Phóng sự - Ký sự

Hạnh phúc từ những "túp lều tranh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đâu đó quanh chúng ta, có những cặp vợ chồng luôn biết cách giữ ngọn lửa hạnh phúc trong những lúc gian khó, thiếu thốn đến cùng cực. Tình nghĩa phu thê vẹn tròn, đậm sâu giúp họ vượt mọi vất vả, xây đắp nên những “túp lều tranh với hai trái tim vàng” trong cuộc sống hiện đại xô bồ, vội vã.
Gia đình anh K’pắk Y Lốc hạnh phúc bên nhau trong căn nhà nhỏ giữa đồi ở thôn Hoàn Thành (xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên).
Gia đình anh K’pắk Y Lốc hạnh phúc bên nhau trong căn nhà nhỏ giữa đồi ở thôn Hoàn Thành (xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên).
Học cái chữ để giữ hạnh phúc
K’pắk Y Lốc là anh cả trong một gia đình nông dân có năm anh chị em ở thôn Hoàn Thành (xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên). Từ nhỏ, cuộc sống của cậu bé Y Lốc đã gắn liền với nương rẫy. Sớm tối lớn lên bên những gốc mì, mía, khoai lang trên triền núi cằn cỗi, đến năm 2007 thì Y Lốc phải bỏ dở con đường học tập vì gia đình quá khó khăn.
Năm 2008, chàng trai Y Lốc cưới vợ khi chỉ có tấm bằng tốt nghiệp THPT trong tay. Nay Hờ Xuân, bé gái đầu lòng của gia đình nhỏ ra đời giữa muôn vàn lo lắng của cặp vợ chồng trẻ. “Nhưng mình có sức khỏe kia mà!”, Y Lốc thầm nghĩ.
Vừa chăm chỉ canh tác trên đất nhà, vừa mang sức trẻ đi làm thuê, làm mướn khắp nơi, nhưng mãi mà gia đình anh vẫn chưa có của ăn, của để. Giữa những toan tính bộn bề của chàng trai người Ê đê, cậu con trai út Nay Y Duẫn chào đời.
Y Lốc nhận ra rằng, chỉ dựa vào sức lực thì chắc chắn không đủ. Đó là chưa kể, sức lực rồi sẽ dần trôi đi theo năm tháng, không thể mãi xanh tươi như đại ngàn. Anh quyết định đi học. Học thêm cái chữ, học thêm cách trồng trọt, làm nương, cách sử dụng công nghệ, máy móc để tăng năng suất cây trồng...
Sau những năm tháng vất vả, đến nay, vợ chồng anh đã sở hữu nhiều héc-ta mía, mì và các loại nông sản, nuôi bò, gà, vịt... cho thu nhập hằng năm khoảng hơn 120 triệu đồng. Con gái đầu lòng Nay Hờ Xuân cũng đã học lớp 4, nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi và nhiều giải thưởng cấp huyện. Con trai út Nay Y Duẫn hiện học lớp mẫu giáo lớn với hàng loạt danh hiệu “bé khỏe bé ngoan”.
Ngoài vai trò một người chồng tốt, người cha mẫu mực, nhiều năm qua, Y Lốc còn được người dân địa phương biết đến như một cán bộ Đoàn, Hội xuất sắc, luôn giúp đỡ, vận động có hiệu quả bà con tham gia phát triển kinh tế, giữ gìn nếp sống văn minh, xây dựng quê hương giàu đẹp. Năm 2018, anh được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Suối Trai.
Khó thế nào rồi cũng qua
Năm 2011, vợ chồng anh Nguyễn Kiến Thiết, nhân viên Trung tâm Y tế huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) lập gia đình trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, những vật dụng thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày đều thiếu thốn, thậm chí phương tiện đi làm cũng không có.
 
Vợ chồng anh Nguyễn Kiết Thiết đầm ấm đón Tết Nguyên đán vừa qua trong căn nhà khang trang được xây dựng từ sức lao động chân chính trong nhiều năm.
Vợ chồng anh Nguyễn Kiết Thiết đầm ấm đón Tết Nguyên đán vừa qua trong căn nhà khang trang được xây dựng từ sức lao động chân chính trong nhiều năm.
Theo ký ức của anh Thiết, đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng ngày ấy tính ra chẳng thấm vào đâu đối với gia đình gồm ông bà, cha mẹ và con cái. Căn nhà lụp xụp của cả nhà thường xuyên bị dột, bị nước mưa ngập liên miên. Nhiều đêm thức trắng, vợ chồng anh Thiết chỉ biết nhìn đứa con thơ và khuyên nhủ lẫn nhau: “Khó thế nào rồi cũng qua...”
Bán nước, bán ốc đêm vỉa hè, bán đồ ăn sáng... tất cả những công việc có thể làm thêm đều được vợ chồng anh thử qua. Thế nhưng, lời lãi từ những việc đó vừa không được bao nhiêu, lại tiêu tốn quá nhiều thời gian và không phù hợp với cặp vợ chồng trẻ đang nuôi con nhỏ.
May mắn thay, trong lần đi thăm một người bạn, anh Thiết đã nhận thấy cơ hội làm giàu chính đáng từ mô hình sản xuất các loại đặc sản vùng cao. “Đánh liều” đi vay mượn khắp nơi để có đồng vốn khởi nghiệp, anh chị đầu tư thiết bị chế biến thịt trâu, thịt lợn sấy, lạp sườn, thịt ba chỉ hun khói... Một lần nữa, anh Thiết lại khuyên vợ: “Khó thế nào rồi cũng qua!”
Đây là bước ngoặt cuộc đời của cặp vợ chồng trẻ vốn chỉ quen với việc khám, chữa bệnh cho đồng bào vùng cao. Trải qua thời gian đầu vừa học vừa làm, anh chị nhanh chóng vượt khó khăn, dần xây dựng mô hình kinh tế tư nhân với lợi nhuận hằng năm lên tới hơn 100 triệu đồng.
Có của ăn, của để, anh chị dành dụm cất được căn nhà khang trang, đồng thời có điều kiện nuôi dạy hai con ngoan ngoãn, lễ phép, học hành giỏi giang. Với lối sống giản dị, chan hòa, vợ chồng anh Thiết luôn được người dân chung quanh coi là “tấm gương kép” về truyền thống quý báu của dân tộc trong giữ gìn hạnh phúc gia đình, vun đắp tình cảm vợ chồng.
Bản thân anh Thiết cũng nhiều năm là Bí thư Đoàn cơ sở Trung tâm Y tế huyện Than Uyên gương mẫu, luôn sẵn sàng xung kích, tình nguyện giúp đỡ mọi người, tích cực vận động các cặp vợ chồng trẻ xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Năm 2018, anh Thiết từng được trao tặng danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.
Trên đây là hai trong số các cặp vợ chồng trẻ thuộc danh sách tuyên dương “Gia đình trẻ tiêu biểu” năm 2020. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam triển khai vinh danh các “tổ ấm” trẻ có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn để xây dựng cuộc sống ấm no, hòa thuận, hạnh phúc và tiến bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, là tấm gương sáng ở địa phương. Dự kiến, Lễ tuyên dương “Gia đình trẻ tiêu biểu” năm 2020 sẽ được T.Ư Hội LHTN Việt Nam tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 tới đây.
NGỌC VY (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm