Trong danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư tại Pháp năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục quốc gia, Giáo dục đại học, nghiên cứu và đổi mới nước Pháp công bố ngày 26.3.2024 có tên PGS-TSKH Nguyễn Thị Mộng Điệp, giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn. Do mỗi năm, Pháp chỉ xét giáo sư 1 lần, bắt đầu xét từ tháng 6 năm nay đến tháng 3 năm sau nên trong năm 2024, PGS-TSKH Nguyễn Thị Mộng Điệp được xem là người VN duy nhất đạt tiêu chuẩn này.
PGS-TSKH Nguyễn Thị Mộng Điệp tại phòng thí nghiệm ở Pháp. Ảnh NVCC |
Đam mê và tâm huyết với khoa học y sinh cùng khát khao cống hiến vì cộng đồng đã trở thành động lực để PGS-TSKH Mộng Điệp kiên định trên con đường nghiên cứu khoa học. Sau nhiều năm miệt mài nỗ lực, những đóng góp của nữ PGS trong lĩnh vực khoa học y sinh, đặc biệt là nghiên cứu về hormone nhân tạo, đã được ghi nhận xứng đáng khi trở thành ứng viên xuất sắc đạt chuẩn giáo sư tại Pháp năm 2024. Cô cũng nằm trong top 3 ứng viên xuất sắc nhất khi đạt tiêu chuẩn cho cả ba vị trí ứng tuyển thuộc chuyên ngành sinh lý học (physiologie), hóa sinh và sinh học phân tử (biochimie et biologie moléculaire) và sinh học cơ thể (biologie des organismes).
Để trở thành giáo sư tại Pháp, ứng viên phải vượt qua nhiều tiêu chí nghiêm ngặt, như: thành tựu nghiên cứu dựa trên các công trình công bố trên tạp chí quốc tế uy tín; kinh nghiệm hướng dẫn nghiên cứu sinh, số lượng đề tài nghiên cứu đã chủ trì; uy tín học thuật qua việc tham gia tổ chức khoa học và xuất bản sách; kinh nghiệm giảng dạy, đóng góp vào đào tạo nhân lực chất lượng cao và sự phát triển của ngành.
TRỞ VỀ VN ĐỂ THEO ĐUỔI GIẤC MƠ
Cũng vì tâm huyết với khoa học và mong muốn đưa tri thức mới về phục vụ quê hương, PGS-TSKH Mộng Điệp đã từ bỏ những lời đề nghị hấp dẫn để trở về VN, dấn thân vào hành trình khó khăn nhưng đầy ý nghĩa.
Từ khi còn học phổ thông ở vùng trung du Hoài Ân (Bình Định), PGS-TSKH Mộng Điệp đã đam mê công nghệ sinh học. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô được Trường ĐH Quy Nhơn giữ lại công tác, khởi đầu nghiên cứu công nghệ sinh học nông nghiệp. Năm 2011, cơ duyên hiếm có đưa cô đến với lĩnh vực khoa học y sinh khi được làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu về nông nghiệp, thực phẩm và môi trường quốc gia Pháp (INRAe), một trong những viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về nông nghiệp, thực phẩm và môi trường.
Hoàn thành xuất sắc chương trình nghiên cứu sinh, PGS-TSKH Mộng Điệp tiếp tục nhận được lời mời làm việc sau tiến sĩ tại INRAe và Trường ĐH Kent State của Mỹ. Đây là cơ hội hiếm có để cô tiếp tục trau dồi, phát triển sự nghiệp trong môi trường nghiên cứu đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, cô đã quyết định trở về VN, theo đuổi giấc mơ xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học y sinh đầu tiên tại Bình Định, nhằm mở hướng nghiên cứu mới, đồng thời phục vụ giảng dạy.
Thiếu thốn cơ sở vật chất, không có nơi để triển khai nghiên cứu là những thách thức lớn nhất nhưng PGS-TSKH Mộng Điệp luôn tâm niệm phải có người mở đường, dù gian nan đến đâu cũng phải vượt qua. Vì vậy, trong nhiều năm liền, cô phải xa gia đình từ 3 - 6 tháng mỗi năm để sang Pháp hợp tác nghiên cứu tại INRAe, tiếp cận môi trường làm việc tốt hơn, học hỏi kiến thức từ các chuyên gia hàng đầu.
Những lúc ở VN, cô tận dụng tối đa kiến thức đã học để phục vụ công tác giảng dạy. Bằng tâm huyết và khát khao cống hiến, PGS-TSKH Mộng Điệp đã góp phần lan tỏa tri thức, đồng thời quảng bá văn hóa, con người VN ra với thế giới.
PGS-TS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, cho biết: "Nhà trường đang trong quá trình xây dựng nhóm nghiên cứu về công nghệ hỗ trợ sinh sản và sắp tới sẽ kết nối với các trường đại học khác ở vùng Nam Trung bộ để tiếp tục mở rộng nhóm nghiên cứu này". Ông Mỹ chia sẻ đây sẽ là cơ sở cần thiết để hỗ trợ PGS-TSKH Mộng Điệp trong việc xây dựng phòng thí nghiệm nhằm phục vụ cho hướng nghiên cứu khoa học y sinh tại địa phương.
