Hai lúa lướt Web

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thông qua Câu lạc bộ (CLB) intrernet đã “xóa mù tin học” cho nông dân ở nhiều địa phương. Việc tìm kiếm, truy cập thông tin trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, nhiều mô hình làm ăn kinh tế có hiệu quả ở khắp nơi giới thiệu trên mạng đã được các hội viên trong CLB học tập và áp dụng…

Hai lúa lướt Web

Anh Lê minh Sang, thôn Tân Hòa xã Tân An (Đak Pơ) tâm sự: “Năm ngoái, hơn 2 ha mía giống R576, S105 bị bệnh cháy lá, trổ cờ khiến nhà tôi lo “sốt vó”, chạy đôn đáo khắp nơi để kiếm cách chữa trị. May mà qua mạng tìm hiểu được tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng ngừa nên thiệt hại không đáng kể, nếu không có thông tin kịp thời chắc thiệt hại nặng. Thấy vậy, tôi đầu tư ngay một bộ máy vi tính và nối mạng tại nhà để thuận tiện cho việc truy cập thông tin và đỡ mất thời gian lên xã”.
Anh Sang cho biết thêm, các trang website nông nghiệp là địa chỉ thường xuyên anh tìm đến để xem các thông tin mua bán, tìm những giống mới để áp dụng vào sản xuất, sao cho hiệu quả và nâng suất hơn.

Các hội viên CLB xã Tân An đang chăm chú tìm hiểu thông tin. Ảnh: Ngọc Vũ
Các hội viên CLB xã Tân An đang chăm chú tìm hiểu thông tin. Ảnh: Ngọc Vũ
Ngoài ra, anh còn học tập nhiều mô hình chăn nuôi gà thả vườn tăng thêm thu nhập tại nhà. Từ lợi ích như vậy, nhiều bà con cũng học tập theo anh, mỗi hộ đều mua một “con máy” để thuận tiện cho việc tìm kiếm và việc học tập của con cái trong gia đình, anh hồ hởi nói.


Ông Vương Ngọc Phúc- Chủ tịch Hội nông dân xã Tân An cho hay: CLB được thành lập năm 2009, hiện có 40 thành viên trải đều ở 13 thôn, làng. CLB xã được cấp một bộ máy vi tính, 1 máy in để truy cập Internet. Qua 2 năm triển khai dự án “Hỗ trợ nông dân ứng dụng Internet” hầu hết hội viên đã sử dụng máy vi tính thành thạo. Mỗi tuần Hội Nông dân xã dành 2 buổi để giúp đỡ các trường hợp khó khăn, trục trặc cần xử lý về máy tính... cán bộ nông nghiệp thường xuyên tổ chức các chuyên đề về kiến thức về con giống, cây trồng, vật nuôi. In, phát tài liệu miễn phí cho các hội viên nắm bắt dễ dàng hơn.

…Và mô hình cần nhân rộng

Xa rồi cái thời nhà nông hằng ngày kè kè bên người chiếc radio để nghe ngóng thông tin. Giờ đây, khái niệm máy vi tính dần trở nên quen thuộc và phổ cập với những “hai lúa” vốn quen với ruộng, vườn. Họ không chỉ còn “mù mờ” mà sử dụng một cách thành thạo, biết online, lướt web “bắt” công nghệ phục vụ cho đời sống sinh hoạt của mình…

Gần 3 năm triển khai dự án “Hỗ trợ intrernet ”, toàn tỉnh hiện có 16 Câu lạc bộ, hơn 600 hội viên tham gia sinh hoạt. Những hội viên được trang bị nhiều kỹ năng căn bản về sử dụng máy tính, các cách thức tìm hiểu, truy cập thông tin...
Những thông tin kỹ thuật, tình hình dịch bệnh, cơ cấu mùa vụ… của website các ngành chức năng đã giúp cho nhiều nông dân chủ động hơn trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi, phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc. Đa đạng hơn trong thông tin lựa chọn cây trồng, vật nuôi, thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật… việc tra cứu trên các trang web đã tiết kiệm thời gian của người sản xuất trong các khâu sản xuất, giao dịch buôn bán khi có nhu cầu của bà con.


Ông Đỗ Văn Luân- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phấn khởi: Dự án “Hỗ trợ nông dân ứng dụng Internet” đang mang lại nhiều lợi ích cho nông dân. Thông qua internet góp phần giúp nông dân thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Nông dân vùng sâu, vùng xa không chỉ tiếp cận với công nghệ hiện đại mà còn mở rộng tầm nhìn ra thế giới. Internet đã giúp cho đời sống của họ bước đi “đột biến” khi bước vào nền kinh tế mở. Đây là một mô hình khá hay giúp nông dân tích cực chủ động hơn trong việc tiếp cận tri thức khoa học công nghệ phục vụ sản xuất.

Ngọc Vũ

Có thể bạn quan tâm