TN - Đất & Người

Gương sáng già làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được nhắc đến trong sự tin yêu, mến phục không chỉ của riêng bà con dân làng, các già làng, trưởng thôn, người có uy tín luôn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Họ chính là chỗ dựa vững chắc, là tai mắt cho Đảng và chính quyền địa phương.

Thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng quan tâm, tranh thủ được vai trò của các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thì ở đó có sự ổn định về chính trị, an ninh trật tự được giữ vững, kinh tế-xã hội từng bước được phát triển, bản sắc văn hóa dân tộc được phát huy, đặc biệt là trên địa bàn các xã biên giới.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (bên trái) trò chuyện cùng già làng. Ảnh: Đức Thụy

Trong số 50 thôn, làng của 7 xã biên giới trên địa bàn tỉnh hiện nay, những già làng, trưởng thôn, người có uy tín (gọi chung là già làng-N.V) luôn là lực lượng nòng cốt của mọi phong trào, từ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, giữ gìn an ninh trật tự thôn, làng khu vực biên giới... Các già làng đã phát huy được vai trò đầu tàu gương mẫu, tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và tinh thần cảnh giác của dân làng trước mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.

Đồng thời tích cực vận động đồng bào, con em mình đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, mà trước hết là học theo những mô hình điểm do lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai như mô hình trồng lúa nước ở làng Chư Kó (xã Ia Púch, huyện Chư Prông), làng Tung (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ); mô hình trồng tre lấy măng kết hợp xen canh trồng cỏ ngọt nuôi bò ở làng Chan (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ). Theo đó, đời sống của bà con từng bước được nâng lên, hiện 7 xã biên giới đã có 15 làng được công nhận làng văn hóa, 1.878 hộ được công nhận gia đình văn hóa.

Là người được bà con trong làng yêu mến mà trao cho trọng trách đứng đầu mọi hoạt động của làng từ năm 2000 đến nay, già làng làng Beng, xã Ia Chía (huyện Ia Grai)-ông Ksor Blim luôn thực hiện tốt chức trách của mình. Nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Ia Chía giai đoạn 1986-1990, sau về huyện giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng (5 năm), rồi trở lại Ia Chía tiếp tục trên cương vị Bí thư Đảng ủy; tình hình của xã Ia Chía nói chung, của làng Beng nói riêng, già làng Ksor Blim luôn nắm rõ và áp dụng ngay trong thực tế công việc của mình.

Ông cho hay: Khi mình cùng trưởng thôn tổ chức họp làng để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, giữ gìn an ninh trật tự, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… đều nhận được sự đồng thuận của bà con. Làng Beng mình nay đã đổi mới rồi, bà con ngày càng tin Đảng, tin Nhà nước, ngày càng có nhiều hộ khá và giàu. Cũng một niềm tin tưởng như già làng làng Beng, Trưởng thôn làng Ba (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ)-ông Rơ Châm Blêh nói trong hào hứng: Thôn mình có nhiều gia đình làm ăn giỏi, như Siu Quên, Rơ Mah Hưn, thu nhập 150-160 triệu đồng/năm. Không những thế, 150 hộ thôn mình còn luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, biết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, đặc biệt là tuyệt đối không nghe lời kẻ xấu.

Tuy nhiên, trong số họ-những già làng tiêu biểu ấy, người mà chúng tôi muốn nói đến nhiều hơn cả lại chính là nữ già làng làng Krông (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông)-bà Ksor H’Lâm. Thấu hiểu những vất vả, khó khăn của bà con dân làng, già làng Ksor H’Lâm luôn bỏ công học hỏi, trở trăn tìm ra cách xóa đói giảm nghèo đơn giản mà hiệu quả cho buôn làng.

Một trong số đó là việc cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 729 đưa cả đàn bò nhà mình đi từ làng Krông, Klả qua làng Náp, làng Khôi chỉ với mục đích cho bà con mượn con giống tạo vốn chăn nuôi. Kết quả là đã có nhiều hộ gia đình trong xã thoát nghèo, còn bà thì ngày càng được bà con tin tưởng, yêu mến. Giờ đây, khi ngồi kể lại với chúng tôi chuyện này, già làng Ksor H’Lâm cười đôn hậu: “Cũng là nhờ Bộ đội Biên phòng giúp đỡ nhiều, làng mình mới được như ngày hôm nay. Tuy nhiên, trong hơn 40 gia đình của làng ấy, vẫn còn hộ nghèo, vậy nên, càng được bà con tin tưởng, mình càng phải cố gắng nhiều hơn…”.

…Hầu như ở bất cứ một thôn, làng nào trên địa bàn các xã biên giới cũng đều có những cá nhân tiêu biểu như già làng Ksor H’Lâm, Ksor Blim, Trưởng thôn Rơ Châm Blêh. Đó là các ông Ksor Bơng, Ksor Phiếu, Ksor Thin-Trưởng thôn các làng Bi, Dăng và Mít Kom 1, xã Ia O (huyện Ia Grai); Ksor Yo-Trưởng thôn làng Nú 1-xã Ia Chía (huyện Ia Grai). Đó còn là các già làng của làng Beng, xã Ia Chía (huyện Ia Grai); làng Chan, làng Ba, xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ); làng Goòng, Brang, Chư Kó, xã Ia Púch (huyện Chư Prông)… Họ, đã và đang từng ngày góp công góp sức, chung tay xây dựng một vùng biên giới bình yên và phát triển.

Thái Bình
 

Có thể bạn quan tâm