PGS-TSKH Mộng Điệp Đam mê nghiên cứu khoa học và mong muốn cải thiện cuộc sống con người, đặc biệt là trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản. Ảnh NVCC |
NGHIÊN CỨU TẠO CƠ HỘI SINH CON CHO VỢ CHỒNG HIẾM MUỘN
Năm 2020, dự án "Sản xuất các Gonadotropin chuỗi đơn để điều trị sinh sản" của PGS-TSKH Mộng Điệp được Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) chọn tài trợ kinh phí. Đây là bước đệm quan trọng để cô hiện thực hóa giấc mơ sản xuất hormone nhân tạo tại VN, mang lại cơ hội điều trị tốt hơn cho bệnh nhân vô sinh.
Trong khuôn khổ dự án, cô và cộng sự đã tạo ra 2 loại hormone gonadotropin tái tổ hợp mới, gồm hFSH (human Follicle Stimulating Hormone) và eCG (equine Chorionic Gonadotropin) để hỗ trợ sinh sản ở con người và động vật. Nghiên cứu được xem là tiến bộ mới, giúp nâng cao hiệu quả điều trị vô sinh, hiếm muộn.
Ưu điểm nổi trội của 2 hormone mới này là được thiết kế để có thời gian tồn lưu kéo dài trong cơ thể, thời gian bán hủy lâu, chỉ cần tiêm một liều duy nhất là đủ cho toàn bộ quá trình điều trị. Quy trình sản xuất của các hormone mới này cũng đơn giản hơn so với các sản phẩm truyền thống từ nguồn tự nhiên. Nhờ đó, giúp giảm chi phí và nâng cao khả năng tiếp cận của người dùng.
PGS-TSKH Mộng Điệp chia sẻ: "Dự án này đòi hỏi phải tích hợp nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau như sinh học phân tử, hóa sinh, và kỹ thuật sinh học để có thể thực hiện quy trình sản xuất hormone. Tính tiên phong của dự án không chỉ thể hiện ở mặt công nghệ mà còn ở mức độ ứng dụng trong thực tiễn y học, giúp giải quyết vấn đề sức khỏe cộng đồng. Dự án thành công sẽ mang lại cơ hội điều trị tốt hơn cho người bệnh, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành khoa học y sinh và công nghệ sinh học tại VN".
TS Huỳnh Gia Bảo, chuyên gia về kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (IVF) tại Bệnh viện Mỹ Đức (TP.HCM), hy vọng dự án nghiên cứu hormone tái tổ hợp hỗ trợ sinh sản của PGS-TSKH Mộng Điệp và cộng sự sẽ giúp nâng cao khả năng tiếp cận, giảm chi phí điều trị cho người bệnh VN, đặc biệt tại vùng xa xôi. Với dự án tiềm năng và ứng dụng thực tế cao do người Việt thực hiện, ông tin tưởng sẽ nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, mở rộng cơ hội sinh con cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn.
KHÁT KHAO CỐNG HIẾN VÌ CỘNG ĐỒNG
Đam mê nghiên cứu khoa học không đơn thuần chỉ là nhiệm vụ công việc, mà còn bắt nguồn từ mong muốn cải thiện cuộc sống con người, đặc biệt là trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản. PGS-TSKH Mộng Điệp luôn quan tâm sâu sắc đến vấn đề này và xem đó là động lực lớn nhất thôi thúc tìm ra giải pháp tiên tiến để điều trị vô sinh. Khát khao lớn nhất của cô lúc này là tiếp tục được nghiên cứu lâm sàng để có thể đưa hormone nhân tạo phục vụ điều trị vô sinh được sản xuất ngay tại VN. Qua đó, giúp người bệnh giảm gánh nặng chi phí và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đồng thời, cũng giúp VN tự chủ nguồn cung, giảm lệ thuộc nhập khẩu.
PGS-TSKH Mộng Điệp cho biết thêm: "Trên hành trình đến được với danh hiệu giáo sư tại Pháp, bản thân tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình, đồng nghiệp và INRAe. Qua đó đã giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Niềm tin vào giá trị công việc và mong muốn góp phần mang lại lợi ích cho cộng đồng luôn là động lực để tôi quyết tâm theo đuổi đến cùng con đường nghiên cứu khoa học y sinh".
PGS-TSKH Nguyễn Thị Mộng Điệp (41 tuổi) hiện là Trưởng bộ môn Sinh học ứng dụng - Nông nghiệp, Trường ĐH Quy Nhơn.
Một số thành tích nổi bật:
- Năm 2020, 2022 đạt chứng nhận tri thức tiêu biểu về KH-CN tỉnh Bình Định.
- Năm 2021, đạt Giải thưởng top 10 tri thức, nhà khoa học sáng tạo và cống hiến tiêu biểu Asia.
- Năm 2023, nhận bằng khen của Hội Nữ trí thức VN về thành tích nghiên cứu khoa học; là một trong 33 giảng viên được vinh danh trong chương trình Nhà giáo tiêu biểu của năm 2023 bậc đại học và nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
- Năm 2024 được Bộ Giáo dục quốc gia, Giáo dục đại học, nghiên cứu và đổi mới nước Pháp công bố đạt danh hiệu giáo sư tại Pháp.