Kinh tế

Hàng hóa sau tết đua nhau tăng giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếu như trước Tết Canh Dần giá cả tương đối ổn định do nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng đủ nhu cầu thị trường thì sau tết, giá cả nhiều mặt hàng đã liên tục leo thang, đặc biệt là các loại thực phẩm, hàng ăn.

Trước đó, theo tổng hợp của Bộ Công thương, giá cả 3 ngày tết tương đối ổn định không có hiện tượng tăng giá đột biến.

Ở Hà Nội, hôm qua 17-2, tức mùng 4 Tết, giá nhiều loại thịt cá, rau quả tại các chợ Bưởi, Quảng An, Hòe Nhai, Nhật Tân… đã tăng mạnh so với trước tết. Cụ thể, giá thịt bò lên đến 180.000 đồng/kg (tăng khoảng 30.000 đồng); các loại rau cũng tăng khoảng 2 lần…

Giá nhiều món ăn được ưa thích sau tết cũng tăng mạnh như bún riêu từ 10.000- 15.000 đồng/tô lên 25.000- 30.000 đồng/tô, phở bò từ 20.000 đồng/tô lên 30.000- 40.000 đồng/tô. Theo giải thích của các chủ hàng, sở dĩ hàng hóa tăng mạnh là do nhu cầu các mặt hàng này tăng mạnh sau tết, bên cạnh đó, số lượng các chủ hàng bán vào dịp này chưa nhiều.
 

 

Không những thực phẩm tăng giá, nhiều loại dịch vụ cũng đua nhau nâng giá tranh thủ dịp tết, rõ ràng nhất là dịch vụ trông giữ xe. Tại các điểm như: Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Bờ Hồ, Công viên Lênin, khu vực Chùa Quán Sứ… giá trông xe bình quân tăng gấp 2 lần so với bình thường và phổ biến 5.000- 10.000 đồng/xe máy, có những nơi lên đến 20.000 đồng/xe máy, ô tô 50.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, theo quy định, giá trông xe máy ban ngày là 2.000 đồng/lượt, xe đạp 1.000 đồng/lượt.

Theo quan niệm của người dân Đà Nẵng, đầu năm ăn cá lóc thì cả năm sẽ… khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, từ mùng 3 Tết đến nay, rất đông người đến các chợ trên địa bàn Đà Nẵng để mua cá lóc. Giá cá lóc đồng là 65.000- 80.000 đồng/kg, cá lóc nuôi giá từ 45.000-55.000 đồng/kg. Do lượng cá lóc năm nay ít nên giá tăng khá cao, cá lóc đồng đắt hơn ngày thường đến 20.000 đồng/kg nhưng vẫn không có để bán.

Tại TPHCM, nếu như mọi năm, từ mùng 2, mùng 3 Tết nhiều chợ, siêu thị đã mở cửa hoạt động thì năm nay, đến sáng 17-2 (tức mùng 4 Tết) thị trường vẫn còn vắng vẻ. Hầu hết các chợ lẻ đều chỉ có vài gian hàng bán rau củ quả, trái cây và hoa tươi hoạt động, còn các sạp kinh doanh các ngành hàng khác hầu như vẫn chưa “thức”. Các hệ thống siêu thị cũng khởi động chậm chạp hơn so với mọi năm.

Tại hệ thống Co.opMart, theo thông tin từ phòng kinh doanh cho biết, chỉ có hệ thống cửa hàng thực phẩm Co.op Food là bán trở lại vào buổi sáng ngày 17-2 (tức mùng 4 Tết), còn lại đều đến ngày 19-2 (tức mùng 6 Tết) mới hoạt động trở lại. Hệ thống siêu thị Maximark, đến ngày (21-2) mới hoạt động lại.

Tết năm nay Big C đã chính thức mở cửa bán trở lại từ mùng 3 Tết và tung ra 3 chương trình khuyến mãi lớn. Trong đó có hai chương trình khuyến mãi đang rất thu hút khách hàng là chương trình hội chợ hàng WOW (hội chợ nhãn hàng riêng của Big C) với hơn 200 mặt hàng thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm… được bán với giá rẻ đặc biệt và hội chợ đồ chơi với giá giảm lên đến 50% dành cho khách hàng “nhí”.

Do hầu hết các hệ thống phân phối và các chợ lẻ đều chưa hoạt động trở lại bình thường nên giá bán một số mặt hàng trong những ngày đầu năm vẫn còn khá cao, nhất là các loại rau xanh và thủy hải sản. Tại chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh), giá khổ qua vẫn còn 15.000 đồng/kg, rau thơm 30.000 đồng/kg, khóm 18.000 đồng/trái, cá diêu hồng 40.000 đồng/kg; cá lóc 50.000 đồng/kg…

Ngoài ra, các mặt hàng như thịt heo, gà… giá vẫn ổn định.

Theo SGGP

Có thể bạn quan tâm