Thời tiết

Cảnh báo thiên tai

Hai kịch bản đường đi của bão Trami

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chuyên gia khí tượng thuỷ văn đưa ra hai kịch bản về đường đi của bão Trami (bão số 6 trên Biển Đông) cũng như cảnh báo đợt mưa lớn kéo dài 3 ngày ở Trung Trung Bộ.
Video: Ông Hoàng Phúc Lâm chia sẻ về hai kịch bản đường đi của cơn bão số 6

Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, từ chiều qua tới nay, bão Trami (bão số 6 trên Biển Đông) di chuyển tương đối ổn định với tốc độ khá nhanh, trung bình khoảng 15-20km/h và đang hướng về khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Trong 24-48 giờ tới, bão di chuyển tương đối ổn định, cường độ còn mạnh thêm. Dự báo, cường độ cực đại là khi bão ở trên khu vực phía Đông của quần đảo Hoàng Sa, có thể đạt cấp 11-12, giật cấp 13-14.

Cũng theo ông Lâm, khi bão số 6 vào đến khu vực quần đảo Hoàng Sa sẽ có xu hướng di chuyển chậm lại, cường độ yếu dần.

"Có một bộ phận không khí lạnh từ phía Bắc di chuyển xuống phía Nam khiến cho bão suy yếu và bị đẩy xuống phía Nam. Nhiều khả năng bão sẽ suy yếu còn cấp 7-8, xu hướng di chuyển ra phía ngoài và duy trì khá lâu trong thời gian tới dẫn đến trên khu vực giữa và Nam Biển Đông hình thành một dải hội tụ nhiệt đới gây mưa kéo dài cho khu vực Trung Bộ", ông Lâm đưa ra kịch bản về đường đi của cơn bão số 6, đồng thời cho biết, xác suất xảy ra kịch bản này là 60%.

Khi bão số 6 vào đến khu vực quần đảo Hoàng Sa sẽ có xu hướng di chuyển chậm lại, cường độ yếu dần. (Nguồn: NCHMF)

Cũng có kịch bản khác ít khả năng hơn đó là khi bão vào khu vực Hoàng Sa tương tác với không khí lạnh có suy yếu đi, tuy nhiên bão vẫn di chuyển vào bờ và suy yếu trên khu vực đất liền Việt Nam. Kịch bản này xác suất xảy ra là 30%.

Dù là hai kịch bản nhưng Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia nhấn mạnh và quan tâm hơn tới vấn đề mưa lớn ở Trung Trung Bộ. Đây sẽ là khu vực chịu ảnh hưởng rõ nhất của cơn bão số 6.

Từ khoảng chiều và tối 26/6, khu vực Trung Trung Bộ sẽ xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to đến rất to, trọng tâm mưa sẽ rơi vào các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng đến Quảng Nam.

"Hiện nay chúng tôi chưa có con số cụ thể về lượng mưa nhưng có thể phổ biến 300-500mm trong vòng ba ngày.

Với lượng mưa như vậy và có thể mưa tập trung trong thời gian ngắn, khi bão tiến sát bờ Việt Nam thì khả năng lớn nhất hiện nay là nguy cơ lũ quét và sạt lở. Ngoài ra như Đà Nẵng đã xảy ra các trường hợp ngập úng đô thị do lượng mưa lên đến 400-500mm trong một ngày thì lần này cũng có thể xảy ra nguy cơ đó.

Lượng mưa 300-500mm cũng khiến mực nước ở các hồ chứa, con sông tăng cao trong thời gian tới", ông Hoàng Phúc Lâm đưa ra nhận định.

Trong thời gian ngắn 1-2 ngày tới, khi bão còn trên biển thì nguy cơ cao nhất vẫn là tàu thuyền và các hoạt động đánh bắt thuỷ hải sản trên biển, sau đó đến các vùng ven biển liên quan đến lồng bè, các khu nuôi trồng thuỷ sản, khu neo đậu tàu thuyền.

Từ 26-27 trở đi bắt đầu có mưa vừa, mưa to sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân trên đất liền.

Ông Lâm cảnh báo, đối với cả chính quyền và người dân, trước tiên cần thông tin tới các tàu thuyền trên biển việc thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác phòng tránh; rà soát các điểm xung yếu, khu neo đậu tàu thuyền, lồng bè ở ven biển để chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp mưa lớn kèm gió mạnh, sóng lớn trên biển.

Theo Nguyễn Huệ (VTC News)

Có thể bạn quan tâm