Thể thao

Thể thao cộng đồng

HAGL-JMG: Lương duyên dang dở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cái tên JMG đã chính thức không còn gắn trên ngực áo của các cầu thủ đến từ lò đào tạo bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Mối lương duyên vốn đình đám đã chấm dứt để lại nhiều tiếc nuối.
Năm 2007, bầu Đức quyết định chặt bỏ hơn 5 ha cao su dưới chân núi Hàm Rồng để xây dựng Học viện Bóng đá HAGL-Arsenal JMG. Thời điểm ấy, cái tên HAGL không chỉ đình đám ở khắp Việt Nam mà còn nổi danh cả khu vực và thế giới bởi xuất hiện thường xuyên trên bảng điện tử tại sân nhà của Câu lạc bộ Bóng đá Arsenal ở đấu trường Premier League. Ông bầu bóng đá gốc Bình Định rất mê đội bóng lừng danh thế giới về đẳng cấp cũng như lối chơi đẹp thời ấy. Trong khi đó, Học viện JMG cũng khiến làng túc cầu Việt Nam ngỡ ngàng bởi mối quan hệ tốt của HAGL. 
JMG là học viện do cầu thủ người Pháp Jean-Marc Guillou đồng sáng lập năm 1994. Học viện này có 10 chi nhánh trên toàn cầu, tập trung ở các nước: Bờ Biển Ngà, Bỉ, Ai Cập, Thái Lan… Những sản phẩm của lò đào tạo JMG đã được kiểm định ở các giải đấu hàng đầu châu Âu như các cầu thủ: Yaya Toure, Kolo Toure, Gervinho, Salomon Kalou… Với sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của Arsenal, các cầu thủ lò JMG đều được huấn luyện theo giáo trình nghiêm ngặt của các huấn luyện viên (HLV) nước ngoài. 
Với bản hồ sơ khủng của cái tên Arsenal JMG, bầu Đức đã mạnh dạn sử dụng slogan “Vì tương lai bóng đá Việt” cho học viện của mình. Trước báo giới, ông không ngần ngại bày tỏ tham vọng muốn cầu thủ của mình xuất khẩu thi đấu tại các quốc gia hàng đầu châu Âu, thậm chí là trực tiếp chơi cho Arsenal hoặc một câu lạc bộ nào đó tại Premier League. Cùng với đó là việc nâng tầm bóng đá Việt Nam để vượt qua người Thái đang thống trị bóng đá Đông Nam Á rồi vươn tới giấc mơ World Cup. 
U19 HAGL Arsenal JMG từng gây tiếng vang khi vô địch Giải U21 Quốc tế Báo Thanh niên năm 2014. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Sau 5 năm đào tạo, Học viện HAGL-Arsenal JMG đã mang lại hy vọng cho người hâm mộ bóng đá Việt khi có 4 cái tên ở lứa tuổi U17 là Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh và Đông Triều được sang Arsenal thử việc. Tại nước Anh, họ được gặp gỡ HLV Arsene Wenger và tập luyện cùng lứa U17 của Arsenal. Nhưng rồi, chuyến thử việc rốt cuộc chỉ như một suất học bổng cho các cầu thủ nổi bật nêu trên có chuyến dạo chơi ở vương quốc bóng đá. 
Từ năm 2014, bầu Đức chính thức để những cầu thủ của mình tham gia các giải trẻ trong nước và khu vực. Đây cũng là thời điểm vang dội nhất của HAGL-Arsenal JMG bởi lối đá đập nhả nhuần nhuyễn rất đẹp mắt. Chính màn trình diễn mãn nhãn trong giai đoạn đầu trình làng này đã khơi dậy sự sôi sục với tình yêu bóng đá trong người hâm mộ. Chẳng thế mà chưa kể đến chất lượng chuyên môn, điều bầu Đức giành được thành công chính là thương hiệu HAGL. Đến bây giờ, HAGL vẫn đang là câu lạc bộ có lượng người hâm mộ lớn nhất Việt Nam. Sau khi kết thúc chương trình đào tạo, bầu Đức đã cho “gà nòi” của mình chơi ở V.League và liên hệ để họ xuất ngoại. Nhưng thực tế không như mong đợi. Ở V.League, HAGL đã phải thường xuyên tranh chấp suất trụ hạng trong bối cảnh chiếc ghế HLV liên tục bị thay đổi. Những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Anh Tài cũng được tạo cơ hội đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Bỉ… nhưng đều thất bại khi cơ hội ra sân thi đấu không nhiều và đã phải sớm về nước. 
Quân HAGL vẫn chiếm số đông trong màu áo đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Park Hang-seo nhưng rõ ràng nó vẫn không đáp ứng được những kỳ vọng mà năm xưa bầu Đức từng tuyên bố. Đàn em của Công Phượng cũng chỉ đem lại sự thất vọng bởi không có nhiều cái tên nổi bật so với các lò đào tạo khác. Và như một điều tất yếu, HAGL đã lần lượt chia tay với Arsenal và mới đây nhất là với JMG. Huấn luyện viên Guillaume-“kiến trúc sư” đầu tiên của Học viện HAGL Arsenal JMG cũng đã chấm dứt hợp đồng với HAGL. Thậm chí, lứa cầu thủ khóa 4 cũng đã theo ông thầy người Pháp chính thức đầu quân cho Học viện Nutifood JMG như sự khẳng định cho mối lương duyên đã kết thúc. 
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm