Hạn nặng ở Kông Chro

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã hơn 4 tháng qua, trên địa bàn huyện Kông Chro không có mưa lớn, các công trình thủy lợi đang thiếu nước, hàng chục ha cây trồng bị mất trắng. Đặc biệt hệ thống nước máy chỉ cung cấp được 50% nhu cầu của người dân thị trấn Kông Chro, trong khi đó những chiếc giếng đào đang trơ đáy.

Những cánh đồng khô khát

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro, đến nay trên địa bàn huyện đã gieo trồng được gần 2.500 ha cây trồng vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, do nắng hạn kéo dài nên 97 ha cây trồng các loại bị thiệt hại, trong đó mất trắng gần 54 ha, bao gồm bắp lai hơn 37 ha, mía 4 ha, ớt 1 ha… Tuy nhiên, đây cũng chỉ là thống kê ban đầu vì trên thực tế diện tích cây trồng bị thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều. Lãnh đạo một số địa phương cho rằng diện tích mía trồng mới đã bị chết hết và họ cũng chưa kịp thống kê.

 

Chắt chiu từng giọt nước. Ảnh: V.H

Cánh đồng của các xã: Đak Pơ Pho, Yang Trung, An Trung, Chơ Long nhiều năm đến thời điểm này cây trồng vụ Đông Xuân đã lên xanh tốt, nhưng năm nay đất trắng vẫn còn trơ trơ cùng nắng gió. Nhiều diện tích bắp, mía và ớt do không có mưa nên đã bị chết cháy. Mặc dù đất để trống nhưng người dân vẫn không dám gieo trồng đợt II vì sợ nắng hạn. Chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ gieo trồng của huyện.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Kông Chro có 14 công trình thủy lợi lớn nhỏ, trong đó công trình hồ chứa nước của thị trấn đã cạn nước, các công trình còn lại chỉ còn 50-60% lượng nước. Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài thì sẽ là một hiểm họa khôn lường đối với ngành nông nghiệp của huyện. Anh Nguyễn Văn An, ở xã Yang Trung cho biết: Vào đầu vụ, tôi đã xuống giống trồng hơn 1 ha bắp. Do nắng hạn nên cây bắp đã bị chết, đến giờ không biết lấy giống đâu để trồng lại và nếu có giống chúng tôi cũng không dám trồng vì nắng như thế này trồng xuống cũng chết hết.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình hạn hán xảy ra trên địa bàn huyện, ông Võ Văn Hưng- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết thêm: Vụ mùa vừa qua, nông dân bị thiệt hại rất lớn. Chính vì thế, ngay từ đầu vụ Đông Xuân, chúng tôi đã khuyến cáo người dân không gieo trồng trên những diện tích có thể thiếu nước, cùng với đó chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tránh hạn. Thế nhưng, nhiều tháng nay không có mưa nên nhiều diện tích cây trồng đã bị ảnh hưởng, trong đó có một số diện tích mất trắng.

Giếng trơ đáy

Trong cái nắng gay gắt ban trưa, bà Lương Thị Sương, ở tổ 1, thị trấn Kông Chro đang phơi mình để kéo cuộn dây điện, máy bơm đấu nối vào đường ống nước máy với hy vọng có thêm máy bơm từ trong đường ống nước máy kia sẽ có ít nước chảy ra cho bà nấu bữa cơm trưa cho gia đình. Thế nhưng, hì hục cả tiếng đồng hồ đổ nước mồi, cắm điện, rồi lại tháo ra nhưng cái xô đựng nước vẫn khô khốc. Gạt giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm nắng, bà cho biết: Khổ lắm chú ơi, cả tổ dân phố này không ai có nước để dùng. Tranh thủ lúc nhà máy nước cấp nước, những người dân chúng tôi phải mua thêm cái máy bơm hy vọng hút được chút nước, nhưng chú thấy đó có nước đâu.

Không chỉ bà Sương mà hàng ngàn hộ gia đình ở huyện Kông Chro đang thiếu nước sạch. Thị trấn Kông Chro có 585 hộ đăng ký sử dụng nước máy, còn lại là dùng giếng. Thế nhưng, lượng nước mà nhà máy nước cung cấp cho người dân chỉ đạt khoảng 40-50% số hộ đăng ký, máy bơm của nhà máy chỉ bơm được 3 tiếng đồng hồ là cạn. Và nếu nhà máy có bơm nước cũng phải đợi đến 4 giờ sáng khi thủy điện Đak Srông tích nước không chạy máy thì nước mới dâng lên, máy bơm mới hoạt động được. Lưu lượng nước từ thủy điện An Khê-Ka Nak chảy về quá ít chính vì thế Nhà máy nước Kông Chro không thể hoạt động được.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, 75% số giếng trên địa bàn của huyện đã cạn nước. Anh Phan Thế Nhân, ở tổ 1, thị trấn Kông Chro cho biết: Chưa bao giờ chúng tôi thiếu nước sạch như năm nay. Nhà tôi phải mua cái bồn 5.000 lít về để chứa nước, phải ra suối chở nước về dùng. Mỗi buổi sáng hay buổi trưa người dân ra suối lấy nước như đi hội.

Ông Nguyễn Văn Ký- Chủ tịch UBND xã An Trung cho biết thêm: Ngoài thiệt hại về cây trồng thì hiện nay 75% số giếng trên địa bàn xã đã cạn nước, người dân đang thiếu nước sạch trầm trọng.

Kông Chro là một huyện nghèo, đợt nắng hạn này lại thêm một gánh nặng nữa đè lên vai người dân. Nếu các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện không có những động thái tích cực thì thiệt hại về cây trồng, nguy cơ thiếu đói đã hiện hữu.

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm