực ra trong nghiên cứu khoa học, những dự báo có những sai số nhất định cho nên cần đưa ra bàn bạc cụ thể với cộng đồng, người dân và các bên liên quan để cuối cùng có hành động cụ thể. Tôi nghĩ điều rất quan trọng là mình phải nhìn lại lịch sử và vai trò về mặt văn hóa của nước đối với văn hóa và lịch sử của chúng ta, có như vậy mình mới có thể đưa ra cái “minh triết” cho cuộc sống của mình vì nước chính là cuộc sống. Một khi chúng ta đã rút tỉa được cái “minh triết” như vậy mới là điều quan trọng nhất.

Đó là về các nhà khoa học và người dân, còn ở một tầm vĩ mô hơn, về phía chính quyền, theo ông cần phải có chiến lược như thế nào đối với vấn đề này?

Tôi nghĩ đầu tiên nhất là chính quyền địa phương cần có lời mời các chuyên gia, các nhà khoa học để họ nghiên cứu một cách tổng quan và hệ thống nhất, sau đó là chia sẻ kết quả đó với người dân.

Được biết các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tokyo đã dành mối quan tâm đối với môi trường nước ở Huế từ hơn một năm qua và đã có những kết nối ban đầu với một số nhà nghiên cứu ở Huế, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ông có thể cho biết về sự hợp tác này?

Chúng tôi vừa có trao đổi với Hiệu trưởng đại học Khoa học Huế, PGS.TS. Nguyễn Văn Tận về những bước hợp tác tiếp theo và chúng tôi cũng đang chuẩn bị một dự thảo về thỏa thuận hợp tác thời gian tới. Tới đây giữa Trường đại học Khoa học Huế và Trường cao học công nghệ của Đại học Tokyo sẽ có thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực về công nghệ liên quan tới nước, ví dụ như tác động của môi trường nước đối với sức khỏe hay tác động của biến đổi khí hậu đối với quản lý nước đô thị. Và một khía cạnh hợp tác rất quan trọng nữa là nghiên cứu về lịch sử của các cộng đồng ở Huế, vì điều này rất quan trọng đối với văn hóa và cộng đồng nói chung. Hiện 3 khoa của Trường cao học công nghệ của chúng tôi là khoa kiến trúc đô thị, khoa dân dụng và khoa công nghệ đô thị đang hợp tác để nghiên cứu về vấn đề này.

Trong khuôn khổ của hội thảo, các đại biểu tham dự đã có một ngày tham quan thực tế các công trình hồ chứa, đập thủy điện đầu nguồn sông Hương và các kênh, hồ trong Kinh thành Huế. Sau ngày tham quan này, ông có nhận xét gì về hệ thống hồ, đập thủy điện ở Huế và ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm trong quản lý môi trường nước ở Nhật Bản?

Tôi thấy hiện nay ở Huế có đập thủy điện Bình Điền và đập thủy lợi và hồ Tả Trạch là để ngăn lũ lụt. Theo tính toán về lượng nước mưa của chúng tôi thì hoàn toàn có thể sử dụng đập thủy lợi để vận hành và cũng có tác dụng điều tiết lũ lụt, điều đó rất quan trọng. Hiện nay cục về môi trường và cơ quan về khí tượng thủy văn ở Nhật cũng đang hợp tác với Việt Nam để chuẩn bị sẵn những tài liệu về chia sẻ kinh nghiệm cụ thể trong xây dựng đập đa chức năng. Trong báo cáo của tôi tại hội thảo lần này cũng đã đề cập đến việc xây dựng quy trình vận hành cho các hồ, đập đầu nguồn sông Hương để kiểm soát lũ ở hạ lưu sông Hương. Đây là những ý tưởng và đề xuất để phía tỉnh có sự tham khảo.

Xin cảm ơn Giáo sư về những thông tin này!

Ngọc Hà (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm