Kinh tế

Hài hòa các thủ tục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ năm 1995 đến nay, Gia Lai đã vận động được 87 dự án ODA, trong đó 70 dự án ODA do tỉnh trực tiếp quản lý, thực hiện với tổng vốn cam kết gần 76,7 triệu USD và 17 dự án ODA do Trung ương quản lý với tổng vốn cam kết gần 83,5 triệu USD.

Các nhà tài trợ chủ yếu là: JICA, Đại sứ quán Nhật Bản, Tây Ban Nha, Phần Lan, New Zealand, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Unicef, UNHCR, UNDP, EC, Quỹ Toàn cầu…, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; khuyến nông; phát triển lâm nghiệp; cấp nước, điện, giao thông; xây dựng trường học; cung cấp trang-thiết bị y tế và dạy nghề…

 

Ảnh: Hà Duy
Ảnh: Hà Duy

Hiệu quả từ các dự án đã góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển giáo dục, y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, đặc biệt là trong cộng đồng người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Hầu hết, các dự án đều thực hiện đúng tiến độ, thủ tục giải ngân vốn của các nhà tài trợ đơn giản và nhanh chóng, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Một trong những nguyên nhân để đạt được kết quả trên là nhờ quá trình không ngừng hoàn thiện khung thể chế về quản lý và sử dụng vốn ODA của Chính phủ. Riêng với tỉnh, Chỉ thị số 11/2009/CT-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của địa phương với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.

Tỉnh đã chủ động trong việc phê duyệt các thủ tục đầu tư, tiến độ thực hiện dự án được triển khai nhanh hơn. Do vậy, công tác triển khai thực hiện các dự án thuộc nguồn vốn ODA cũng thuận lợi hơn.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn và tồn tại khó tránh khỏi. Nhiều dự án ODA cần một lượng vốn đối ứng đáng kể, song tỉnh chưa được phân bổ đủ nguồn vốn đối ứng thực hiện theo kế hoạch để đảm bảo quy mô được phê duyệt trong khi đó ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ cho tỉnh 50% tổng nhu cầu vốn.

Việc tạo điều kiện cho Gia Lai được thụ hưởng các dự án ODA về xóa đói giảm nghèo, tăng cường cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, nâng cao năng lực quản lý của các nhà tài trợ lớn như ADB, WB… còn rất ít và phần lớn thông qua các bộ, ngành Trung ương làm chủ dự án. Việc tiếp cận những thông tin về nguồn vốn ODA, các chính sách và điều kiện tài trợ của các nhà tài trợ quốc tế của địa phương còn rất hạn chế nên công tác vận động, thu hút nguồn vốn này và điều kiện để chuẩn bị, đề xuất các chương trình, dự án ODA chưa đạt hiệu quả cao.

Trong những năm qua, các dự án ODA đầu tư vào tỉnh còn ít so với bình quân chung cả nước, hầu hết các dự án vốn đầu tư quy mô nhỏ. Chưa kể, tỉnh đã nỗ lực rất nhiều để hài hòa hóa các thủ tục, song thực tế vẫn còn một số hạn chế nhất định. Như trong hoạt động đấu thầu, đơn vị thực hiện dự án ngoài tuân thủ các quy định đấu thầu của Chính phủ còn phải đảm bảo các yêu cầu của nhà tài trợ. Đối với các dự án ODA (nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế) do Trung ương làm cơ quan chủ quản chưa có sự đồng bộ và thống nhất trong khâu quản lý, phối hợp giữa các cơ quan và đơn vị tại địa phương.

Để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của kế hoạch 5 năm 2011-2015 đã đề ra, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 12,8% trở lên, tỉnh ta cần huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn này là 67.700 tỷ đồng. Trong đó, 5,65% huy động từ các nguồn vốn ngoài nước (tương đương trên 3.800 tỷ đồng).

Trong cơ cấu vốn huy động ngoài nước chủ yếu là vốn ODA và FDI, đây là nguồn vốn có vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Sau 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm, tỉnh ta mới chỉ vận động nguồn vốn ODA ước đạt trên 1.200 tỷ đồng, đạt 32% kế hoạch. Do vậy, trong thời gian tới, việc huy động được nguồn vốn nước ngoài đảm bảo kế hoạch là một thách thức không nhỏ đối với Gia Lai-một tỉnh nghèo ở Tây Nguyên.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm